Bốn câu hỏi giúp cải thiện thói trì hoãn

  • David Robson
  • BBC Worklife
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hãy tưởng tượng bạn có thể trở nên khỏe mạnh hơn, giàu có hơn và ít căng thẳng hơn thông qua một vài bước cải thiện hàng ngày.

Bạn không cần phải hy sinh quá nhiều, nhưng theo năm tháng, cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của bạn sẽ cải thiện đáng kể theo nhiều cách.

Đối với nhiều người, sự trì hoãn là rào cản lớn, khiến họ không đạt được những thay đổi tích cực.

Những người trì hoãn kinh niên ít có khả năng duy trì việc làm ổn định trong một thời gian dài so với người khác, và nếu có công ăn việc làm thì họ thường có thu nhập thấp hơn đáng kể, thấp hơn các đồng nghiệp năng động ít nhất 14.000 đô la.

Những người trì hoãn cũng rất chật vật trong việc sắp xếp vất vả để tìm thời gian tập thể dục, vì họ sẽ luôn dời việc vận động thể chất lại một ngày khác.

Và, nhờ vào sự hỗn loạn chung xuất phát từ việc liên tục né tránh các công việc quan trọng, họ có xu hướng rơi vào tình trạng nhiều lo lắng. Kết quả là họ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, trong đó có cả bệnh tim mạch.

Nhưng không nhất thiết phải như vậy, theo nghiên cứu mang tính tiên phong của Jason Wessel.

Như một phần trong chương trình nghiên cứu bậc tiến sĩ của ông tại Đại học Griffith ở Queensland, Úc, Wessel đã phát triển một hệ thống bao gồm bốn "câu hỏi suy gẫm" đơn giản, nhằm giải quyết gốc rễ tâm lý của vấn đề.

Hãy thường xuyên tự vấn những câu hỏi này, bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để chống lại sự phân tâm đầy cám dỗ, từ đó giúp bạn tập trung vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thuyết Động lực Thời gian

Kỹ thuật của Wessel lấy cảm hứng từ Thuyết Động lực Thời gian, vốn đưa ra bốn nguyên nhân liên quan đến sự trì hoãn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Đầu tiên là 'kỳ vọng': chúng ta đánh giá thấp các cơ hội để mình làm tốt công việc, và điều này làm giảm động lực chung.

Thứ hai là 'độ nhạy cảm với sự trì hoãn': nhiều người trong chúng ta không nhận thức đầy đủ về việc chiến thuật trì hoãn của mình sẽ ảnh hưởng xấu tới mức nào đối với cơ hội hoàn thành công việc đúng hạn.

Thứ ba, chúng ta không đánh giá đúng 'giá trị' của nhiệm vụ và lợi ích của việc hoàn thành nó đúng thời hạn, có nghĩa là chúng ta ưu tiên cho niềm vui trước mắt thay vì chú ý tới hậu quả lâu dài.

Cuối cùng, Wessel lập luận rằng chúng ta thiếu 'nhận thức siêu hình' cơ bản - tức là khả năng tự nhận thức và óc phê bình đối với chính tư duy cá nhân. Khi thiếu đi điều này, chúng ta sẽ không nhận biết được những cách phù hợp để tự điều chỉnh bản thân.

Nghiên cứu về những người trì hoãn kinh niên đã đưa ra một số bằng chứng tốt cho Thuyết Động lực Thời gian, nhưng các cách hóa giải tiềm năng cho vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. "Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu," bà Wendelien van Eerde thuộc Đại học Amsterdam, vốn tiến hành phân tích tổng hợp về các biện pháp can thiệp hiện có, nói.

Trong nghiên cứu của mình, van Eerde nhận thấy rằng Liệu pháp Hành vi Nhận thức (Cognitive Behavioural Therapy - CBT) là phương pháp duy nhất hiện nay có những lợi ích đáng tin cậy.

Trong các buổi CBT, một nhà trị liệu chuyên nghiệp sẽ giúp thân chủ nói hết những suy nghĩ, cảm xúc và hành động vốn đang hạn chế năng suất của họ. "Bạn cố gắng nhận ra mình đang làm gì sai và điều chỉnh hành vi của mình theo những cách thức hiệu quả hơn trong giải quyết công việc," Van Eerde nói.

Bốn câu hỏi suy gẫm

Tuy nhiên, mặc dù hiệu quả như vậy, liệu pháp CBT trực tiếp với bệnh nhân tương đối mất thời gian và rất tốn kém để đạt kết quả, khiến khó mà triển khai nó ở quy mô lớn.

Điều này khiến Wessel tự hỏi liệu có thể đưa ra một cách khác nhanh hơn và rẻ hơn hay không.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông quyết định đúc kết nguyên tắc của Thuyết Động lực Thời gian thành bốn câu hỏi hắc đơn giản:

  • Ai đó thành công sẽ hoàn thành mục tiêu thế nào?
  • Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu không làm công việc đó?
  • Bước tiếp theo cần làm ngay sau đó là gì?
  • Nếu bạn có thể làm một việc để đạt được mục tiêu đúng hạn, đó sẽ là điều gì?

Môi trường đại học là nơi hoàn hảo để thử nghiệm phương pháp này.

Trước tiên, Wessel tuyển hơn 100 sinh viên sắp đến hạn nộp bài tập viết, vốn chiếm 1/3 tổng điểm.

Để đo lường tiến triển làm bài, tất cả các sinh viên đều được gửi tin nhắn thường xuyên, yêu cầu họ ước tính tiến độ chung của họ trong việc hoàn thành bài tập (từ 0% đến 100%). Những người tham gia cũng được yêu cầu suy gẫm về những điểm liệt kê ở trên tại các thời điểm khác nhau trong suốt hai tuần.

Wessel hy vọng rằng việc suy nghĩ về những lời nhắc nhở này có thể mang lại những thay đổi trong suy nghĩ, tương tự như kết quả thường đạt được trong quá trình trị liệu trực tiếp nhưng trong thời gian ngắn hơn nhiều.

Ông nói: "Nó tái tạo một số yếu tố mà bạn tiếp nhận trong những buổi hướng dẫn, tư vấn hoặc trị liệu, nhưng nó giống như một 'liều chữa trị nhỏ'."

Khi so sánh cập nhật về tiến độ của các sinh viên trong hai tuần, Wessel nhận thấy rằng những ai tập trung suy nghĩ về bốn câu hỏi trên thì có nhiều khả năng hoàn thành công việc sớm hơn, thay vì cứ để đó chờ cho đến khi sát nút. Nói cách khác, nó đã làm giảm đáng kể sự trì hoãn.

Lợi ích không phải là đến ngay lập tức; Wessel nói rằng các sinh viên cần phải xem xét các câu hỏi khác nhau một vài lần trước khi họ bắt tay vào việc - một hiện tượng mà ông mô tả là 'hiệu ứng ngủ'.

"Có rất nhiều lần bạn có thể nói với ứng dụng rằng bạn biết chính xác bạn cần làm gì, nhưng sau đó không làm," ông nói.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bạn có thể cho rằng các sinh viên sẽ bực mình với những lời nhắc nhở ở dạng câu hỏi như thế, nhưng hầu hết đều cho biết rằng các em đã học được rất nhiều từ trải nghiệm này. "Sinh viên nói rằng chúng tôi nên làm việc này trong mọi lớp học của các em."

'Cách tiếp cận đầy hứa hẹn'

Van Eerde rất ấn tượng về kết quả và lạc quan về tính thiết thực của cách can thiệp. "Tôi nghĩ đó là một trong những cách làm hứa hẹn hơn," bà nói.

Wessel đã thiết kế một ứng dụng điện thoại để giúp khuyến khích mọi người cải thiện chế độ ăn uống tuân theo các nguyên tắc tương tự và ông suy đoán rằng, bất kể mục tiêu của chúng ta là gì, tất cả chúng ta đều có thể được lợi nếu thường xuyên xem xét những câu hỏi này.

Nếu bạn muốn tự mình áp dụng, bạn có thể cân nhắc đặt lịch nhắc hàng ngày trên lịch trực tuyến để đảm bảo rằng bạn thực sự bỏ thời gian để xem chúng.

"Nếu bạn nhận thấy rằng bạn luôn trì hoãn mọi việc, đó có thể là một cách tốt để kiểm tra hành vi của bạn."

Ông nói điều quan trọng là cần thường xuyên đặt câu hỏi về những mục tiêu nào bạn thật sự coi trọng, và kiểm tra xem bạn có ưu tiên chúng đủ mức hay không.

Sau đó, bạn nên tìm ra cách chia công việc của mình thành các phần nhỏ trước khi thực hiện bước đầu tiên. Theo ông, điều này có thể tạo ra một động lực để khó xảy ra trì hoãn hơn trong quá trình làm việc.

Công việc của Wessel hòa cùng khối lượng nghiên cứu ngày càng nhiều cho thấy những khoảnh khắc tự suy gẫm ngắn có thể mang lại lợi ích to lớn như thế nào.

Có vẻ như một chút suy nghĩ tập trung có thể giúp rất nhiều để tăng tính kiên trì, tính tổ chức và hiệu quả, để bạn có nhiều thời gian hơn dành cho những việc thực sự quan trọng.

Một vài câu hỏi, lời nhắc nhở có thể chính là bí quyết cho một năm mới hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.