Trung Quốc đe dọa ổn định ở Thái Bình Dương: Lựa chọn nào cho Việt Nam?

RFA
2020.02.14
7f97daa6-f09c-4711-bf6a-c3c0f5cf25d3.jpeg Các nhân sĩ trí thức tham gia Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019, kêu gọi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
RFA

Diễn tiến mới liên quan Trung Quốc ở Biển Đông

Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ-Đô đốc Philip Davidson, nhân chuyến thăm nước đồng minh Australia, vào ngày 13/2 trong một bài phát biểu tại Sydney đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và đang làm suy yếu sự ổn định tại khu vực này.

Giới chức quân sự hàng đầu Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoàn toàn phản đối chính sách của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vì “yêu sách chủ quyền quá mức, ngọai giao bẫy nợ, vi phạm các hiệp định quốc tế, trộm cắp sở hữu trí tuệ quốc tế, đe dọa quân sự và tham nhũng trắng trợn” và Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm mọi phương cách để kiểm soát về thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và luôn cả cách sống tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tuyên bố của Đô đốc Philip Davidson hôm thứ Năm, ngày 13/2 ở Sydney được giới quan sát quốc tế cho là có khả năng gây căng thẳng với Trung Quốc.

Trước sự kiện vừa nêu hai ngày, Philippines thông báo hủy Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ. Thông báo này khiến giới chuyên gia lo ngại quyết định của Manila không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh Hoa Kỳ-Philippines mà còn có khả năng tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.

Trung Quốc sau dịch bệnh này họ càng cần nhiều nhiên liệu hơn như chất đốt, dầu khí, quặng, nguyên vật liệu…Thế nào thì họ cũng đụng tới Biển Đông bởi vì Biển Đông có dầu khí và có đường vận tải quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó 86-87% nhiên liệu chất đốt Trung Quốc mua từ Trung Đông và khắp thế giới vận chuyển qua vùng Biển Đông này. Bây giờ chính sách ở Biển Đông của Trung Quốc cứ gia tăng hơn, chứ không giảm nhẹ và có thể nhìn thấy là họ chuẩn bị rất kỹ. Ví dụ nếu như tháng 5 mà ngớt dịch bệnh thì họ sẽ đẩy mạnh hơn. Và tháng 5,6,7 cũng là dịp mà phần nằm phía dưới Biển Đông ít bị bão nên người Trung Quốc sẽ lấn tới
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore nhận định với RFA rằng Trung Quốc đang bị mất rất nhiều rất nhiều tiền bạc và bị thiệt hại về kinh tế kể từ khi dịch bệnh coronavirus (Covid-19) bùng phát ở Vũ Hán. Như vậy tất nhiên Trung Quốc sẽ tìm cách bù lại những mất mát sau khi Bắc Kinh tập trung điều trị khỏi bệnh dịch nguy nguy hiểm gây chết người này. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng không loại trừ sắp tới Trung Quốc sẽ có những hành động cụ thể ở Biển Đông:

“Trung Quốc sau dịch bệnh này họ càng cần nhiều nhiên liệu hơn như chất đốt, dầu khí, quặng, nguyên vật liệu…Thế nào thì họ cũng đụng tới Biển Đông bởi vì Biển Đông có dầu khí và có đường vận tải quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó 86-87% nhiên liệu chất đốt Trung Quốc mua từ Trung Đông và khắp thế giới vận chuyển qua vùng Biển Đông này. Bây giờ chính sách ở Biển Đông của Trung Quốc cứ gia tăng hơn, chứ không giảm nhẹ và có thể nhìn thấy là họ chuẩn bị rất kỹ. Ví dụ nếu như tháng 5 mà ngớt dịch bệnh thì họ sẽ đẩy mạnh hơn. Và tháng 5,6,7 cũng là dịp mà phần nằm phía dưới Biển Đông ít bị bão nên người Trung Quốc sẽ lấn tới.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và một vài chuyên gia trong giới quan sát tình hình Biển Đông Đài RFA trao đổi đều khẳng định một khi Trung Quốc bắt đầu có những hành động mới ở Biển Đông thì phần lớn có khả năng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo nhận định thì Hà Nội cũng đã nhận thức rõ rằng buộc phải chuẩn bị tất cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra ở Biển Đông.

Chọn lựa của Việt Nam

Truyền thông quốc nội, vào ngày 12/2 loan tin Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về việc đẩy mạnh tuyên truyền và giải pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý trong văn bản này là Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng cần đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Song song đó là “cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp”.

Trong năm 2019, trong suốt từ tháng 5 đến tháng 10, Trung Quốc đã có những động thái lấn át Việt Nam, gây ra chăng thẳng giữa hai nước. Đó là việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào thời điểm xảy ra xung đột,giới nhân sĩ trí thức và dân chúng tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Hà Nội khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/9/2019 của Hải quân Mỹ: tàu USS Montgomery trong cuộc tập trận giữa Mỹ và ASEAN ở vịnh Thái Lan.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 4/9/2019 của Hải quân Mỹ: tàu USS Montgomery trong cuộc tập trận giữa Mỹ và ASEAN ở vịnh Thái Lan.
AFP
Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Biển Đông-Thạc sĩ Hoàng Việt, vào tối ngày 13/2, lên tiếng rằng văn bản mới nhất trả lời cử tri thành phố Đà Nẵng của Bộ Quốc phòng cho thấy những dấu hiệu tích cực từ Chính phủ Việt Nam:

“Nói chung vấn đề ở Biển Đông thì quan trọng không chỉ là phía Việt Nam. Nếu như Trung Quốc cứ tiếp tục gây căng thẳng thì sẽ đến lúc Việt Nam phải khởi khiện thôi. Bởi vì Việt Nam có một vũ khí cuối cùng là khởi kiện. Do đó, tôi nghĩ rằng nếu mà hai bên, đặc biệt Trung Quốc không kiềm chế những hành động hung hăng tiếp tục trên Biển Đông như vậy thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ phải mời Trung Quốc ra tòa án quốc tế.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng bày tỏ quan điểm tương đồng với Thạc sĩ Hoàng Việt qua ghi nhận của ông:

“Chính sách của Chính phủ Việt Nam đúng là khá rõ ràng. Từ đó đến giờ cứ bàn luận mãi với phía Trung Quốc nhưng không giải quyết được nên cuối cùng thì cũng phải đưa nhau ra một chỗ nào đấy để giúp xử lý tranh chấp này. Và xử lý tranh chấp thì có những tòa án hoặc gọi là những tòa trọng tài. Thế thì chiều hướng này ngày càng thấy rõ vì hồi tháng 11 năm ngoái Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã tuyên bố rõ rằng nếu không xử lý được bằng việc đàm phán với Trung Quốc thông qua cả song phương và đa phương thì sẽ phải dùng tới biện pháp pháp lý, tức là đưa ra tòa. Theo tôi nghĩ việc đưa ra tòa chưa biết ngày nào, nhưng cũng sắp sửa rồi vì thấy họ có chuẩn bị.”

Nói chung vấn đề ở Biển Đông thì quan trọng không chỉ là phía Việt Nam. Nếu như Trung Quốc cứ tiếp tục gây căng thẳng thì sẽ đến lúc Việt Nam phải khởi khiện thôi. Bởi vì Việt Nam có một vũ khí cuối cùng là khởi kiện. Do đó, tôi nghĩ rằng nếu mà hai bên, đặc biệt Trung Quốc không kiềm chế những hành động hung hăng tiếp tục trên Biển Đông như vậy thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ phải mời Trung Quốc ra tòa án quốc tế
-Thạc sĩ Hòang Việt

Từ Canada, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng Việt Nam ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trên trường quốc tế. Luật sư Vũ Đức Khanh trưng dẫn hai Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vừa được Nghị viện Châu Âu thông qua hôm 12/2. Theo ông này đó là một minh chứng cho nhận định của mình. Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng trong 30 năm Việt Nam bang giao với Liên minh Châu Âu (EU), Châu Âu thực hiện chính sách hợp tác tiếp cận và đối thoại. Theo chính sách đó Việt Nam có thể tiệm tiến càng ngày càng hội nhập được với cộng đồng của thế giới. Qua hai Hiệp định mới nhất EVFTA và EVIPA cho thấy:

“Âu Châu có một sự nhận thức rằng Châu Á Thái Bình Dương càng ngày đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh hợp tác toàn diện trên quốc tế. Thứ hai nữa, Âu Châu ý thức được rằng vai trò ngày càng lớn mạnh và sự trỗi dậy của Trung Quốc không đảm bảo được một trật tự thế giới mới và Âu Châu nhìn thấy Việt Nam như là một đối tác tìm năng có đầy đủ những tiêu chuẩn và yếu tố để có thể làm đối trọng lại với Trung Quốc.”

Luật sư Vũ Đức Khanh nói với RFA rằng ông gọi nôm na bằng một từ ngữ bình dân là “Việt Nam được chống lưng” qua chính sách “chuyển trục” của Hà Nội với các hiệp định ký kết với Châu Âu, với các quốc gia thế giới như CPTPP và nâng tầm hợp tác với Hoa Kỳ. Do đó, Luật sư Vũ Đức Khanh khẳng định năm 2020 là một năm bản lề quyết định tình hình của Việt Nam trong vòng 5 năm hay cho đến 10 năm tới. Ông cũng tin rằng Chính phủ Hà Nội sẽ phải có những thay đổi nhất định về mặt chiến lược và chiến thuật, đặc biệt đối với Trung Quốc thông qua Đại hội Đảng XIII.

Các nhà quan sát tình hình Việt Nam Đài RFA tiếp xúc đều tiên liệu Việt Nam cần dự trù những biến động ở Biển Đông trong tương lai gần và tình huống xấu nhất có thể sẽ xảy ra xung đột quân sự mà Trung Quốc sẽ là phía khiêu chiến.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.