Biến đổi khí hậu: Nồng độ khí nhà kính đạt mức cao mới vào năm 2020

Ô nhiễm môi trường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một nhà máy nhiệt điện than như thế này, như ở Ba Lan, là nguồn thải chính ra khí CO2

Sự tích tụ của các khí gây ấm nóng trong bầu khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2020 bất chấp đại dịch, phóng viên môi trường của BBC News, Matt McGrath dẫn nguồn theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Lượng các khí CO2, mê-tan và oxít nitơ đã tăng hơn mức trung bình hàng năm trong 10 năm qua.

WMO cho biết điều này sẽ làm tăng nhiệt độ vượt quá các mục tiêu của thỏa thuận Paris.

Điều này gây ra lo lắng rằng thế giới nóng ấm hơn của chúng ta sẽ thúc đẩy lượng khí thải từ các nguồn tự nhiên.

Vậy tại sao điều này chưa được phản ánh trong chủ đề của dữ liệu mới nhất này từ WMO, Matt McGrath đặt dấu hỏi?

Có một số yếu tố liên quan

Ô nhiễm môi trường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những con đường vắng thời Covid-19 đã chứng kiến lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông giảm mạnh trong thời gian phong tỏa, cách ly, nhưng nồng độ khí thải này trong khí quyển vẫn tăng

Khoảng một nửa lượng khí thải từ hoạt động của con người được cây cối, đất đai và đại dương hấp thụ. Nhưng khả năng hấp thụ của chúng có thể khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào nhiệt độ, lượng mưa và các yếu tố khác.

Một vấn đề khác là trong thập kỷ qua, lượng khí thải CO2 đã tăng dần.

Vì vậy, mặc dù sản lượng carbon đã giảm vào năm ngoái, mức tăng trong khí quyển vẫn lớn hơn mức trung bình trong giai đoạn 2011-2020.

Theo Bản tin về Khí nhà kính hàng năm của WMO, khí CO2 đạt 413,2 phần triệu trong khí quyển vào năm 2020 và hiện là 149% mức tiền công nghiệp.

Đây là một tin xấu vì đã ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất, phóng viên môi trường của chúng tôi nhận xét.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP26 tại Glasgow vào tháng 11/2021 được coi là rất quan trọng nếu biến đổi khí hậu được kiểm soát. Gần 200 quốc gia đang được yêu cầu về kế hoạch cắt giảm khí thải, và nó có thể dẫn đến những thay đổi lớn đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

"Với tốc độ gia tăng nồng độ khí nhà kính hiện nay, chúng ta sẽ thấy nhiệt độ tăng vào cuối thế kỷ này vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 đến 2 độ C so với mức tiền công nghiệp", Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết và nhận định: "Chúng ta đang đi chệch hướng."

"Đây không chỉ là một công thức hóa học và các số liệu trên biểu đồ. Nó có những tác động tiêu cực lớn đến cuộc sống hàng ngày và hạnh phúc của chúng ta, đối với tình trạng của hành tinh và tương lai của con cháu chúng ta", Giáo sư Taalas nói thêm.

Phần lớn từ các nguồn tự nhiên

Nông nghiệp

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sử dụng phân bón nitơ là một trong những nguồn chính thải ra ô-xít nitơ vào khí quyển

Các tác giả cho biết lần cuối cùng Trái đất trải qua nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn ngày nay 10-20 mét.

Một trong những mối quan tâm lớn đối với các nhà nghiên cứu là sự gia tăng nhiệt độ liên tục có thể thực sự gây ra sự gia tăng các khí làm ấm nóng lên từ các nguồn tự nhiên.

Các nhà khoa học lo ngại rằng điều này đã xảy ra với khí mê-tan.

Mặc dù nó có tuổi thọ ngắn hơn CO2, nhưng mê-tan lại mạnh hơn nhiều như một chất hóa học làm ấm.

Khoảng 60% CH4 kết thúc trong khí quyển đến từ các nguồn của con người như nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp và đốt sinh khối.

40% còn lại đến từ hoạt động của các vi sinh vật trong các nguồn tự nhiên như đất ngập nước.

Mức tăng năm ngoái là mức tăng lớn nhất kể từ khi mức khí mê-tan toàn cầu bắt đầu tăng trở lại vào năm 2007.

Phần lớn trong số đó là từ các nguồn tự nhiên.

Tiến sĩ Oksana Tarasova từ WMO cho biết: "Nếu bạn tăng lượng mưa ở các khu vực đất ngập nước, và nếu bạn tăng nhiệt độ, thì những vi khuẩn tạo ra khí mê-tan này sẽ tạo ra nhiều khí mê-tan hơn".

"Vì vậy, điều này sẽ chỉ tăng trong tương lai vì nhiệt độ sẽ tăng lên. Đó là một mối quan tâm lớn", nữ Tiến sỹ nói với BBC News.

Thấy trước mà không thể tránh?

Ô nhiễm môi trường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khí mê-tan được thải ra từ các nguồn tự nhiên như đất ngập nước và từ các hoạt động của con người như đốt khí tại điểm đốt từ các giếng dầu và khai thác khí đốt

Các nhà khoa học mô tả những chu kỳ luẩn quẩn này là những vòng lặp phản hồi. Chúng cũng đang được quan sát ở Amazon, nơi các nhà nghiên cứu vào đầu năm nay đã báo cáo rằng các bộ phận của khu rừng nhiệt đới hiện đang thải ra nhiều CO2 hơn lượng chúng hấp thụ.

Tiến sĩ Tarasova cho hay: "Nhiệt độ càng cao, lượng mưa càng ít, thì càng gây căng thẳng cho cây cối.

"Vì vậy, cây cối đã tăng tỷ lệ tử vong, chúng ngừng hấp thụ CO2. Ngoài lượng khí thải của chính chúng ta, chúng ta sẽ có khí thải từ những khu rừng của chúng ta."

Vẫn theo phóng viên môi trường của BBC, WMO cũng lo ngại về sự gia tăng ôxít-nitơ, xuất phát từ các hoạt động của con người như sử dụng phân bón nitơ, nhưng cũng còn từ các nguồn tự nhiên.

Khí này cũng đã tăng hơn mức trung bình trong mười năm qua.

Phóng viên Matt McGrath nhận định chỉ còn vài ngày nữa trước khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Glasgow để dự COP26, tin tức về mức độ nóng lên của các chất khí trong bầu khí quyển là rất rõ ràng.

Giáo sư Euan Nisbet từ Royal Holloway, Đại học London cho biết: "Các số liệu đo đạc khí nhà kính giống như đang trượt vào một vụ va chạm xe hơi. Thảm họa ngày càng đến gần nhưng bạn không thể ngăn chặn nó".

"Bạn có thể thấy rõ vụ va chạm ở phía trước mặt, nhưng tất cả những gì bạn có thể làm là kêu hú lên," Matt McGrath dẫn lời chuyên gia này nói.