Nghi án Tenma: Vì sao công ty Nhật khai với công tố viên Tokyo?

Tokyo ngày 25/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tokyo ngày 25/5

Các chuyên gia về chính sách chống tham nhũng của Nhật Bản nói với BBC News Tiếng Việt rằng Nhật Bản những năm gần đây trở nên chủ động hơn trong điều tra cáo buộc các vụ hối lộ ở hải ngoại.

Bình luận đưa ra trong bối cảnh truyền thông Nhật nói một công ty Nhật, Tenma Việt Nam, hai lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra sau khi báo Nhật tường thuật công ty sản xuất nhựa Tenma, đặt trụ sở ở Tokyo, đã tự nguyện báo với công tố viên quận Tokyo rằng Tenma Việt Nam đã hối lộ 2 lần cho một số cán bộ hải quan và ngành thuế Bắc Ninh để được giảm thuế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ảnh ngày 20/5

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ảnh ngày 20/5

Eiji Oyamada, giáo sư ở Đại học Doshisha, Kyoto, nói với BBC rằng vụ Tenma chưa được đăng tải nổi bật trên báo chí Nhật.

Ông nhận xét trong quá khứ, Nhật Bản không tỏ ra chủ động khởi tố các cáo buộc hối lộ ở nước ngoài, mặc dù Nhật là thành viên hiệp ước chống hối lộ của nhóm OECD.

"Nhóm theo dõi chống hối lộ của OECD từng bày tỏ không hài lòng về thiếu nỗ lực của chính phủ Nhật khi thực hiện hiệp định, nhiều năm trước đây."

"Tuy nhiên, gần đây hơn, chính phủ nhận thức về tầm quan trọng của các vụ tham ô hải ngoại của công ty Nhật, đặc biệt sau khi Mỹ và Anh có luật rất nghiêm chống hối lộ ở nước ngoài."

Tại Nhật, kể từ tháng Sáu 2018, những người bị tố cáo một số tội danh, trong đó có hối lộ, lần đầu tiên có thể đạt thỏa thuận thương lượng với công tố.

Có nghĩa là họ có thể nhận hình phạt nhẹ hơn, hoặc không bị phạt, nếu họ tiết lộ thông tin dùng để khởi tố những người khác.

Tháng Bảy 2018, Mitsubishi Hitachi Power Systems, Ltd nói họ đã đạt thỏa thuận thương lượng trong vụ hối lộ liên quan dự án nhà máy ở Thái Lan. Đây là lần đầu tiên có thỏa thuận như thế từ khi Nhật đưa ra hệ thống mới này.

Tokyo ngày 25/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tokyo ngày 25/5

Matthew Carlson, giáo sư tại Đại học Vermont, Hoa Kỳ, nói với BBC rằng thực tế Nhật rất ít khởi tố về hối lộ ở hải ngoại.

"Công tố viên ở Nhật, theo truyền thống, chỉ tập trung vào những vụ tham ô lớn, những vụ mà họ có thể kết tội."

"Tại Nhật từ sau 1945, có rất ít bê bối dính líu hối lộ ở hải ngoại."

Thực tế, từ khi Nhật đưa tội hối lộ hải ngoại vào Luật Chống Cạnh tranh bất công năm 1998, đã chỉ có năm vụ khởi tố hối lộ hải ngoại, tính đến cuối năm 2019.

Trong năm vụ này, có hai vụ liên quan Việt Nam.

Một vụ liên quan phát hiện Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã hối lộ tổng cộng 820.000 USD để được tham gia dự án giao thông có vốn vay Nhật Bản tại TP HCM. Tòa ở quận Tokyo đã phạt bốn nhân viên của PCI án tù từ một năm rưỡi tới hai năm rưỡi hồi năm 2009.

Một vụ khác là vào tháng Hai 2015 khi tòa ở Tokyo xử vụ công ty tư vấn đường sắt Japan Transportation Consultants Inc (JTC) đã hối lộ tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ba cựu lãnh đạo của JTC bị phạt tù từ hai tới ba năm và JTC bị phạt 90 triệu yên.

Nhật Bản là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam

Giáo sư Matthew Carlson, đồng tác giả một cuốn sách về tham nhũng chính trị tại Nhật, nói ở Nhật, có khoảng cách khó phân biệt về định nghĩa hối lộ và quà tặng.

"Trong vụ Tenma được báo chí đưa tin, số tiền hối lộ có vẻ không lớn."

"Có thể công ty này sẽ tìm cách biện hộ rằng việc trả tiền là cần thiết và rằng đó là hành vi kinh doanh phổ biến."

Theo giáo sư Matthew Carlson, công tố viên Nhật Bản sẽ quan tâm điều tra về bản chất khoản tiền hối lộ và sự liên hệ giữa tiền với cán bộ thuế ở Việt Nam.

"Họ sẽ tìm cách xác minh công ty Nhật định làm gì với việc trả tiền và tìm bằng chứng là nó vi phạm luật."

Tokyo ngày 25/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tokyo ngày 25/5

Trong khi đó, giáo sư Eiji Oyamada nói nhiều công ty Nhật làm ăn ở nước ngoài hiện nay đưa chính sách chống hối lộ vào cơ chế quản trị công ty.

"Tôi tin rằng Tenma cũng có chính sách này vì họ có trên sàn chứng khoán Tokyo, nên phải có trách nhiệm trình chính sách này cho cổ đông."

Giáo sư Eiji Oyamada, một chuyên gia về chính sách chống tham nhũng của Nhật, nói tại Nhật, công chúng thường quan tâm hơn vào bê bối sử dụng tiền viện trợ ODA vì đó là tiền của người dân Nhật đóng thuế. Trong khi đó, sự quan tâm ít hơn dành cho các công ty tư nhân vì có nhận thức rằng thiệt hại gì thì cũng chỉ là tiền tư nhân.

Tháng Sáu 2008, truyền thông Nhật đưa tin cơ quan điều tra nước này đang tiến hành điều tra công ty tư vấn PCI về những vụ gửi tiền hối lộ cho các viên chức chính phủ ở Đông Nam Á để nhận được các dự án từ nguồn vốn ODA.

Tháng Tám 2008, Đại sứ Nhật Bản có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị thực hiện ủy thác điều tra theo đề nghị của cơ quan Tư pháp Nhật Bản về việc các nhân viên PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM.

Ngày 04/12/2008, Nhật Bản tuyên bố tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam;

Giáo sư Eiji Oyamada nói: "Khi đó chính phủ Nhật tạm thời dừng cung cấp ODA cho tới khi chính phủ Việt Nam bày tỏ lập trường cứng rắn chống tham nhũng."

"Vì thế tôi đoán lần này, chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp chống tham nhũng nghiêm khắc hơn với cả người cho và người nhận."

Trong vụ Tenma, giáo sư Matthew Carlson cho rằng hình phạt tại Nhật sẽ vừa phải nếu công ty này đã tự nguyện trình báo cho công tố viên ở Tokyo.

"Nếu họ đã thừa nhận một số cáo buộc, tôi không nghĩ là hình phạt sẽ nặng."

"Trong các vụ bê bối tham ô lớn, thường thì họ áp dụng án tù treo và phạt tiền."

"Đến nay, bê bối của vụ này có vẻ tương đối nhỏ và những người liên quan lại đang hợp tác với cuộc điều tra."

Theo luật hiện nay của Nhật Bản, công dân Nhật hối lộ viên chức nước ngoài có thể bị tù tối đa 5 năm và tiền phạt tối đa 5 triệu yên.