Cuộc chiến Ukraine: Ngoại trưởng Nga tìm kiếm ủng hộ từ thế giới Ả-Rập

AFP

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shokry (phải) gặp ông Sergei Lavrov hôm Chủ Nhật

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ phát biểu trước Liên đoàn Ả Rập trong chuyến thăm tới Ai Cập, nơi Liên đoàn đặt trụ sở chính tại thủ đô Cairo.

Ông muốn tập hợp sự ủng hộ cho Moscow vào thời điểm Nga đang vấp phải sự tức giận của quốc tế về cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Lavrov đã hội đàm tại Cairo với Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry.

Cairo có những mối quan hệ nặng ký với Nga, quốc gia cung cấp cho Ai Cập lúa mì, vũ khí và - cho đến trước khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu - một lượng lớn khách du lịch.

Đây là chặng dừng chân đầu tiên chuyến công du chóng vánh của ông Lavrov ở châu Phi, nơi ông tới  Ethiopia, Uganda và Congo-Brazzaville.

Trong một bài báo được các tờ báo địa phương đăng tải trước chuyến công du của mình, ông Lavrov cho biết đất nước của ông luôn "ủng hộ chân thành người dân châu Phi trong cuộc đấu tranh giành tự do khỏi ách thực dân".

Ông nói thêm rằng Nga đánh giá cao "lập trường giữ cân bằng" của châu Phi trong vấn đề Ukraine.

Nhiều quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu ngũ cốc mà cuộc chiến của Nga tại Ukraine gây ra.

Ngân hàng Phát triển Châu Phi cho biết Ukraine và Nga thường cung cấp hơn 40% lúa mì cho châu Phi.

Bình thường thì Ai Cập là một nước tiêu thụ nhiều lúa mì của Ukraine. Năm 2019, nước này đã nhập khẩu 3,62 triệu tấn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Nhưng trong bài báo của mình, ông Lavrov bác bỏ cáo buộc theo đó nói Nga đang "xuất khẩu nạn đói", và đổ lỗi đó là do phương Tây tuyên truyền.

Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga đã làm trầm trọng thêm "xu hướng tiêu cực" trên thị trường thực phẩm quốc tế vốn đã phát sinh từ đại dịch virus corona.

Phân tích

Will Ross, Chủ biên vùng châu Phi, BBC World Service

Ông Sergei Lavrov đang cố gắng thuyết phục các nước châu Phi rằng họ sẽ được những điều tốt đẹp hơn nếu đứng về phía Nga thay vì theo phương Tây, bằng cách sử dụng các cụm từ như "chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thành quá trình phi thực dân hóa".

Nhưng rõ ràng ở hầu hết châu lục này đang có tâm trạng miễn cưỡng trong việc nên đứng về phe nào trong cuộc chiến Ukraine. Chiến tranh Lạnh đã để lại tác động tàn khốc, thổi bùng các cuộc xung đột ở châu Phi và kìm hãm phát triển.

Ngay lúc này, mối quan tâm lớn nhất là chi phí thực phẩm và nhiên liệu đang tăng lên tới mức chóng mặt. Hơn 40% lúa mì của châu Phi đến từ Nga và Ukraine.

Một số nhà lãnh đạo châu Phi sẽ nhận thức được rằng khi người dân không thể trang trải tiền ăn thì vị trí quyền lực của chính bản thân họ sẽ trở nên kém an toàn hơn.