Bóng đá nước Việt: Sướng khổ nghiệp cầu thủ thế nào?

  • Hoàng Ngọc Anh
  • Gửi cho BBC từ London
Nguyễn Văn Quyết (trái)

Nguồn hình ảnh, ARIEF BAGUS/Getty

Chụp lại hình ảnh, Nguyễn Văn Quyết (trái) tranh bóng cùng Jasim Alsalama của Bahrain tại giải Asian Games 2018 ở Bekasi hôm 23/8//2018

Dù cho ở Việt Nam giải bóng đá Việt Nam mới lên chuyên nghiệp được gần hai chục năm này và một nền kinh tế mở mới đem đến cho cầu thủ nhiều quyền lợi hơn trước đây.

Với trái bóng tròn, nhiều cầu thủ có thể kiếm đến cả trăm triệu một tháng, chưa kể những khoản thưởng mỗi trận, hay những khoản lót tay đi kèm khi kí hợp đồng mới.

Ngay cả những cầu thủ đã từng trót nhúng chàm như Văn Quyến hay Quốc Anh cũng đã được tạo điều kiện, trao cơ hội làm lại cuộc đời, và họ đã thành công như Quốc Anh với giải thưởng quả bóng vàng 2012, hay Văn Quyết cũng đang ghi dấu ấn của mình với những lứa trẻ ở đội bóng sông Lam Nghệ An.

Còn đối với nhiều người khi đã từng khoác lên mình màu áo sọc đen trắng, cơ hội trở lại dù là với một cuộc sống bình thường cũng chẳng hề dễ dàng.

Những khó khăn bước đầu

Thực tế, đấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi, nhất là trong một xã hội còn khó khăn và cạnh tranh khắc nghiệt như ở Việt Nam. Các cầu thủ Việt Nam đến với bóng đá bước đầu tiên là những đam mê, nhưng sau đó còn là vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Không chỉ bản thân ở mỗi cầu thủ, mà cả gia đình họ cũng đặt hy vọng vào đó với giấc mơ đổi đời.

Ngôi sao Quang Hải (áo đỏ)

Nguồn hình ảnh, Masashi Hara/Getty

Chụp lại hình ảnh, Quang Hải (áo đỏ) của tuyển Việt Nam so giầy trước Gaku Shibasaki của tuyển Nhật Bản trong trận tứ kết AFC Asian Cup tại Sân Al Maktoum ngày 24/01/2019 ở Dubai

Như câu chuyện của cầu thủ Công Phượng, anh xuất thân từ một gia đình nghèo khó thuộc xã Mỹ Sơn - huyện Đô Lương - Nghệ An cả gia đình với sáu miếng ăn với những bữa cơm, ngô, khoai hay sắn. Khi cậu thi tuyển vào học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG, các tuyển trạch vẫn băn khoăn không nhận cậu vì thân hình quá nhỏ bé, chỉ đến khi gặp bố cậu - ông Nguyễn Văn Bảy thấy ông cao đến 1m70, họ chịu nhận Công Phượng. Câu chuyện tiếp sau đó thì ai cũng biết, khi một cậu bé đã vụt sáng trở ngôi sao với những siêu phẩm làm nức lòng người hâm mộ.

Công Phượng giờ đây không chỉ là ngôi sao lớn mà còn thành công trong kinh doanh và thay đổi cuộc sống gia đình mình, nhưng có lẽ có đến hàng trăm đứa trẻ học tại các học viện bóng đá Việt Nam mới có một người thành danh.

Còn lại nhiều người chỉ là cầu thủ tầm trung; hay tệ hơn, nhiều đứa trẻ sau vài năm tập luyện đã bị trung tâm cho nghỉ vì không thể phát triển hơn. Kết quả, những đứa trẻ không không dễ dàng gì quay lại việc học văn hóa và để có công việc ổn định sau này khi chương trình giáo dục Việt Nam đang quá nặng nề và đầy cạnh tranh khốc liệt.

Khi cầu thủ gặp chấn thương

Đỗ Hùng Dũng (phải)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Đỗ Hùng Dũng (phải) của Việt Nam tranh bóng với Vahid Amiri của Iran trong trận đấu ở AFC Asian Cup trên sân Al Nahyan hôm 12/01/2019 ở Abu Dhabi

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong một bộ môn có tính đối kháng cao như bóng đá, và đối với các cầu thủ chuyên nghiệp thì diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, cũng có những chấn thương khiến nhiều cầu thủ mất cả sự nghiệp hoặc nhẹ hơn là nghỉ cả năm để hồi phục.

Nhũng lúc như thế câu hỏi đặt ra là ai sẽ lo chi phí chữa trị cho cầu thủ ? Liệu có phải là các CLB chủ quản của cầu thủ, Với bóng đá Việt Nam thì tất cả phụ thuộc vào cái tâm của ông chủ CLB bóng đá đó mà thôi.

Lương Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải, Duy Mạnh hay gần nhất là Đỗ Hùng Dũng những ngôi sao trong đội tuyển Quốc gia Việt Nam khi dính chấn thương dài hạn đều được phẫu thuật tại Singapore hay Hàn Quốc đi kèm với đó là khâu vật lý trị liệu và hồi phục sau phẫu thuật suốt một thời gian dài, và được bầu Hiển, bầu Đức lo hoàn toàn viện phí.

Nhưng đó chỉ là thiểu số trong số hàng nghìn cầu thủ đang thi đấu ở Việt Nam, chấn thương của Trần Anh Khoa sau cú đạp của Quế Ngọc Hải đã kết thúc sự nghiệp của anh. Quế Ngọc Hải phải chịu hoàn toàn viện phí lên đến hơn 800 triệu, và may mắn bầu Đức đã giúp Quế Ngọc Hải.

Công Phượng của Việt Nam (áo đỏ)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Công Phượng của Việt Nam (áo đỏ) và Leandro Bacuna của Curacao (áo vàng) trong trận giao hữu quốc tế giữa Curacao và Việt Nam tại sân Chang Arena hôm 8/06/2019 ở Buri Ram, Thái Lan

Còn rất nhiều cầu thủ cả nội lẫn ngoại như Bruno (Than Quảng Ninh), Gramoz Kurtaj (Nam Định), Tuấn Mạnh (HAGL) bị thanh lý hợp đồng với lý do đơn giản không dùng được thì bỏ, và hợp đồng bị hủy đôi khi chỉ bằng một cuộc gọi điện.

'Đình công vì nợ lương'

Bóng đá Việt Nam

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty

Chụp lại hình ảnh, Các cầu thủ tại giải cúp Quốc gia Việt Nam đang thi đấu trên sân vận động PVF ở Hưng Yên, hôm 25/5/2020

Mới đây các cầu thủ Than Quảng Ninh đã đình công không sân tập luyện vì CLB chủ quản nợ đến 8 tháng lương thưởng. Nhiều cầu thủ đã lên tiếng như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Hải Huy sẽ không tập và thi đấu nữa ở vòng 9 V League, tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa được ban lãnh đạo giải quyết.

Ở những nước phát triển, người lao động ở bất kể ngành nghề nào cũng có quyền đình công để đòi hỏi quyền lợi xác đáng của mình, và những giao kèo giữa người sử dụng lao động và người lao động luôn được ghi chi tiết trong hợp đồng.

Bóng đá Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người hâm mộ ở Việt Nam dành nhiều tình cảm cho trái bóng tròn và các cầu thủ

Tuy nhiên, đình công hay những tranh chấp hay mâu thuẫn trong lao động ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm xa lạ và chưa được giải quyết theo đúng luật pháp ở Việt Nam. Với người Việt Nam đình công vẫn đem đến cho nhiều người cảm giác như đang vi phạm phạm pháp luật, hay chống đối chính quyền. Mặc dù theo Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 cho phép người lao động đình công.

Tương tự, ở giải đấu chuyên nghiệp như Ngoại hạng Anh (Premier League), có hiệp hội cầu thủ chuyện nghiệp PFA (Professional Footballers' Association), tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ các cầu thủ và cựu cầu thủ về đào tạo, huấn luyện, tài chính hay các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Theo Bộ luật Lao động mới cho phép người lao động thành lập nghiệp đoàn của riêng họ, đã đến lúc các cầu thủ thi đấu ở V League cần thành lập hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ họ tránh khỏi những thiệt thòi và những mâu thuẫn hiện tại.

Khi đó những vấn đề như lương thưởng cầu thủ, những khúc mắc trong hợp đồng lao động giữa cầu thủ và CLB chủ quản, tình trạng thanh lý hợp đồng không cần lý do hay ép các cầu thủ trẻ kí những hợp đồng dài hạn khi còn trẻ trái với quy định của FIFA mới được giải quyết. Có như vậy, V League mới từng bước phát triển chuyên nghiệp như đúng nghĩa của nó.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại London, Anh Quốc.