Cách ly ở TP HCM: “Xin người ngoài bao dung và người cách ly hãy có ý thức”.

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Trần Thống Nhất, trở về từ Thái Lan ngày 22/3 và đang cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Trần Thống Nhất, trở về từ Thái Lan ngày 22/3 và đang cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM

Anh Trần Thống Nhất, trở về từ Thái Lan ngày 22/3 và hiện đang được cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Khác với nhiều người, Nhất không gọi cho gia đình để yêu cầu tiếp tế bất cứ nhu yếu phẩm gì.

Là hướng dẫn viên du lịch Quốc tế, anh Trần Thống Nhất đến Thái Lan du lịch vào đầu tháng Ba, khi ấy chưa có lệnh cách ly tất cả các chuyến bay nước ngoài về Việt Nam. Đến gần ngày về, Thống Nhất mới biết rằng tất cả hành khách từ các chuyến bay trong thời điểm này đều sẽ bị cách ly.

Giữa những cuộc tranh cãi về việc tiếp tế và điều kiện sống trong các khu cách ly. Anh Nhất chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3:

"Tôi mong mọi người có lòng bao dung với nhau. Người bên ngoài nên thông cảm và rộng lòng một tí. Người trong khu cách ly bớt than vãn một tí. Vì nếu đặt bản thân vào vị trí đó thì sẽ dễ thấu hiểu cho nhau hơn, nhất là trong cơn đại dịch này".

'Than thở là điều bình thường'

Đã chuẩn bị lịch trình trước đó vài tháng và mua vé sẵn nên tới ngày, Nhất đến sân bay Suvarnabhumi để về Việt Nam.

Nhất kể lại: "Sân bay mới ở Thái Lan này có chốt chặn để đo thân nhiệt. Nếu hành khách trên 38 độ sẽ bị cách ly. Nếu nhiệt độ bình thường thì sẽ được dán tem màu đỏ và lên máy bay. Chuyến bay này chỉ dành cho công dân Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam".

Khi biết chắc chuyến bay của mình về Việt Nam sẽ bị cách ly, Nhất đã tìm hiểu thông tin và hỏi thăm về việc cách ly nhưng vẫn không khỏi cảm giác lo lắng.

"Tôi hơi hồi hộp vì phải sống 14 ngày ở một nơi mà không phải là nhà của mình. Nhưng khi nghĩ tới lợi ích chung, nếu mình có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời và không lây lan cho người khác thì tôi thấy ổn hơn". Anh nhớ lại.

Hành khách phải điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế và sau đó được chuyển tới khu cách ly

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Hành khách phải điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế và sau đó được chuyển tới khu cách ly

Là hướng dẫn viên du lịch, bay nhiều nhưng lần này sân bay có các thủ tục khác thông thường so với trải nghiệm của Nhất.

Mọi người sẽ phải đi qua khu Kiểm dịch y tế. Khi thực hiện các bước khai báo thông tin, hàng khách sẽ nhận quyết định cách ly 14 ngày. Tất cả mọi người nộp lại hộ chiếu cho nhân viên và chờ được trung chuyển đến khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM", Nhất thuật lại.

Khi xe chở đoàn đến khu cách ly, Nhất nhận phòng ở cùng ba người khác. Anh mô tả:

"Khu A ký túc xá khá bụi bặm và nhiều rác. Tôi ở một phòng có bốn giường đôi và mỗi người nằm một góc để đảm bảo an toàn. Bên trong nhà vệ sinh dơ, bẩn và khá hôi vì đã cũ, có vẻ đã bỏ hoang. Ở giữa có một cái bàn dùng chung".

Phòng 4 người, mỗi người một giường đôi ở từng góc để đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Phòng 4 người, mỗi người một giường đôi ở từng góc để đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định

"Mỗi giường được trang bị một tấm chiếu nhỏ, mùng nhỏ để tránh muỗi và một cái mền. Đa số không có gối. Khi nhận phòng vệ sinh xong khoảng 2 tiếng sau được phát mỗi người một chai nước rửa tay và phần ăn tối nhẹ".

Theo anh Nhất, tâm lý của mọi người khi nhận phòng mà thấy hụt hẫng là điều dễ hiểu:

"Tôi thấy có nhiều bạn trẻ phàn nàn về vấn đề vệ sinh. Theo tôi có phần đúng, có phần sai. Vì bạn nghĩ xem, từ lúc thực hiện các thủ tục để lên máy bay ở nước ngoài, rồi khi về tới Việt Nam trải qua bao quy trình thực sự rất mệt mỏi", anh Nhất lý giải.

Nhà vệ sinh dơ, sàn bẩn và kém vệ sinh

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Nhà vệ sinh dơ, sàn bẩn và kém vệ sinh

Anh phân tích thêm:

"Tâm lý người trẻ khi mệt mỏi mà nhận phòng điều kiện không tốt thì sẽ thấy mệt, không kìm nén được nên than thở là điều bình thường. Bản thân tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì lúc đó khá mệt và phải dọn dẹp nhiều. Nhưng khi qua cái cảm giác tiêu cực ban đầu thì tôi hiểu được rằng hệ thống cách ly đang quá tải, nhà nước đâu thể nào kịp hỗ trợ hết nên phải kiên nhẫn một tí".

'Cần tiếp tế cũng cần nghĩ cho người khác'

Dù khu nhà A ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM nơi Thống Nhất đang cách ly, theo anh phòng ốc khá bụi bặm, ẩm mốc và nhiều rác nhưng anh vẫn cảm thấy may mắn vì mình đã về đến được Việt Nam.

Khi về đến khu cách ly, anh Nhất cho hay không có cán bộ hay nhân viên phổ biến chung cho đoàn cách ly về quy trình hay các quy tắc sinh hoạt chung. Nhưng ở cửa phòng có dán bảng thông báo để dặn dò về những quy định.

Cửa phòng có dán bảng thông báo để dặn dò về những quy định cách ly

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Cửa phòng có dán bảng thông báo để dặn dò về những quy định cách ly

Anh nói thêm: "Ai có nhu cầu tiếp tế sẽ phải dặn dò người thân đóng gọn gàng đồ đạc trong thùng cát tông, ghi rõ tên người nhận và khu vực và để ngoài cổng. Các anh dân quân sẽ chạy xe chuyển vào hoặc dùng xe ba gác đưa đồ vào".

"Tôi nghĩ nhu cầu tiếp tế là chính đáng vì bên trong cũng thiếu nhiều thứ. Có người không chịu nóng được thì cần gửi quạt vào. Tôi mong người ở bên ngoài nên có cái nhìn thoáng hơn vì nếu đặt vào bản thân những người trong khu cách ly thì cũng sẽ làm vậy thôi".

Tuy nhiên, Nhất lại không nhắn người thân tiếp tế cho mình bất cứ thứ gì vì đã chuẩn bị sẵn trước đó:

"Tôi không nhắn người thân để tiếp tế vì trước khi về, biết sẽ bị cách ly nên tôi vào siêu thị Thái Lan mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho bản thân. Tôi chỉ thấy trong phòng khá nóng và tôi cần quạt. Nhưng nghĩ chỉ có 14 ngày thì không sao. Nếu nhắn cho người thân tiếp tế thì tâm lý gia đình sẽ muốn gửi thêm đồ đạc khác vào nữa nên thôi".

Vì nóng nên mọi một số người xuống sàn nằm ngủ

Nguồn hình ảnh, TRẦN THỐNG NHẤT

Chụp lại hình ảnh, Vì nóng nên mọi một số người xuống sàn nằm ngủ

"Phiền các bạn tình nguyện viên hay các anh dân quân phải khuân vác vào khiến tôi ngại nên cố chịu đựng chút, dù nóng thật vì chỉ có một cây quạt trần cả phòng. Tôi thấy có những trường hợp gửi bia bọt, tủ lạnh khá cồng kềnh thì cực khổ cho những bạn tình nguyện viên và phiền họ. Mình cần tiếp tế nhưng cũng cần nghĩ cho người khác.''

''Thứ hai nữa, sau khi 14 ngày sẽ vất vả để di chuyển vì nhiều đồ đạc. Chưa kể, có thể đồ đạc khi đem ra khỏi khu cách ly sẽ phải đi qua quy trình khử khuẩn để mang về nên phát sinh thêm nhiều vấn đề khác", anh Thống Nhất nói.

'Người bên ngoài xin hãy cảm thông'

Khi trở về từ Thái Lan, anh Nhất đã đăng tải hình ảnh, video và bài viết không chỉ trên trang cá nhân mà còn các hội nhóm du lịch về trải nghiệm cách ly của mình.Được hỏi về điều này, Nhất chia sẻ: "Tôi đăng câu chuyện cách ly của mình để mọi người có cái nhìn đa dạng, thoáng hơn để hiểu được những gì mà người trong khu cách ly phải trải qua. Từ đó, có sự cảm thông cho nhau hơn".

Trong khu cách ly phải đảm bảo tuân thủ những quy tắc để tránh lây nhiễm chéo nên mọi cũng cố gắng tìm kiếm thứ tự giải trí."Có người giải khuây bằng việc đi dạo, người thì lướt mạng. Có mấy bạn du học sinh ở Úc và Hàn khá siêng năng ôn bài. Có các bạn đá cầu, chạy bộ. Có nhóm thì chơi lô tô, đánh bài giết thời gian. Nhưng bao giờ cũng phải đảm bảo khoảng cách 1 đến 2 mét và phải luôn đeo khẩu trang".

Nhiều người lo lắng đứng ngoài cổng khu cách ly để tiếp tế cho người nhà bên trong

Nguồn hình ảnh, ANH PHONG

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người lo lắng đứng ngoài cổng khu cách ly để tiếp tế cho người nhà bên trong

Anh cho biết thêm, với nhiều người, tâm lý họ chưa đủ vững vàng sẽ nảy sinh nhiều nỗi sợ vì thực tế, trong khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia này hôm qua 26/3, đã có trường hợp bệnh nhân thứ 153 dương tính với Covid-19, người đi từ Úc về.

"Tuy vậy tôi không quá lo sợ vì mỗi một ngày đều được cách ly những khu khác nhau. Quy định là không đi giao lưu để hạn chế việc lây nhiễm chéo nên nếu tuyệt đối tuân thủ thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Tôi và những bạn cùng phòng hàng ngày quét dọn, lau chùi để giữ vệ sinh", anh Nhất chia sẻ.

Cần tiếp tế nhưng cũng cần nghĩ đến những dân quân, các bạn tình nguyện viên

Nguồn hình ảnh, ANH PHONG

Chụp lại hình ảnh, Cần tiếp tế nhưng cũng cần nghĩ đến những dân quân, các bạn tình nguyện viên

Anh cũng nói thêm, bản thân anh chọn tinh thần lạc quan để một ngày trôi qua nhẹ nhàng hơn:

"Tôi mong mọi người có lòng bao dung với nhau. Người bên ngoài nên thông cảm và rộng lòng một tí. Người trong khu cách ly bớt than vãn một tí. Vì nếu đặt bản thân vào vị trí đó thì sẽ dễ thấu hiểu cho nhau hơn, nhất là trong cơn đại dịch này", anh Nhất trải lòng.