Nghiệp đoàn độc lập ra đời “chỉ vì quyền lợi người lao động VN”

  • Quốc Phương
  • BBC News Tiếng Việt
Việt Nam

Nguồn hình ảnh, NOEL CELIS/Getty Images

Bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, bình luận về ý nghĩa nghiệp đoàn độc lập được thành lập ở Việt Nam hiện nay và cho rằng truyền thống công đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ ở nước này.

Truyền thống nghiệp đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ và thậm chí trước nữa, trong thời Pháp thuộc ở Việt Nam và ngày nay, các tổ chức nghiệp đoàn độc lập nếu được thành lập bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người lao động thì nên được phép nhà nước Việt Nam cho phép, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/7/2020 từ Hà Nội.

Trước hết, nhà hoạt động này, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, bình luận với BBC về bối cảnh và ý nghĩa của việc nên cho phép tổ chức nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động ở Việt Nam, sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai hiệp định thế hệ mới đã được ký kết gần đây với Liên minh châu Âu là EVFTA và EVIPA:

"Tôi đã có lần nói với BBC là không giống một số người khác, tôi ủng hộ việc EU và Việt Nam đạt thỏa thuận và thông qua các hiệp định tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam.''

"Tôi cho rằng và ủng hộ việc không nên trì hoãn ký các hiệp định trên giữa Việt Nam với châu Âu, bởi vì nó rất cần thiết, mà nếu không có các hiệp định ấy thì Việt Nam càng sa lầy lệ thuộc vào Trung Quốc.

"Việc về nhân quyền không phải là châu Âu cứ ép là được, nếu nói về hiệp định thì kinh tế là chính, còn có các vấn đề nhân quyền này nọ, trong đó có quyền của người lao động, việc cho phép công đoàn, nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động v.v…, thì trong quá trình làm việc với nhau, thì phải bàn bạc để có những sự ràng buộc ngay trong những hiệp ước và những hợp đồng, điều khoản cụ thể, chi tiết.

"Chứ không phải tổng thể là vì anh không tôn trọng nhân quyền cho nên tôi không ký hiệp định với anh, tôi không chơi với anh, đã có những vị ở Hội đồng châu Âu, hay Liên mình châu Âu đã có ý kiến như thế, nhưng có thể trên thực tế thì cứ ký kết với nhau một là để Việt Nam có thêm cửa làm ăn, nếu không thì nguy hiểm, hai nữa là trong quá trình hợp tác, sẽ có những sự ràng buộc cụ thể, mà nếu anh không muốn ràng buộc thì cũng không được."

'Song hành, bổ sung'

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Getty Images

Hôm 01/7/2020, một tổ chức tự gọi tên là Nghiệp đoàn Lao động Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập ở trong nước, và cho hay trong diễn ngôn thành lập của mình rằng:

"Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.

"Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, NĐ ĐL VN sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn."

Tổ chức này giới thiệu trong Ban Điều hành có bà Nguyễn Nguyên Bình trong vai trò "cố vấn", khi được hỏi cụ thể vai trò này có ý nghĩa như thế nào, bà Nguyên Bình đáp:

"Trước tiên tôi muốn chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của xã hội dân sự, đặc biệt của nghiệp đoàn độc lập, công đoàn độc lập như thế này.

"Trước đây tôi học tiếng Nga, tôi nhớ có một câu ngạn ngữ nội dung đại thể như thế này "Một trí tuệ đã tốt rồi, nhưng hai trí tuệ còn tốt hơn.''

"Mà đây theo ý kiến của tôi, công đoàn độc lập không phải là đối lập với ai cả, mà công đoàn độc lập để mà đồng hành với công đoàn đã có (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), và cùng nhau giải quyết những vấn đề, có thể là bổ sung cho nhau, đấy tức là với tinh thần một trí tuệ đã tốt, hai trí tuệ còn tốt hơn.''

"Còn về việc tôi được mời làm cố vấn, cái này thực ra tôi không muốn nhấn mạnh, nhưng nếu ai hay những người của nhà nước có đến hỏi, thì tôi chỉ nói là tôi là nhà văn cho nên là tôi có thể tư vấn về mặt nhân văn, nhân bản.''

"Còn trước đây tôi có kinh nghiệm vận động binh vận, thì tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đàm phán với nhau, giải quyết xung đột sao cho được hiệu quả, thuận tình đạt lý, giúp giải quyết được những vấn đề khó khăn, đảm được bảo quyền của người lao động"

'Có truyền thống từ trước'

Theo bà Nguyễn Nguyên Bình, thực ra không phải đợi đến nay mà từ rất lâu trước đây, công đoàn, nghiệp đoàn độc lập đã có truyền thống bắt rễ trong xã hội Việt Nam, từ thời Công hội đỏ, thậm chí từ trước đó nữa, bà chia sẻ nhận thức này qua trải nghiệm của chính gia đình mình:

"Ông cụ tôi từng tham gia tổ chức gọi là 'Công ấn ái hữu', tức là tổ chức ái hữu của công nhân nhà máy in, công nhân ngành in, còn bà mẹ tôi bà tham gia hội của công nhân tư gia, vì bà là người đi làm công việc khâu đầm (may quần áo, váy áo), cho nên làm việc ở tư gia chứ không phải ở trong nhà máy.

"Ông bố tôi làm ở nhà máy in Minh Sang, cho nên là ông tham gia hội ái hữu của công nhân in ở đó.

"Tất nhiên là thời ấy, hội ái hữu công nhân in là đấu tranh với Thực dân Pháp, đấu tranh với giới chủ và lúc ấy mục tiêu theo sự lãnh đạo của Đảng là đấu tranh để giành những quyền có tính chất là đấu tranh giai cấp.

"Thì có thể là bước đầu có tính công đoàn thôi, tức là đấu tranh về dân sinh, nhưng mà sau đó thì tiến lên đấu tranh giành những quyền lợi khác và tiến tới đấu tranh giành độc lập cho nước Việt Nam.

"Lúc ấy có thể nói là rất tốt và công lao của các cụ bây giờ đem lại một đất nước Việt Nam độc lập và không có thể ai mà phủ nhận được.

"Thế còn bây giờ, có những người người ta tự nhiên cứ thấy có tổ chức nào ngoài quốc doanh thì người ta e ngại, nhưng mà đấy là một sự quá nhạy cảm thôi, chứ còn nghiệp đoàn này theo ý nghĩa là nó đồng hành với công đoàn có sẵn, Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì chỉ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho những người lao động thôi, chứ có phản đối ai, có chống gì ai đâu."

Nhân dịp này, cùng hôm thứ Tư, BBC News Tiếng Việt đã phỏng vấn với một thành viên của tổ chức Liên đoàn Lao động Độc lập Việt Nam nói trên và được một thành viên, ông Trần Giang, một người lao động trong doanh nghiệp ở miền Đông Nam Bộ cho biết một số chi tiết về tổ chức này:

"Chúng tôi là những người thật việc thật, không phải là tổ chức không tồn tại trên thực tế, thực ra chúng tôi đã hoạt động trên thực tế hỗ trợ, giúp đỡ người lao động từ lâu nay, chúng tôi hoạt động hoàn toàn dựa vào những hoạt động hợp pháp, phù hợp với hiến pháp và các công ước mà Việt Nam ký kết với quốc tế.

"Chúng tôi đã hoạt động từ lâu dưới hình thức các tổ nhóm lao động độc lập tự phát và đã phát huy hiệu quả."

Vì sao không đợi thêm?

Khi được hỏi vì sao không đợi tới một thời hạn như đầu năm 2021, khi chính quyền và nhà nước cho phép chính thức các tổ chức đại diện cho người lao động có tư cách độc lập có thể đăng ký, hoạt động để chính thức hơn, ông Trần Giang đáp:

"Có thể nói là các hoạt động của chúng tôi phù hợp với hiến pháp, với luật pháp, công ước quốc tế, việc đến bây giờ vẫn chưa cho phép thành lập các nghiệp đoàn, công đoàn độc lập là quá muộn, trong khi nhiều người lao động ở khắp nơi đang chịu nhiều thiệt thòi, không thể chờ đợi.

"Đây cũng là thời điểm phù hợp và chín muồi sau khi Việt Nam đã có những ký kết với quốc tế, nhất là sau các Hiệp định thế hệ mới như là CPTPP, EVFTA hay là EVIPA, chúng tôi không cạnh tranh với ai để ra sớm hơn, hay muộn hơn, mà chính là đây là thời điểm đã chín muồi và dựa trên nhu cầu thực sự cần được hỗ trợ, giúp đỡ cấp bách không thể muộn hơn của nhiều người lao động, giới lao động ở nhiều nơi, nhiều ngành nghề, tổ chức lao động, doanh nghiệp mà qua quá trình hoạt động thực tế chúng tôi nắm rất rõ."

Đánh giá về viễn kiến tương lai của tổ chức của mình, ông Trần Giang nói:

"Tương lai thì chưa nói được gì, có nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, miễn sao giúp đỡ được hiệu quả nhất cho người lao động, giới lao động.

"Chúng tôi không hoạt động chính trị, không nhận tiền để hoạt động chống phá, khủng bố của bất cứ ai, tới nay, chúng tôi đều hoạt động dựa trên chính túi tiền của mình để cống hiến, chi phí cho các hoạt động hỗ trợ người lao động.

"Chúng tôi không cạnh tranh với ai, kể cả với các tổ chức nghiệp đoàn thành lập trước, trong, hay sau mình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tổ chức nghiệp đoàn, công đoàn của nhà nước, chính quyền, sẵn sàng tìm tiếng nói chung với giới chủ để đạt mục tiêu cao nhất là hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động mà thôi," thành viên này nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/7 từ Việt Nam.