Trung Quốc có thật giúp được 100 triệu người thoát nghèo?

  • Jack Goodman
  • BBC Kiểm chứng
Chinese farmer carrying basket of vegetables on back

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đất nước của ông đã đạt được mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra khi ông nhậm chức năm 2012 là đưa 100 triệu người thoát nghèo.

Nhưng thực thì Trung Quốc đã đạt được những gì?

BBC Kiểm chứng so sánh dữ liệu của Trung Quốc với số liệu nghèo đói trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổng hợp.

Số liệu nghèo đói của Trung Quốc

Trung Quốc định nghĩa nghèo đói là bất kỳ ai ở các vùng nông thôn kiếm được ít hơn khoảng 2,30 đôla một ngày (đã điều chỉnh theo mức lạm phát). Con số này được thiết lập năm 2010 và không chỉ dựa trên thu nhập mà còn là điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Các tỉnh đã và đang chạy đua để đạt được mục tiêu. Ví dụ, vào tháng 1 năm ngoái, Giang Tô đã công bố rằng chỉ có 17 trong số 80 triệu cư dân của tỉnh vẫn sống trong cảnh nghèo đói.

Tiêu chuẩn quốc gia chính phủ Trung Quốc sử dụng cao hơn một chút so với chuẩn nghèo 1,90 đôla một ngày mà Ngân hàng Thế giới sử dụng để xem xét tình trạng nghèo đói trên toàn cầu.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới

BBC

Sử dụng những số liệu này cho chúng ta phương thức đo có tiêu chuẩn tốt hơn được World Bank sử dụng cho tất cả các quốc gia.

Năm 1990, có hơn 750 triệu người ở Trung Quốc sống dưới ngưỡng nghèo đói theo chuẩn quốc tế - tức khoảng 2/3 dân số.

Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn dưới 90 triệu người và đến năm 2016 - năm gần đây nhất mà Ngân hàng Thế giới có số liệu - đã giảm xuống còn 7,2 triệu người (0,5% dân số).

Vậy rõ ràng, ngay cả trong năm 2016, Trung Quốc vẫn đang trên đường đạt được mục tiêu.

Điều này cho thấy nhìn tổng quát, so với 30 năm trước, Trung Quốc hiện có ít hơn 745 triệu người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Các số liệu của Ngân hàng Thế giới không dẫn chúng ta đến thời điểm hiện tại, nhưng xu hướng trên chắc chắn hợp với tuyên bố của chính phủ Trung Quốc.

Ở những nơi khác trong khu vực, Việt Nam cũng có ​​tỷ lệ nghèo cùng cực giảm xuống đáng kể trong giai đoạn tương tự.

Một quốc gia lớn khác là Ấn Độ có 22% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ theo chuẩn quốc tế vào năm 2011 (theo số liệu gần đây nhất).

Brazil có 4,4% người dân kiếm được dưới 1,90 đôla một ngày.

Woman holding white radishes

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc

Tốc độ giảm nghèo nhanh chóng của Trung Quốc đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thời gian dài. Phần lớn tập trung vào các khu vực nông thôn nghèo nhất.

Chính phủ đã di dời hàng triệu người dân ở các ngôi làng hẻo lánh đưa vào sống trong các khu chung cư. Đôi khi những khu này được xây dựng ở các thị trấn và thành phố, nhưng có khi cũng được dựng lên gần những ngôi làng cũ.

Nhưng có những lời chỉ trích rằng người dân có rất ít lựa chọn trong việc chuyển nhà hay công ăn việc làm.

Một số người cũng chỉ ra rằng lý do khiến tình trạng nghèo đói ở nông thôn lan rộng chính là vì do các chính sách của Đảng Cộng sản.

David Rennie của tờ Economist nói: "Không có gì nghi ngờ là một điều gì đó hoàn toàn phi thường đã xảy ra trong 40 năm qua."

Những khu nhà mới đã được xây dựng cho những người nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Những khu nhà mới đã được xây dựng cho những người nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc

Tuy nhiên, thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo không chỉ đơn thuần là nhờ vào chính phủ, ông nói.

"Người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo bằng lao động cực kỳ vất vả - một phần nhờ vào việc từ bỏ một số chính sách kinh tế ngu ngốc nhất của Mao Chủ tịch để áp dụng một số phiên bản của chủ nghĩa tư bản."

Mao Trạch Đông, người thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, đã giám sát nỗ lực công nghiệp hóa nền kinh tế nông nghiệp của đất nước trong thập niên 1950. Cuộc Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) thảm khốc của ông, bắt đầu năm 1958, buộc nông dân vào các công xã, dẫn đến nạn đói ở nông thôn.

Trong khi Trung Quốc đã dồn nhiều nỗ lực giải quyết trước tiên tình trạng nghèo đói ăn sâu nhất, liệu nước này có nên đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn không?

BBC

Ví dụ, Ngân hàng Thế giới vạch ra một chuẩn nghèo cao hơn cho các quốc gia có thu nhập trên trung bình, nhằm phản ánh các điều kiện kinh tế. Ngân hàng Thế giới đặt ngưỡng này ở mức 5,50 đôla một ngày và nói Trung Quốc hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Theo thước đo này, khoảng 1/4 dân số Trung Quốc đang ở trong tình trạng nghèo đói. Để so sánh, con số này cao hơn một chút so với Brazil.

Cũng cần phải nói đến ngang bằng thu nhập trên diện rộng. Năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc vẫn có 600 triệu người với thu nhập hàng tháng chỉ có 1.000 nhân dân tệ (154 đôla). Ông nói rằng số tiền đó không đủ để thuê một căn phòng ở thành phố.

Tuy nhiên, đo bằng mực thước nào, thì Trung Quốc cũng đạt được những bước tiến to lớn để nâng cao đời sống của hàng triệu người ra khỏi điều kiện sống khắc nghiệt nhất trong vòng vài thập kỷ qua.

Presentational grey line