Từ chuyện Nguyễn Ngọc Mạnh, nghĩ về những người hùng tình cờ

  • Lê Hồng Lâm
  • Viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
Other

Nguồn hình ảnh, Other

Chụp lại hình ảnh, Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy Nguyễn Ngọc Mạnh đã trèo lên phần mái tôn, tìm vị trí đón đỡ cháu bé

Hai hôm nay, người chiếm hết “spotlight” (vị trí nổi bật) trên báo chí lẫn mạng xã hội không phải là “scandal” của một ngôi sao hạng A nào đó, cũng chẳng phải là một sự kiện gây chấn động xã hội, mà chỉ là câu chuyện của một người đàn ông trẻ tuổi, vốn vô danh trước đó bỗng chốc trở thành người hùng của cộng đồng mạng.

Với hành động dũng cảm giải cứu một em bé rơi từ tầng 12 và bảo toàn mạng sống cho cháu bé, Nguyễn Ngọc Mạnh đã trở thành người hùng… tình cờ trong mắt công chúng.

Một hình ảnh gợi nhớ đến siêu anh hùng Spider-man với sức mạnh siêu nhiên, tưởng như chỉ có trong thế giới của truyện tranh Marvel comics và những bộ phim điện ảnh siêu anh hùng mang về tiền tấn cho Hollywood.

Xã hội luôn khát khao người hùng, xưa nay vẫn vậy, những người sẵn sàng xả thân hoặc bảo vệ cho một lý tưởng cao đẹp nào đó của loài người mà họ hướng tới - nhưng đang dần mất đi, để cứu rỗi cho một cuộc sống đang trở nên thực dụng và nhiều toan tính.

Và nếu đó là hình ảnh của một người hùng tình cờ (accidental hero), thì những giá trị đó càng được nhân lên gấp bội. Siêu anh hùng Spider-man (Người Nhện) khi trở thành người hùng có nói, "quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao".

Nguyễn Ngọc Mạnh có hành động dũng cảm cứu người bị nạn

Nguồn hình ảnh, Internet

Chụp lại hình ảnh, Nguyễn Ngọc Mạnh có hành động dũng cảm cứu người bị nạn

"Người hùng tình cờ" Nguyễn Ngọc Mạnh thì hình như không có quyền lực gì cả. Anh chỉ là một người lái taxi bình thường, tuy nhiên hành động bột phát nhưng đầy tính trách nhiệm (công dân) của anh trong một phút nguy nan lại trở thành biểu tượng cho lòng trắc ẩn và tình yêu thương con người.

Trên mạng, lâu lâu lại có những câu chuyện, những hình ảnh nói về sự vô tâm và vô tình của con người.

Một vụ tai nạn thương tâm hay cướp giật diễn ra ngay trên đường phố đông đúc, nhưng những người khác vẫn thờ ơ đi qua, vì sợ liên lụy.

Một đứa bé gặp tai nạn trong một con phố chợ (clip ghi lại ở một địa danh đâu đó tại Trung Quốc từng gây chấn động trên mạng Weibo vài năm trước) nhưng đám đông người lớn vẫn vô tình bước tới như không có chuyện gì xảy ra...

Vì vậy mà câu chuyện của Nguyễn Ngọc Mạnh và một vài "người hùng tình cờ" khác - những người bấp chấp nguy nan cho bản thân để giải cứu người gặp nạn đã tạo ra một niềm cảm hứng lớn cho báo chí và cộng đồng mạng, vốn luôn khao khát người hùng giữa đời thường.

Tuy nhiên, sự khai thác và tôn vinh quá đà, hoặc thậm chí biến một hành động đẹp, chí công vô tư của Mạnh thành một sự tri ân kiểu... tặng thưởng bằng hiện vật (như kiểu các ngôi sao nhà ta thích quy sự tri ân... bằng tiền mặt, đòi xin số tài khoản để chuyển khoản tặng thưởng chẳng hạn) vô hình chung lại trở thành phản cảm và làm mất đi giá trị đẹp đẽ mà Mạnh đã cống hiến.

Không những thế, đôi khi chúng còn tạo thành con dao hai lưỡi, biến "người hùng tình cờ" của chúng ta trở thành đối tượng bị cộng đồng mạng lôi ra mổ xẻ, phân tích và thậm chí... phán xét.

Rồi thì lật lại clip để minh chứng rằng, Mạnh không hoàn toàn cứu được cháu bé, mà do một sự kỳ diệu của số phận mà thôi. Bản thân Mạnh cũng thừa nhận việc đó.

Xem clip được ghi lại và đưa lên báo chí hôm nay, tôi cũng công nhận là cháu bé quá may mắn và chắc phải có một bàn tay của cõi trên nâng đỡ.

Nhưng cho dù vậy, hành động bột phát nhưng đầy tính trắc ẩn của Mạnh, cách anh vượt qua tường rào, leo lên mái tôn và tính toán vị trí, điểm rơi để ôm cháu bé, rồi sau đó khi cháu rơi xuống bật nẩy lên, Mạnh lao đến ôm chầm lấy bé và đưa xuống bên dưới... hoàn toàn là những hành động đẹp đẽ của một người hùng.

Cho dù anh có thực sự cứu được cháu bé hay không, thì những hành động ấy cũng đã khẳng định phẩm chất cao đẹp của người đàn ông trẻ tuổi này.

Facebook

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Trên Facebook hiện đã có những trang fanpage được lập ra để tỏ thái độ yêu mến đối với Nguyễn Ngọc Mạnh

Xem phỏng vấn của Mạnh với đài truyền hình, tôi cũng thực sự cảm tình với chàng trai này. Anh trả lời giản dị, tránh mọi sự tô vẽ của truyền thông hay công chúng.

Anh nói rằng, người hùng là một điều gì đó cao siêu lắm, còn anh chỉ là một người đàn ông bình thường mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể hành động tương tự trong tình huống đó mà thôi. Và anh muốn tiếp tục sống cuộc đời bình thường của mình. Lại càng không muốn nhận tiền hay quà của người hâm mộ. Đơn giản, việc anh cứu cháu bé không phải vì mục đích được ca ngợi hoặc nhận lại những món quà vật chất, như trả lời của anh trên báo Tuổi trẻ.

Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Mạnh hai ngày hôm nay, khiến tôi nhớ đến một bộ phim rất hấp dẫn của Hollywood mà tôi xem cách đây cũng phải hai thập niên trước, Accidental Hero (Người hùng tình cờ).

Dù đều đề cập đến hai "người hùng tình cờ", hình ảnh của Mạnh và nhân vật Bernie LaPlante (Dustin Hoffman đóng tuyệt hay) trong bộ phim này hoàn toàn khác nhau về xuất xứ và động cơ.

Trong Accidental Hero, Dustin Hoffman đóng vai một gã... móc túi (vì gia đình nghèo hèn, vì muốn con có điều kiện học hành...), trở thành người hùng tình cờ giải cứu vài nạn nhân may mắn sống sót của một tai nạn máy bay.

Nhưng cùng với hành động nghĩa hiệp đó, anh ta cũng tranh thủ... hôi của và bỏ lại một chiếc giày của mình tại hiện trường. Để rồi sau đó, một trong những người được anh ta cứu giúp, vốn là một nữ phóng viên truyền hình nổi tiếng (Geena Davis), phối hợp với đài truyền hình của cô biến câu chuyện người hùng tình cờ ẩn danh đó trở thành câu chuyện truyền cảm hứng để... hút rating.

Tặng thưởng 1 triệu đô la được trao tặng cho “accidental hero”, nhưng người hùng tình cờ của chúng ta thì đang ở tù vì... móc túi mất rồi, trong khi một tay cựu binh Việt Nam sống vất vưởng (Andy Garcia đóng), nhờ chiếc giày còn sót lại của Bernie, bỗng chốc trở thành người hùng ẩn danh vừa được một triệu đô vừa được cả xã hội tôn sùng và thần tượng...

Để bán được vé, tất nhiên các tay biên kịch sừng sỏ của Hollywood không đơn thuần kể một câu chuyện người tốt việc tốt mà thêm mắm dặm muối để biến thành một câu chuyện nhiều kịch tính, lắt léo và “twist” điên đảo để khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Nhưng cuối cùng, cái thông điệp cốt lõi về "người hùng tình cờ", về cái tinh thần hướng thượng, về lòng trắc ẩn, thậm chí sự vĩ đại được bộc phát trong phút nguy nan mới là những giá trị cuối cùng mà họ hướng tới.

Lâu lâu mới có một câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng như thế.

Lòng tốt cần được biết ơn, rõ rồi.

Nhưng các vị mạnh thường quân và các ngôi sao lắm tiền nhiều của ạ, xin hãy tôn vinh và tri ân Mạnh thật đẹp, thật cao thượng chứ đừng nhất nhất quy lòng tốt ra thóc như thế (nhưng các vị hoàn toàn có thể dùng hiện kim đó cho những mục đích cao đẹp khác mà xã hội đang cần).

Dù ai cũng cần thóc (bánh mì) để ăn. Nhưng chúng ta cũng cần cả hoa hồng nữa, cho một ngày mới mặt trời đang tỏa rạng, phải không?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.