Bà Clinton nói việc Anh không công bố báo cáo về Nga 'đáng xấu hổ'

Hillary Clinton

Việc chính phủ Anh chưa công bố báo cáo về sự can thiệp của Nga vào chính trị Anh, là điều "không thể lý giải được và đáng xấu hổ," bà Hillary Clinton nói với BBC.

Báo cáo này đã được cơ quan an ninh cho phép đăng tải, nhưng sẽ không được công bố cho đến sau cuộc bầu cử ngày 12 tháng Mười Hai.

"Mọi cử tri ở đất nước này đều xứng đáng được xem báo cáo đó trước khi cuộc bầu cử ở Anh diễn ra", cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ nói.

Chính phủ Anh phủ nhận là muốn ẻm báo cáo này.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội kiểm tra hoạt động của Nga trong nền dân chủ Vương quốc Anh.

Báo cáo chứa đựng những cáo buộc gián điệp, lật đổ và can thiệp vào các cuộc bầu cử.

Nó cũng nêu bằng chứng từ các dịch vụ tình báo của Anh như GCHQ, MI5 và MI6 liên quan đến các nỗ lực bí mật của Nga nhằm tác động đến kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của EU và cuộc tổng tuyển cử năm 2017.

Báo cáo đã được hoàn thiện vào tháng Ba và được gửi đến cho chính phủ vào ngày 17/10.Nhưng cho đến nay báo cáo này vẫn chưa được chấp thuận để công bố - và sẽ không được công bố cho đến sau ngày bỏ phiếu.

Các nghị sĩ trong ủy ban tình báo đã chỉ trích rất mạnh mẽ quyết định này, nhưng chính phủ nói rằng thời điểm này không phải là bất thường.

Russian President Vladimir Putin

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ cáo buộc can thiệp của Nga

Phát biểu với chương trình Today của BBC Radio 4 khi đang ở Anh trong một chuyến đi quảng bá sách, bà Clinton nói rằng bà "chết lặng" khi nghe tin chính phủ sẽ không công bố báo cáo.

"Đó là một điều tuyệt đối phải làm," bà nói.

"Bởi vì không nghi ngờ gì cả - chúng tôi biết điều đó ở đất nước chúng tôi, chúng tôi đã thấy nó ở châu Âu, chúng tôi đã thấy nó ở đây - là Nga đặc biệt quyết tâm cố gắng định hình chính trị của các nền dân chủ phương Tây.

"Không phải vì lợi ích của chúng ta, mà là của họ."

Bà Clinton cũng nói với Emma Barnett của BBC Radio 5 Live: "Tôi thấy không thể lý giải được việc chính phủ của bạn sẽ không công bố báo cáo của chính phủ về ảnh hưởng của Nga. Không thể lý giải được và đáng xấu hổ."

Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ đã gặp vấn đề tương tự trong cuộc bầu cử năm 2016, khi bà bị đánh bại với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ bởi đảng Cộng hòa Donald Trump.

Trump và chiến dịch tranh cử của ông, bà nói, đang bị điều tra về mối liên hệ của họ với Nga, các đặc vụ Nga và những người khác thúc đẩy lợi ích của Nga. Nhưng công chúng Mỹ không biết trước cuộc bầu cử.

Người Nga vẫn ở "trong" hệ thống bầu cử của đất nước bà, bà nói, và vẫn "đưa ra những tuyên truyền".

"Vì vậy, không nghi ngờ gì về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của chúng tôi, và việc này hiện vẫn đang tiếp tục.

"Tôi sẽ ghét thấy điều đó xảy ra ở đây. Dù kết quả thế nào. Tôi không biết báo cáo này chứa đựng những gì hơn bất kỳ ai khác.

"Nhưng chắc chắn, những người sắp bỏ phiếu trong một tháng hoặc lâu hơn xứng đáng biết những gì được viết trong một báo cáo mà hiện giờ họ phải suy đoán, phải có điều gì đó đáng quan ngại, nếu không thì tại sao nó không được tiết lộ công khai?"

Donald Trump at a Veterans' Day parade

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Cuộc điều tra của Mueller đưa ra một mô hình can thiệp rộng rãi của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016

Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid nói với BBC rằng thời gian công bố báo cáo là "hoàn toàn bình thường" vì tính chất nhạy cảm của nội dung.

Tuy nhiên, bà Emily Thornberry thuộc chính phủ đối lập nói rằng quyết định không công bố báo cáo trước khi Quốc hội đóng cửa trước cuộc tổng tuyển cử là "rõ ràng có động cơ chính trị".

Phát biểu tại Hạ viện tuần trước, bà cho rằng báo cáo có thể dẫn đến các câu hỏi về mối liên hệ giữa Nga, Brexit và lãnh đạo của phe bảo thủ, có thể làm hỏng chiến dịch tranh cử .

Các nguồn tin của BBC cho biết không có sự phản đối từ bất kỳ cơ quan hoặc bộ phận chính phủ nào khác về việc công bố báo cáo - để lại quyết định công bố hay không ở dinh thủ tướng.

Tại Hoa Kỳ, Cuộc điều tra Mueller đã đưa ra một mô hình can thiệp rộng rãi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 - đặc biệt là sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và rò rỉ tài liệu.

Tuy nhiên, nó không thiết lập bất kỳ âm mưu tội phạm nào giữa Moscow và chiến dịch tranh cử của Trump.

Cho đến nay, không có bằng chứng nào về một chiến dịch mạng trên quy mô tương tự đã được tạo ra ở Anh và các bộ trưởng chính phủ cho biết không có bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp "thành công" của Nga trong cuộc bầu cử ở Anh.