Việt Nam: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và hai thách thức ở Bộ Công thương

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Nguồn hình ảnh, MOIT.GOV.VN

Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên đã chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 12/4, sau khi được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Công thương.

Việc Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản chọn dẫn dắt Bộ Công thương đã gây nhiều chú ý, và cả thắc mắc.

Sinh năm 1965 ở tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên chủ yếu công tác tại tỉnh này.

Từ tháng 3/2015 tới tháng 4/2018, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Từ tháng 5/2018, ông lên chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này.

Nhưng chỉ hai năm sau, tháng 5/2020, ông được điều ra Hà Nội giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Việc ông trở thành Bộ trưởng Công thương sau Đại hội Đảng 13 được xem là một bất ngờ.

Người tiền nhiệm, ông Trần Tuấn Anh, đã lên chức cao hơn, vào Bộ Chính trị tại Đại hội 13 và được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Theo giới quan sát, Bộ Công thương, dưới sự dẫn dắt của tân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đang đối diện các thách thức.

Công tác nhân sự

Bộ Công thương là nơi khá phức tạp trong vấn đề nhân sự, với tiêu biểu là cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (2011-2016) gần đây bị khởi tố về các sai phạm liên quan hơn 6.000 m2 đất ở trung tâm TP HCM.

Cựu thứ trưởng Hồ Thi Kim Thoa (2010-2017) hiện đang bị truy nã, khai trừ khỏi Đảng.

Năm ngoái, Thanh tra Bộ Công thương ban hành kết luận thanh tra về sai phạm ở Đại học Điện lực.

Nhưng bài báo ngày 8/3/2011 trên tờ Gia đình & Xã hội hỏi: "Vì sao chưa xử lý sai phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành tại trường Đại học Điện lực?"

Vào tháng Ba, cũng có ý kiến trái chiều về việc ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc Sabeco được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

Ngày 22/3, nhà báo Nguyễn Quang Vinh, Truyền hình CAND, viết trên Facebook cá nhân:

"Vậy thì căn cứ vào đâu mà Bộ Công thương lại bổ nhiệm được ông Nam vào vị trí Tổng Cục phó Quản lý thị trường? hay là cán bộ của Bộ Công thương không phải đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ Nội vụ?"

Ngày 5/4, cũng nhà báo Quang Vinh đặt câu hỏi về một vụ việc khác ở Bộ này.

"Tôi cứ băn khoăn mỗi khi đề cập đến trường hợp của cán bộ trẻ Vũ Hùng Sơn. Một doanh nhân bỗng nhiên "rẽ ngang" sang làm viên chức nhà nước, rồi làm quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng chống gian lận thương mại và hàng giả đầy nhạy cảm …lúc này đây, hẳn là Sơn đang suy nghĩ đến sự "rẽ ngang" của mình là đúng hay không đúng? Tôi thì lại đặt câu hỏi: Sơn đáng thương hay đáng trách?"

Ông Trần Tuấn Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Tuấn Anh

Quy hoạch Điện VIII

Một công việc lớn được hoàn tất trước khi Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chuyển công tác, đó là Quy hoạch Điện VIII.

Ngày 18/3, Hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII đã thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Như vậy quyết định chung cuộc sẽ chờ cấp cao hơn xét, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhưng với vai trò tham mưu và điều hành, Bộ Công thương của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ giữ vị trí chủ lực khi thi hành Quy hoạch này.

Thông tin chính thức nói đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể.

Quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo nội dung dự thảo, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh.

Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).

Đây sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diện có bằng cử nhân kinh tế và tiến sĩ quản lý hành chính công.

Con đường sự nghiệp của ông tới nay chỉ gắn với tỉnh Thái Bình.

Ông sẽ để lại "di sản" thế nào tại Bộ Công thương, đang là trông chờ, kỳ vọng của nhiều nhà quan sát.