Hong Kong: Tập Cận Bình cảnh cáo “tan xương nát thịt" nếu chia rẽ TQ

A demonstrator sets a bin on fire in Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Những cuộc biểu tình ôn hòa ở Hong Kong vào cuối tuần qua đã chuyển thành xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc với những người biểu tình ở Hong Kong, rằng bất kỳ nỗ lực nào để chia rẽ Trung Quốc cũng sẽ kết thúc trong cảnh "tan xương nát thịt."

"Bất kỳ thế lực nào bên ngoài chống lưng cho những âm mưu chia rẽ Trung Quốc đều bị nhân dân Trung Quốc xem là ảo tưởng," ông Tập nhấn mạnh.

Bình luận trên được ông Tập được đưa ra trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal hôm qua 13/10, theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc.

Cũng trong ngày hôm qua, xung đột lại diễn ra giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình trong các cuộc biểu tình ôn hòa tại Hong Kong.

Các trạm giao thông công cộng và các cửa hàng, được xem là thân Bắc Kinh, đã bị đập phá gây hư hại.

Biểu tình đã diễn ra tại một số khu vực trong thành phố. Và trong chiều hôm qua, ít nhất 27 trạm MTR - tức hệ thống tàu điện ngầm của Hong Kong - đã phải đóng cửa.

Cảnh sát nói rằng họ chỉ huy động "lực lượng tối thiểu" để giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, cảnh quay video cho thấy, những người đi mua sắm vào dịp cuối tuần cũng bị cuốn trong hỗn loạn.

Trong cảnh quay này, một số người phải hét lên và dường như đã bị thương khi lực lượng công vụ xông vào một trung tâm mua sắm.

Theo hãng tin Reuters, những người đi mua sắm cũng đã đứng về phía người biểu tình và đồng thanh buộc cảnh sát chống bạo động với khiên chắn phải rời khỏi một trung tâm thương mại.

Bom xăng đã được ném vào đồn cảnh sát Mong Kok.

South China Morning Post dẫn lời giới hữu trách cho biết rằng, một sĩ quan cảnh sát bị chém vào cổ và phải vào bệnh viện. Hiện sức khỏe của người này đã ổn định.

Một người đàn ông thứ hai cáo buộc rằng ông ta bị những người biểu tình đánh. Nhưng người ta đã phát hiện trong túi ông ta có một chiếc dùi cui, dẫn tới suy luận rằng ông ta thực ra là một cảnh sát mật.

Cảnh sát được cho là đã bí mật trà trộn vào những người biểu tình nhằm chia rẽ họ.

Ngay trong đêm 13/10, một nhóm những người biểu tình đã kéo bức tượng cao ba mét đặt trên đỉnh 'Lion Rock' (tức núi Sư Tử), một ngọn núi nổi tiếng mà từ đó, có thể nhìn xuống đảo Hong Kong từ phía xa.

Bức tượng này được gọi là 'Lady Liberty' (Tạm dịch là: Cô gái Hồng Kông Tự do), vốn là một biểu tượng của các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Thiết kế tượng lấy cảm hứng từ trang phục của người biểu tình Hong Kong, với dấu hiệu đặc trưng là đội mũ bảo hiểm, đeo kính bảo hộ và mang mặt nạ phòng độc.

Bức tượng tái hiện hình ảnh một cô gái, người mà những người biểu tình cho rằng, đã bị thương ở mắt do bị cảnh sát bắn đạn.

Một nhóm gồm vài chục người biểu tình, một số phải mang đèn bão trên đầu, đã kéo đặt bức tượng lên trên đỉnh núi cao khoảng 500m ngay trong cơn giông.

Bức tượng giương cao biểu ngữ màu đen với dòng chữ: "Revolution of our time, Liberate Hong Kong" (tạm dịch là: Cuộc Cách mạng của thời đại chúng ta. Giải phóng Hồng Kông."

The "statue of Lady Liberty Hong Kong" stands on Hong Kong's famous Lion Rock

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Tượng "Lady Liberty' đặt trên đỉnh Lion Rock của Hong Kong bởi một nhóm những người biểu tình.
Presentational white space

Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Hong Kong từ tháng 6, nhằm chống lại dự luật dẫn độ, một động thái mà nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu nên từ pháp độc lập của thành phố này và gây nguy hiểm cho các nhà bất đồng chính kiến.

Sau đó, dự luật đã được rút, nhưng các cuộc biểu tình tiếp tục mở rộng với các yêu cầu về thực thi đầy đủ các quyền dân chủ và nhà chức trách phải tiến hành điều tra các cáo buộc về các hành vi đàn áp của cảnh sát với người biểu tình.

Đầu tháng này, chính quyền thành phố sử dụng điều lệ quy định khẩn cấp (ERO) vốn đã có từ thời thành phố này hãy còn là một thuộc địa của Anh, cấm việc đeo mặt nạ, khẩu trang tại các cuộc tụ tập công cộng. Tuy nhiên, những người biểu tình tuyên bố sẽ chống lại quy định này.