Giá sách giáo khoa lớp 1 tăng gấp 4: Bài toán nan giải!

Diễm Thi, RFA
2020.03.27
000_Hkg10100602.jpg Hội chợ sách ở Hà Nội
AFP

Vì sao giá sách cao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phê duyệt những bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới để các hội đồng lựa chọn đưa vào trường học từ năm học 2020-2021. SGK được phê duyệt thuộc 5 bộ, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ; NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TP. HCM 1 bộ. Các bộ sách mới có giá từ 188.000 đồng đến 200.000 đồng, trong khi bộ sách hiện hành chỉ có giá 54.000 đồng.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 115 gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, kiến nghị giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới phải không vượt mức giá của bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường trong năm học 2019-2020. Bộ Tài chính ra văn bản gửi các nhà xuất bản với đề xuất tương tự.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Giáo dục Trường ĐH Thành Đông (tỉnh Hải Dương) lập luận rằng, trước đây khi chưa xã hội hóa, nhà nước tập hợp một nhóm biên soạn và trả lương cho họ. Khi bộ sách hoàn thành thì chỉ trả công in thôi nên nó rẻ. Bây giờ câu chuyện đã khác. Và đây lại là bài toán nan giải. Ông giải thích:

Quan điểm của nhà nước Việt Nam là đa xã hội hóa việc biên soạn giáo trình. Có nghĩa tất cả các tổ chức đều tham gia. Tính cả chi phí biên soạn, xây dựng bộ sách. Giá bìa bao gồm giá nội dung và giá in cho nên giá nó cao. - Tiến sĩ Ngô Trí Long

“Quan điểm của nhà nước Việt Nam là đa xã hội hóa việc biên soạn giáo trình. Có nghĩa tất cả các tổ chức đều tham gia. Tính cả chi phí biên soạn, xây dựng bộ sách. Giá bìa bao gồm giá nội dung và giá in cho nên giá nó cao.

Bộ Tài chánh đang yêu cầu không được cao hơn giá sách cũ. Bộ này cho rằng đối tượng sử dụng bộ sách này cần được bao cấp, cần được bảo trợ. Cho nên đây là vấn đề còn đang vướng chưa giải quyết được, một bài toán khó.”

Tuy giá sách mới cao gấp 4 lần giá sách hiện hành, nhưng đó chưa phải là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Điều họ bức xúc là các khoản tiền đóng đầu năm cao gấp hàng chục lần.

Một phụ huynh Trường Tiểu học Đông Hội, huyện Đông Anh nói:

“Năm nào cũng thu tiền xây dựng, sửa chữa nhưng sân trường cứ có mưa là ngập mấy ngày mới rút hết nước; nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, xuống cấp...”

Anh Sang, một phụ huynh ở quân 3, TP.HCM than thở:

"Vào năm học, sẽ có thêm nhiều khoản tiền lắt nhắt như: tiền tăng tiết, tiền học thêm, tiền ban đại diện cha mẹ học sinh vận động... đau đầu lắm!”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa xác nhận các thầy cô giáo trên lớp cũng chỉ là những người làm theo lệnh, không kiếm được đồng nào từ những khoản tiền này.

“Tiền SKG và tiền học phí theo quy định của nhà nước thì nhỏ, không đáng kể. Những khoản thu lăng nhăng ngoài quy định mới là cái đáng lo. SGK đã có giá thì nhà trường không thể tham nhũng được tiền đó. Cái nghiêm trọng nhất hiện nay đối với PHHS là nhà trường bịa đặt ra các khoản thu khác cao gấp vài chục lần tiền học phí. Họ đặt ra rất nhiều khoản thu lạ lùng như Quỹ hội chữ thập đỏ; quỹ tài năng, quỹ khuyến học; quỹ phòng chống thiên tai…

Xã hội hóa nửa vời

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, giá sách mới được hình thành từ nhiều yếu tố, như số cuốn SGK trong bộ; chi phí biên tập, thiết kế, minh họa, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, bản thảo; chi phí dạy thực nghiệm...; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0 và nguồn vốn biên soạn.

Chính vì nhiều khoản chi phí như vậy nên giá bán SGK một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải bảo đảm một tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

Như vậy cách làm hiện nay của nhà nước trong lĩnh vực SGK là xã hội hóa chứ không do nhà nước bao cấp, hỗ trợ như trước.

Những năm gần đây, Việt Nam thường dùng khái niệm xã hội hóa để chỉ sự quan tâm cũng như đóng góp của toàn xã hội vào một ngành nghề nào đó, như xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế... hoặc cho tư nhân đấu thầu những công trình, cơ sở của nhà nước.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, lĩnh vực nào độc quyền thì nhà nước quyết định giá, còn xã hội hóa thì để thị trường cạnh tranh giá với nhau.

“Khi xã hội hóa thì nhà xuất bản phải tập hợp những người trí tuệ, có năng lực thực sự để biên soạn thì mới cạnh tranh được. Bộ sách có giá trị hơn nhưng giá sách sẽ cao hơn. Nhà nước yêu cầu giá thấp thì đó là sự mâu thuẫn.

Nếu độc quyền chỉ có một anh sản xuất thì nhà nước chỉ định. Nhưng nếu có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia in một loại sách thì chắc chắn nó sẽ cạnh tranh. Khi đó nhà nước không thể quyết định được giá. Đó là mô hình quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Vừa muốn xã hội hóa vừa muốn qui định giá thì không bao giờ được.”

Tại buổi toạ đàm “Xã hội hóa việc biên soạn SKG - Thuận lợi và thách thức" tổ chức tại TP.HCM hôm 5 tháng 3 năm 2020, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cho rằng giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng/bộ không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình bởi học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ.

Khi nhà nước Việt Nam dùng từ xã hội hóa có nghĩa là tư nhân hóa những cơ sở của chính quyền, có những liên quan về nhân sự. Bởi vậy việc xã hội hóa này nó liên quan đến nhóm lợi ích. - Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng

Trong khi đó, Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng lại có nhận định khác. Ông nói với RFA:

“Đại đa số dân chúng Việt Nam còn rất nghèo nên với giá cao gấp 4 lần giá cũ thì tôi không đồng ý. Tôi nghĩ đây chỉ là xã hội hóa chứ chưa phải là tư nhân hóa.  Có nghĩa là nhà xuất bản cũng ít nhiều dính líu với sự quản lý của nhà nước, nên tính tư nhân chỉ mang tính tương đối. Không như những nước dân chủ mà người ta thường thấy.

Khi nhà nước Việt Nam dùng từ xã hội hóa có nghĩa là tư nhân hóa những cơ sở của chính quyền, có những liên quan về nhân sự. Bởi vậy việc xã hội hóa này nó liên quan đến nhóm lợi ích. Do đó chính sách xã hội đúng nghĩa nó không có hoặc có nhưng rất mờ nhạt.”

Một phụ huynh ở quân 7 nói với RFA vào tối 27 tháng 3 rằng, dù sách mắc hơn gấp 4 lần cũng chấp nhận, miễn sao con cái không phải học bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên gây tranh cãi trước năm học 2018-2019.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.