Đường dẫn truy cập

Hà Nội ra khuyến cáo sau gần một tuần bị ô nhiễm nguồn nước


Báo Tiền Phong cho biết mặc dù đã qua nhiều ngày mưa lớn, nhưng dấu vết dầu đen vẫn còn hiện hữu trên các dòng suối.
Báo Tiền Phong cho biết mặc dù đã qua nhiều ngày mưa lớn, nhưng dấu vết dầu đen vẫn còn hiện hữu trên các dòng suối.

UBND thành phố Hà Nội vừa ra thông báo vào chiều 15/10 khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông Đà cho việc ăn uống, sau khi các mẫu xét nghiệm từ nhiều khu vực khác nhau cho thấy hàm lượng chất Styren từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 – 3,65 lần.

Khuyến cáo được đưa ra sau gần 6 ngày người dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… phát hiện nguồn nước tiêu dùng có “mùi khét” bất thường, không thể sử dụng được.

Trước đó trong ngày, có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận rằng thành phố đã “nhận được tin nhắn của người dân và báo chí phản ánh” vào ngày 10/10 và đã lập đoàn kiểm tra.

"Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường”, Vietnamnet dẫn lời ông Chung giải thích.

Theo lời người đứng đầu thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng đã không báo cáo và cũng không ngăn chặn nguồn dầu thải này trôi vào nhà máy và vào nguồn nước.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới chiều 15/10, Tổng giám đốc Viwasupco, ông Nguyễn Văn Tốn, nói rằng “công ty cũng gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống” và giải thích lý do chậm làm báo cáo cho đến ngày 10/10 là vì toàn bộ nhân viên công ty phải tập trung xử lý dầu tràn, theo Tuổi Trẻ.

Bình luận trên Facebook về trách nhiệm của Viwasupco, Luật sư Lê Văn Luân cho rằng “Nếu công ty nước sạch Sông Đà đã biết trước nguồn nước bị nhiễm độc mà vẫn bỏ qua mà cấp nước cho dân, thì có thể cấu thành tội phạm hình sự về môi trường (Điều 237)”.

Vị luật sư thường xuyên lên tiếng về những vấn đề thời sự cũng cảnh báo về một “bầu không khi ô nhiễm nghiêm trọng” mà người dân Việt Nam đang chung sống, như vụ cháy nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông dẫn đến hàng chục kilogram thủy ngân xả ra không khí mới đây, hay vị trí “hàng đầu” về lượng rác thải nhựa của Việt Nam…

Bản thân thủ đô Hà Nội cũng thường xuyên bị xếp vào danh sách các thành phố bị ô nhiễm không khí trên thế giới.

Hôm 2/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường và các thành phố Hà Nội, TP HCM phải “có giải pháp căn cơ”, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, không để cho người dân bức xúc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG