13/12/2018 10:44 GMT+7

Tư vấn tâm lý trên tàu phóng lôi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Để giải đáp thắc mắc, kịp thời phát hiện và tư vấn tâm tư tình cảm, chuyện gia đình… cho cán bộ chiến sĩ, một tổ tư vấn tâm lý đã được thành lập trên tàu phóng lôi 306 (Lữ đoàn 170, Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân).

Tư vấn tâm lý trên tàu phóng lôi - Ảnh 1.

Tổ tư vấn tâm lý tàu 306 tư vấn cho chiến sĩ Lê Thế Anh (bìa phải) - Ảnh: MY LĂNG

Có về thăm gia đình chiến sĩ thì mình mới thấu hiểu hơn, nắm tốt hơn tâm tư nguyện vọng của bộ đội

Đại úy PHẠM GIAI HIỂN

Tổ tư vấn gồm 3 thành viên: chính trị viên - đại úy Phạm Giai Hiển (tổ trưởng), trung úy Nguyễn Tùng Lâm - trưởng ngành hỏa lực và trung úy Phạm Minh Hiệp - phó thuyền trưởng quân sự.

Gỡ rối nỗi lòng

Một buổi chiều cuối tháng 11-2018 ở Hải đội 135, Lữ đoàn 170 (Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân), ở góc bàn anh em bộ đội ngồi uống nước trò chuyện, trung sĩ Lê Thế Anh (20 tuổi, người Quảng Ninh) đang tâm sự với các thành viên tổ tư vấn.

Lê Thế Anh là chiến sĩ ngư lôi, tham gia nghĩa vụ quân sự trên tàu. Trong không gian khá tĩnh lặng, bạn thoải mái chia sẻ những thắc mắc bấy lâu về việc ở lại quân đội hay ra quân, học nghề. Ba thành viên tổ tư vấn chăm chú lắng nghe.

Lúc này không còn điều lệnh khô khan, không còn là cán bộ tàu với nhân viên cấp dưới nữa, chỉ còn sự chân tình, chia sẻ để tháo gỡ những "nút thắt". Cuối cùng, trung sĩ Thế Anh nở nụ cười, bảo: "Cảm ơn các anh đã cho em những gợi ý. Em sẽ suy nghĩ và quyết định".

Câu chuyện của Thế Anh không phải là một "ca" khó với tổ tư vấn. Đại úy Phạm Giai Hiển (30 tuổi) cho biết còn nhiều "ca" phức tạp hơn. Cuốn sổ thống kê các trường hợp tư vấn được anh Hiển ghi chép khá chi tiết, đầy đủ:

"Thời gian qua, thấy đồng chí Long - trưởng ngành hai - buồn trầm, ít nói. Tìm hiểu mới phát hiện mẹ đồng chí bị ngã cầu thang phải nằm viện nhưng hai tháng nay do yêu cầu nhiệm vụ cao, nên đồng chí Long chưa được về thăm mẹ".

"Đồng chí Tùng, chiến sĩ rađa, bố mẹ ly dị, nhà có hai chị em nhưng chị gái mất khi còn nhỏ. Đồng chí Tùng ở với bà nội. Đồng đội ở các khoang, phòng phản ảnh đồng chí Tùng gần đây hay buồn rầu, thức đêm, công việc chểnh mảng, hiệu quả chưa tốt".

Chính trị viên Hiển cười bảo: "Lúc đầu tổ tư vấn chưa tiếp cận ngay, mà thông qua một đồng chí khác thân với Tùng để nắm bắt nguyên do, tư vấn bằng nhiều hình thức, có khi chỉ cần một người chung sở thích để tiếp cận rồi mới tìm cách tư vấn. Hay như trong buổi tổ chức sinh nhật đồng đội, mình sẽ lồng ghép nội dung cần tư vấn vào, thường là liên quan đến tình yêu".

Đơn cử như câu chuyện của bạn Nguyễn Văn Cường, chiến sĩ nghĩa vụ. Đồng đội thấy Cường đột nhiên ủ rũ, buồn rầu, tìm hiểu mới hay bố Cường bị ung thư, nhà chỉ có hai anh em. Tổ động viên để Cường thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, sau đó đề xuất với cấp trên tạo điều kiện cho Cường về phép. Khi hết phép, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện cho đi phép đặc biệt.

"Từ lúc phát hiện bệnh, chỉ hai tháng sau thì bố Cường mất. Thời gian đó cậu ấy suy sụp, buồn nhiều lắm. Tổ tư vấn chia sẻ, bên cạnh Cường đến khi đồng chí nhận ra mình cần phải vượt qua" - đại úy Phạm Giai Hiển kể.

Chính trị viên đưa chiến sĩ đi khám bệnh

Thêm một câu chuyện khác của Đạt, chiến sĩ tín hiệu người Hưng Yên, hay bị đau đầu không rõ nguyên nhân.

Khi Đạt bày tỏ với tổ tư vấn nguyện vọng muốn lên bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội khám, chính trị viên Phạm Giai Hiển là người trực tiếp đưa Đạt về Hà Nội. Chuyến đó đi, anh kết hợp ghé thăm nhà chiến sĩ này để nắm hoàn cảnh gia đình. "Về thăm gia đình chiến sĩ thì mình mới thấu hiểu hơn, nắm tốt hơn tâm tư nguyện vọng bộ đội" - đại úy Hiển nói.

Đạt đặc biệt đam mê nấu ăn. Lúc gần ra quân, mẹ và ông bà ngoại muốn bạn ở lại phục vụ trong quân đội, nhưng anh chàng phân vân không biết nên thế nào. Đem thắc mắc nhờ các anh trong tổ tư vấn gỡ rối, Đạt được các anh cán bộ tàu phân tích những điểm mạnh, yếu trong tính cách, năng lực, sở trường... Cuối cùng, Đạt ở lại tàu sáu tháng để phục vụ quân đội theo nguyện vọng của gia đình, rồi sau đó ra quân, học làm đầu bếp.

Giờ anh chàng đang làm nhân viên bếp cho một nhà hàng ở Hà Nội, quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một đầu bếp giỏi.

Đại úy Phạm Giai Hiển cho biết tổ tư vấn tâm lý là sáng kiến của đại tá Phạm Văn Vững - khi ấy là chính ủy Vùng 1 hải quân (bây giờ là chuẩn đô đốc, chính ủy Quân chủng hải quân). Tổ tư vấn tâm lý gồm ba người, trong đó có chính trị viên tàu, hai người còn lại do chính trị viên tàu lựa chọn.

"Tiêu chí để chọn thành viên tổ tư vấn là người hiểu biết về pháp luật, nắm chắc các văn bản, chỉ thị để tư vấn cho bộ đội; có kiến thức nhiều lĩnh vực; khả năng truyền đạt tốt, tinh tế, gần gũi, biết nắm bắt tâm lý anh em" - anh Hiển nói.

Anh cho biết thêm: "Bộ đội thường có chuyện buồn về gia đình, tình yêu hoặc các em chiến sĩ mới về, chưa nắm rõ về mệnh lệnh, quy định của quân đội. Có những đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ vì thời gian nghĩa vụ quân sự ngắn, chỉ hai năm, nên nhiều điều lệnh quân đội nắm không vững. Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình là cơ sở đầu tiên để các thành viên lưu ý khi hội ý để tư vấn".

306 là một trong những tàu chiến đấu chủ công của Hải đội 135. Năm 2017, 306 là một trong hai tàu của Lữ đoàn 170 nhận danh hiệu Tàu quyết thắng do quân chủng trao tặng. Thành công đó không thể không kể đến vai trò của tổ tư vấn tâm lý khi kịp thời nắm bắt, lắng nghe và chia sẻ, tư vấn, động viên cho bộ đội.
TP.HCM: đa dạng hóa các hình thức tư vấn tâm lý học sinh TP.HCM: đa dạng hóa các hình thức tư vấn tâm lý học sinh

TTO - Bên cạnh đa dạng hóa các hình thức tư vấn tâm lý học sinh, các trường thiết lập kênh thông tin, thường xuyên trao đổi với phụ huynh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên