Covid: Việt Nam gia hạn vaccine Moderna là theo 'thông lệ quốc tế'?

Vaccine Moderna

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Có nên tiêm vaccine đã quá hạn sử dụng hay không và mức độ an toàn và hiệu quả đến đâu đang là vấn đề được dư luận Việt Nam quan tâm.

Kể từ giữa năm 2021 tới nay, Việt Nam đã hai lần cho gia hạn vaccine Covid-19 trên hai loại vaccine Moderna và Pfizer để tiêm cho người dân.

Lần đầu tiên vào tháng 9/2021, vaccine Pfizer được Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn gia hạn từ 6 lên 9 tháng.

Mới đây, từ 10/04, Việt Nam triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi bằng vaccine Moderna và Pfizer. Trong đó, lô vaccine Moderna đã được gia hạn thêm 2 tháng, từ 17/05 đến 17/07.

Việc này đang làm dấy lên lo ngại trong dư luận Việt Nam, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ, về độ an toàn và hiệu quả của vaccine gia hạn. Trên mạng xã hội, một số người cho hay sẽ kiên quyết không cho con tiêm vaccine.

Trước đó ngày 03/03, Bộ Y tế Việt Nam khẳng định việc gia hạn vaccine Moderna không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine. Câu hỏi đặt ra là việc này được thực hiện dựa trên căn cứ khoa học nào?

Mức độ an toàn và hiệu quả có giảm?

"Chưa có một báo cáo hoa học nào cho thấy vaccine quá hạn trở nên không an toàn", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ từ Viện nghiên cứu City of Hope, California (Mỹ) kiêm cố vấn khoa học Ruy Băng Tím nói với BBC News Tiếng Việt.

Do đó, vấn đề mà các chuyên gia lo ngại ở vaccine hết hạn "là việc giảm hiệu quả kích thích miễn dịch hơn là vấn đề an toàn, theo TS Vũ.

Về căn cứ để Việt Nam gia hạn vaccine Moderna, TS Vũ lý giải là dựa vào 'các kết quả nghiên cứu về độ ổn định của vaccine (stability data)' của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Ông cho hay:

"Dựa trên các kết quả này, FDA đã đồng ý cho việc gia hạn thêm thời gian sử dụng vaccine của Moderna thêm hai tháng."

Việt Nam đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 10/04

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 10/04

"Việc gia hạn này phải được áp dụng trên đúng lô vaccine mà Moderna đã thông báo và các vaccine này phải đang được bảo quản theo đúng yêu cầu của công ty (từ -50 độ C đến -15 độ C) và chưa từng rã đông."

"Nếu kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng các sản phẩm y tế được bảo quản đúng cách vẫn giữ được tính ổn định và có thể được sử dụng sau ngày hết hạn thì FDA sẽ chấp thuận cho việc gia hạn thời gian sử dụng của sản phẩm đó. Nói cách khác, điều này có nghĩa là, các sản phẩm này vẫn an toàn và hiệu quả trong thời gian được kéo dài hạn sử dụng. Nếu tất cả đều đúng như trên thì việc gia hạn sẽ không làm ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả của vaccine.

"Nếu Bộ Y tế Việt Nam làm đúng như nội dung tôi đã nói [ở trên] thì điều này đã phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Vũ nói.

Vấn đề y đức

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) tiếp cận việc sử dụng vaccine hết hạn ở khía cạnh y đức.

"Tôi muốn nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác, đó là y đức. cho đến nay chưa có dữ liệu khoa học về liệu vaccine quá hạn có an toàn hay không. Nếu chúng ta không hoặc chưa biết vaccine quá hạn có hiệu quả hay an toàn hay không mà đem ra sử dụng cho công chúng thì không đúng với quy ước y đức."

"Tôi thông cảm cho các phụ huynh khi quyết định không tiêm vaccine đã quá hạn sử dụng vì đối với trẻ em thì mức độ an toàn về lâu dài rất quan trọng. Nên cẩn thận hơn là sử dụng vaccine đã quá hạn sử dụng", Giáo sư Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt.

Căn cứ chấp thuận gia hạn

Illustration of a globe, vaccine and needle

Theo Bộ Y tế Việt Nam, căn cứ chấp thuận gia hạn vaccine Pfizer và Moderna là dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học đánh giá độ ổn định của vaccine do nhà sản xuất cập nhật và phê duyệt của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Quản lý Dược của Châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

BBC News Tiếng Việt không tìm thấy tài liệu WHO phê duyệt về việc gia hạn 2 loại vaccine Pfizer và Moderna.

Bình luận về vai trò của WHO trong vấn đề này, Tiến sĩ Vũ cho rằng các tổ chức y tế thế giới như WHO chỉ có thể đưa ra hướng dẫn và khuyến nghị nhưng quyết định có sử dụng vaccine hết hạn hay không thuộc về các cơ quan quản lý dược phẩm của mỗi quốc gia như FDA của Mỹ hoặc EMA của các nước Châu Âu.

"Còn việc các cơ quan y tế của của các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) dựa trên các quyết định của các tổ chức y tế như FDA (Mỹ) hoặc EMA (Châu Âu) thì đây là điều dễ hiểu vì các tổ chức này có các tiêu chuẩn quy định chặt chẽ và lịch sử về độ tin cậy cao", ông Vũ nói.

Ý kiến của Tiến sĩ Vũ cũng đồng quan điểm với Liên minh vaccine Gavi trong thông báo hồi tháng 05/2021.

Từ Úc, Giáo sư Tuấn cho biết thêm rằng "WHO khuyên các nước nghèo có vaccine quá hạn thì cứ giữ vaccine cho đến khi có thông tin thêm, và không khuyến cáo đem ra sử dụng cho trẻ em và người lớn".

Nước nào cho tiêm vaccine hết hạn?

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, cách xử lý vaccine quá hạn sử dụng ở các quốc gia hiện khác nhau.

Vào tháng 05/2021, Bộ trưởng Y tế của Malawi tiến hành tiêu hủy gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca đã hết hạn sử dụng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Vào tháng 05/2021, Bộ trưởng Y tế của Malawi tiến hành tiêu hủy gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca đã hết hạn sử dụng

Tại Mỹ, vào tháng 06/2021, gần 900 người ở New York được chích vaccine Pfizer quá hạn sử dụng. Sở Y tế New York sau đó cho hay đã lên lịch để tiêm mũi bổ sung cho những người này.

Các chuyên gia y tế Mỹ nói với hãng tin CBS New York rằng lô vaccine hết hạn không nguy hiểm, nhưng tính hiệu quả vẫn còn là câu hỏi.

Người phát ngôn của Sở Y tế New York sau đó nói rằng những người được tim vaccine hết hạn đã nhận được điện thoại, email và tin nhắn để đảm bảo rằng họ nắm rõ tình hình.

Cơ quan y tế New York không nói thời gian hết hạn là bao lâu, chỉ cho biết rằng "những liều vaccine này đã ở trong tủ đông quá lâu để đáp ứng các hướng dẫn về tính hiệu quả hoàn toàn".

Đức, vào tháng 01/2022, gần 1.800 người tiêm vaccine Pfizer vốn đã hết hạn từ một tháng trước (31/12/2021). Nhà chức trách Đức cho biết họ sẽ làm xét nghiệm kháng thể miễn phí cho những người được tiêm, đồng thời cho hay tới nay không có rủi ro y tế nào từ việc tiêm vaccine quá hạn này.

Tại Nam Phi, Nigeria, và Malawi các nhà chức trách phải tiêu hủy hàng chục triệu liều vaccine quá hạn sử dụng.

Úc cũng có vài trường hợp với hàng trăm liều vaccine AstraZeneca phải bị tiêu hủy vì quá hạn sử dụng.

Anh, nhà chức trách cũng tiêu hủy hơn 600.000 liều vaccine AstraZeneca vì quá hạn sử dụng.

Các vaccine như AstraZeneca và mRNA đều có thời hạn sử dụng 6 tháng hay lâu hơn vài tháng, tuỳ theo điều kiện lưu trữ.

"Vaccine mRNA, chất liệu mRNA được gói trong một lớp mỡ có tên là 'nanoparticle' để giữ sự vẹn toàn của mRNA khi đưa vào hệ miễn dịch, và điều này có nghĩa là nó có thể tan rã theo thời gian. Những gì nhà sản xuất (Pfizer và Moderna) báo cáo trong y văn thì thời hạn sử dụng vaccine mRNA có thể lên đến 6 tháng tính từ ngày vaccine xuất xưởng, nhưng thời gian có thể tùy thuộc vào cách và điều kiện lưu trữ. Tương tự, vaccine AstraZeneca có thời hạn sử dụng chừng 6 tháng nếu lưu trữ trong điều kiện 2 độ C đến 8 độ C", theo Giáo sư Tuấn.

Xem thêm: