SEA Games đang 'kìm hãm' cầu thủ Việt Nam

  • Phan Ngọc
  • Gửi cho BBC từ TP.HCM
Đoàn Văn Hậu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đoàn Văn Hậu

Từ đợt tập trung tháng 10 đến nay, người ta đã quen thuộc với hình ảnh HLV Park Hang-seo thường xuyên phải chạy đôn chạy đáo giữa hai sân tập của đội tuyển và đội U22 Việt Nam.

Đó có vẻ là một điều hết sức kỳ lạ nhưng nếu biết rằng thời gian đến SEA Games (nơi đội U22 sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài ở nội dung bóng đá nam) đã cận kề thì mọi thứ lại chẳng có gì là khó hiểu nữa.

Cầu thủ mất cơ hội phát triển?

Tháng 5/2017, hậu vệ Vũ Văn Thanh đứng trước cơ hội sang châu Âu thi đấu khi HAGL nhận được đề nghị chuyển nhượng từ CLB Vojvodina (Serbia).

Tuy nhiên, thương vụ đổ bể vì đội bóng châu Âu muốn Văn Thanh hội quân ngay để chuẩn bị cho mùa giải mới, còn HAGL thì muốn giữ Văn Thanh đá SEA Games 29.

Đến SEA Games 30 sắp diễn ra, người ta lại được dịp bàn tán về trường hợp của hậu vệ Đoàn Văn Hậu.

Tương tự như Văn Thanh, vụ chuyển nhượng Văn Hậu sang CLB SC Heerenveen (Hà Lan) cũng gây nhiều ý kiến trái chiều quanh câu chuyện Hà Nội buộc phía Hà Lan phải "nhả" Văn Hậu về đá SEA Games mới đồng ý cho thương vụ diễn ra, khác biệt là việc SC Heerenveen đã chấp thuận đòi hỏi của Hà Nội.

Tuy nhiên, những ồn ào chưa dừng lại ở đó khi mới đây đại diện đội bóng thủ đô xác nhận họ phải trả tiền cho SC Heerenveen để Văn Hậu được về đá SEA Games, cụ thể con số phía Việt Nam phải bỏ ra là khoảng 40 nghìn Euro - tương ứng một tháng lương của Văn Hậu ở Hà Lan.

Đến đây, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc khi một giải đấu vẫn thường bị chê là "ao làng" vì còn quá nhiều bất cập, bóng đá vả lại chỉ là một trong rất nhiều môn thi đấu và thậm chí còn không được quan tâm bằng điền kinh hay bơi lội thì việc vừa phải bỏ ra một số tiền lớn mà lại vừa khiến cầu thủ đánh mất cơ hội nâng tầm bản thân thì có đáng hay không ?

Rõ ràng, cầu thủ là người chịu thiệt thòi nhất trong những câu chuyện này.

Sau lần xuất ngoại "hụt" hai năm trước, Văn Thanh cùng U22 Việt Nam trải qua một giải đấu đáng quên trên đất Indonesia khi bị loại ngay từ vòng bảng, đến cuối mùa 2018, hậu vệ này dính chấn thương dây chằng nghiêm trọng và giờ đang phải chật vật tìm lại phong độ.

Viễn cảnh được ra nước ngoài thi đấu với Văn Thanh thời điểm hiện tại gần như là một điều viển vông.

Trong khi đó, Văn Hậu mới sang Hà Lan hồi tháng 9, tức là chỉ có vỏn vẹn hai tháng để làm quen và thích nghi với đội bóng mới rồi lại phải về dự SEA Games và rất có thể cả giải U23 châu Á đầu năm tới - hai giải đấu có thể ngốn của Văn Hậu tới hai tháng trời, đó là chưa kể mật độ thi đấu dày đặc của các giải này có thể khiến Văn Hậu đối mặt vấn đề thể lực khi trở lại Hà Lan.

Với một cầu thủ mới chân ướt, chân ráo sang đội bóng mới, lại chuyển từ một nền bóng đá còn ở vùng trũng như Việt Nam đến nền bóng đá hàng đầu châu Âu là Hà Lan, SEA Games khiến mọi thứ đã khó khăn lại càng trở nên chồng chất gấp bội cho Văn Hậu.

Cầu thủ Vũ Văn Thanh

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Cầu thủ Vũ Văn Thanh

Tranh cãi luật mới

Tại SEA Games 30 tới đây, ban tổ chức sẽ áp dụng luật "U22+2" vào thể thức thi đấu bóng đá nam, theo đó mỗi đội được đăng ký hai cầu thủ trên 22 tuổi.

Điều này dấy lên nhiều tranh cãi vì số lượng cầu thủ cho phép đăng ký tại SEA Games vốn đã ít (20 người) giờ đây lại cho phép đăng ký hai cầu thủ quá tuổi thì cơ hội cho các cầu thủ trẻ càng bị thu hẹp.

Thậm chí với riêng Việt Nam vốn áp lực thành tích tại SEA Games tới là vô cùng nặng nề, câu chuyện còn trở nên phức tạp hơn.

Nếu phía Thái Lan, HLV Akira Nishino đã tuyên bố sẽ không đăng ký cầu thủ quá tuổi để dành cơ hội cho các cầu thủ trẻ nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải U23 châu Á thì ở chiều ngược lại, Việt Nam lại là một trong những đội muốn tận dụng triệt để thể thức này nhất.

Điều này thể hiện qua phát biểu của HLV Park Hang-seo rằng điều kiện để lựa chọn hai cầu thủ quá tuổi dự SEA Games trước hết phải là tuyển thủ quốc gia.

Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ chưa thể chạm tay vào tấm huy chương vàng SEA Games nên khao khát là điều hiểu được, nhưng phải nhìn nhận công bằng rằng chiếm phần nhiều trong những thất bại gần đây của chúng ta tại SEA Games không hẳn là câu chuyện chuyên môn hay lực lượng mà là vấn đề tâm lý.

Vậy nên việc triệu tập các cầu thủ đã vượt tầm khu vực như Văn Hậu, Quang Hải hay trước đây là Văn Thanh là không thực sự cần thiết, nhất là khi nó vô tình tước đi những cơ hội quý giá để họ tạo nên cú hích cho sự nghiệp của mình và cũng là để làm rạng danh bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.