13/12/2018 10:34 GMT+7

Rừng tự nhiên Trà Đốc 'kêu cứu'

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG

TTO - Gỗ rừng tự nhiên ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam bị tàn phá trong một thời gian dài, cơ quan chức năng ở đâu?

Rừng tự nhiên Trà Đốc kêu cứu - Ảnh 1.

Gỗ rừng khu vực K7 bị đốn, xẻ phách - Ảnh: VIỆT HÙNG

Có khi họ cưa hạ cây vào ban ngày, trong lúc có nhiều người qua lại rất trắng trợn. Chúng tôi chỉ dám đứng đằng xa nhìn, lấy điện thoại chụp lại, chứ không dám đến gần vì sợ họ đánh

Một người dân trú thôn 5

Theo tin báo của người dân, PV Tuổi Trẻ đã có nhiều ngày thâm nhập những cánh rừng tự nhiên tại xã Trà Đốc và chứng kiến cảnh gỗ quý ở đây bị triệt hạ lấy gỗ, chiếm đất sản xuất.

Cạo trọc đồi lấy chò, lim xanh

Ngày 5-12, địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu rừng tự nhiên tại khu vực dốc K7 thuộc thôn 5, xã Trà Đốc. Đây là khu vực rừng giáp ranh với xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. 

Chỉ cách tuyến đường Đông Trường Sơn vừa được mở xuyên núi chưa đầy 100m, chúng tôi thấy hàng chục loại gỗ quý như lim xanh, sơn nghệ, chò, chua, sến, dỗi... bị đốn hạ trơ gốc.

Những gốc cây có đường kính 50cm-1m bị chặt hạ còn vết nhựa ở gốc.

Một người dân trú thôn 5 cho biết tình trạng phá rừng xảy ra nhiều năm trước, khi tuyến đường Đông Trường Sơn chưa được mở. 

Thời gian gần đây, tuyến đường được xây dựng thì xảy ra phá rừng lấy gỗ nhiều hơn. 

"Có khi họ cưa hạ cây vào ban ngày, trong lúc có nhiều người qua lại rất trắng trợn. Chúng tôi chỉ dám đứng đằng xa nhìn, lấy điện thoại chụp lại, chứ không dám đến gần vì sợ họ đánh" - một người dân nói.

Từ cầu Trà Nô, thôn 5, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn vào rừng khe Suối Nú. Dọc con đường mòn có rất nhiều vết lằn in dưới đất, mà theo người dân là do trâu thường xuyên kéo gỗ. 

Vào sâu khu rừng này chừng một giờ đi bộ, chúng tôi không khỏi bất ngờ: một quả đồi dọc con suối đã bị cạo trọc, nhiều cây chò, lim xanh, dỗi bị chặt hạ. 

Một gốc chò 4-5 người ôm, dài khoảng 20m đã bị hạ nằm dưới đất. Vết cắt còn khá mới, bên cạnh là một cây lim xanh đã bị chặt hạ, rọc phách vận chuyển gỗ ra ngoài, hiện trường chỉ còn lại vài mảnh gỗ lim xấu bị bỏ lại. 

Xung quanh, nhiều cây gỗ rừng có đường kính nhỏ hơn cũng bị đốn hạ, một số bị đốt cháy đen. Phần diện tích đất ở đây đã được gieo hạt keo, cây con cao tầm đầu gối.

Càng vào sâu bên trong, mức độ cây rừng bị chặt hạ càng nhiều.

Rừng tự nhiên Trà Đốc kêu cứu - Ảnh 3.

Một mảng rừng ở khu vực Suối Nú, xã Trà Đốc bị cạo trọc để trồng keo - Ảnh: LÊ TRUNG

Tuần tra nhiều nhưng không thấy phá rừng

Ông Hồ Văn Lợi - chủ tịch UBND xã Trà Đốc - xác nhận những khu rừng nằm dọc tuyến đường Đông Trường Sơn tại Suối Nú và K7 là những cánh rừng già tự nhiên không được chặt phá, xâm hại. 

Các khu rừng này được giao cho các tổ là cộng đồng dân cư địa phương quản lý, kết hợp với kiểm lâm địa bàn và cán bộ chuyên môn của xã thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ theo nghị định 75 của Chính phủ từ tháng 4-2018 đến nay. 

"Những khu vực rừng tự nhiên có cây gỗ lớn này là rừng tuyệt đối không cho phép chặt hạ, tuyệt đối không cho đụng vào rừng. Bởi thế Nhà nước mới hỗ trợ 300.000-400.000 đồng/năm/ha rừng cho các tổ cộng đồng cũng chỉ nhằm quản lý, bảo vệ những khu rừng tự nhiên này" - ông Lợi khẳng định.

Khi được phóng viên cho xem những hình ảnh, video clip quay cảnh những cây gỗ to bị đốn ngã, xẻ ra từng phách gỗ chưa kịp tẩu tán thì ông Lợi thốt lên: "Thế mà từ đầu năm đến nay, từ kiểm lâm địa bàn, cán bộ chuyên môn xã, các tổ quản lý cộng đồng đi tuần tra rất nhiều lần nhưng chưa thấy một biên bản vi phạm nào được lập. Chưa nghe báo cáo thông tin phá rừng lần nào".

Nói rồi ông Lợi gọi điện thoại cho ông Trương là kiểm lâm địa bàn xã Trà Đốc, tuy mới là thứ năm (6-12) nhưng ông Trương đã về nhà ở dưới xuôi. 

Qua điện thoại, ông Trương cho hay đã cùng tổ quản lý cộng đồng kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện phá rừng, các cuộc kiểm tra đều có lập biên bản ghi nhận sự việc. 

Khi ông Lợi hỏi các khu rừng tại thôn 5 bị phá mà phóng viên phản ảnh nằm ở tiểu khu mấy thì vị kiểm lâm này nói không rõ.

Ông Lợi cho hay xã hiện chỉ còn 324ha rừng tự nhiên cần được bảo vệ nằm ở thôn 4, thôn 5, dọc cung đường Trường Sơn Đông. 

Ông Lợi lật các biên bản tuần tra rừng rồi nói xã thường xuyên kiểm tra biên bản của các đoàn kiểm lâm địa bàn, cán bộ chuyên môn xã, tổ quản lý rừng cộng đồng nhưng không phát hiện vụ phá rừng nào, cũng không ghi nhận trường hợp nào bà con phá rừng làm rẫy, trồng keo.

Rừng tự nhiên Trà Đốc kêu cứu - Ảnh 4.

Một cây gỗ chò lớn bị đốn hạ tại rừng Trà Đốc - Ảnh: LÊ TRUNG

Ai chịu trách nhiệm?

Trường hợp kiểm tra, xác định có phá rừng thì ai chịu trách nhiệm? Ông Lợi nói: "Trách nhiệm đầu tiên là của kiểm lâm địa bàn và tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng vì họ kiểm tra hằng tuần, hằng tháng, nhận kinh phí mà không làm tròn trách nhiệm, không phát hiện và lập biên bản vụ việc nào".

Ông Lợi nhìn nhận: "Các đơn vị ở dưới đi kiểm tra và lập biên bản báo cáo không có thì mình phải tin chứ. 

Theo cơ chế điều hành thì những ai tham gia đoàn kiểm tra, tuần tra rừng thực tế, có ký vào biên bản thì họ phải chịu trách nhiệm. Nếu họ có báo cáo mà mình không can thiệp, xử lý hay báo cáo cấp trên thì mình chịu trách nhiệm".

Trong khi đó, ông Lê Văn Trường - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My - cho biết khu vực trên Suối Nú và K7, giáp ranh với xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức có diện tích hơn 300ha là rừng tự nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt và do chính quyền xã Trà Đốc quản lý. 

Lực lượng kiểm lâm chỉ tăng cường thêm một kiểm lâm địa bàn và một kiểm lâm hợp đồng để hỗ trợ, phối hợp với xã quản lý, bảo vệ rừng cho hiệu quả.

Ông nói thêm: từ đầu năm đến nay, cả huyện có gần 8ha rừng bị phá với số gỗ tịch thu bán sung công quỹ là 104m3, lập biên bản 112 vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng nhưng không có vụ nào xảy ra ở xã Trà Đốc. 

Còn khu rừng tự nhiên K7 giáp ranh với rừng các xã lân cận của huyện Hiệp Đức trước đây rất phức tạp, thường xuyên truy quét lâm tặc. 

Hồi tháng 3-2018, nơi này cũng xảy ra phá rừng lớn và kiểm lâm đã khởi tố hình sự, sau đó rừng ở đây tương đối ổn định.

Sau khi xem hình ảnh những cây gỗ rừng ở Trà Đốc bị đốn hạ mà chúng tôi cung cấp, ông Trường nói sẽ cử lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền xã kiểm tra, xử lý: "Đây là rừng tự nhiên nên bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm khai thác gỗ dưới mọi hình thức".

Đường mở, rừng bị phá?

Ông Lê Văn Trường cho biết tuyến đường Đông Trường Sơn từ khi mở ra thì giao thông thuận lợi, nhưng tình trạng phá rừng vùng giáp ranh này lại diễn biến phức tạp hơn.

Đây là rừng tự nhiên nên cần bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm khai thác gỗ dưới mọi hình thức.

Huyện đang xin chủ trương tỉnh hỗ trợ, thành lập một trạm kiểm lâm khu vực giáp ranh dọc tuyến đường này để bảo vệ rừng tốt hơn.

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên