Tuyển Việt Nam 'mong manh' vì chấn thương

  • Phan Ngọc
  • Gửi đến BBC từ TP HCM
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

HLV Park Hang-seo vừa phải đón nhận tin không vui khi hậu vệ Văn Hậu tái phát chấn thương đầu gối ngay trước thềm đợt tập trung đầu tiên và cũng là duy nhất của đội tuyển trong năm 2020.

Trước đó, ông Park cũng không thể triệu tập Duy Mạnh và Đình Trọng vì chưa bình phục chấn thương.

Giờ đây với thêm chấn thương của Văn Hậu, không quá khi nói chúng ta đã gần như mất nguyên hàng phòng ngự trong đợt tập trung này bởi ba cái tên kể trên luôn là những lựa chọn hàng đầu nếu họ khỏe mạnh.

Chấn thương tàn phá lứa Thường Châu

Trở lại với trận chung kết U23 châu Á năm 2018, hôm ấy U23 Việt Nam ra sân với hàng phòng ngự 5 người gồm: Xuân Mạnh, Tiến Dũng, Đình Trọng, Duy Mạnh và Văn Thanh.

5 cái tên kể trên cùng Văn Hậu (dính chấn thương sau vòng bảng) đã tạo thành một bức tường vững chãi trước khung thành thủ môn Tiến Dũng để góp công lớn trong hành trình kỳ diệu trên đất Trung Quốc.

Nhiều người tại thời điểm đó đã tin rằng ông Park sẽ bê nguyên hàng thủ U23 ấy lên đội tuyển quốc gia bởi cái "tài không đợi tuổi" của họ.

Gần ba năm trôi qua, hãy xem bản danh sách của đội tuyển Việt Nam cho đợt tập trung ngày 6.12 sau chấn thương của Văn Hậu còn những ai trong hàng phòng ngự năm ấy.

Câu trả lời là ba người Xuân Mạnh, Văn Thanh và Tiến Dũng, trong đó mỗi Tiến Dũng chắc suất đá chính, còn Xuân Mạnh cùng Văn Thanh nhiều khả năng chỉ sắm vai kép phụ.

Điều trớ trêu là Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh vắng bóng trên tuyển không phải vì lý do chuyên môn, Xuân Mạnh cùng Văn Thanh cũng không tự nhiên tụt phong độ để giờ chỉ sắm vai kép phụ, tất cả đều là nạn nhân của cơn bão chấn thương đã tàn phá không riêng hàng phòng ngự mà gần như nguyên đội hình chính của lứa U23 Thường Châu, mà éo le thay đó toàn là những chấn thương nặng.

Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Trường, Văn Đức và Văn Thanh đều dính dạng chấn thương nặng nhất sự nghiệp cầu thủ là đứt dây chằng đầu gối, nhẹ hơn như Phạm Xuân Mạnh bị vỡ xương mác và đứt dây chằng cổ chân thì cũng bỏ cả mùa giải 2019, hay như Đoàn Văn Hậu dù "chỉ" mất ít nhất ba tháng đề hồi phục nhưng lại là dạng chấn thương dai dẳng và dễ tái phát.

Đoàn Văn Hậu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đoàn Văn Hậu tái phát chấn thương đầu gối

Chấn thương đến từ đâu?

Một hay hai người cùng dính chấn thương nặng thì còn có thể đổ lỗi cho xui rủi, nhưng 6/11 cầu thủ cùng ra sân trong đội hình xuất phát tại trận chung kết U23 châu Á 2018 cùng dính chấn thương nặng, trong đó có tới 5 người bị đứt dây chằng đầu gối thì câu chuyện hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên nữa.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên thực tế đã được cảnh báo và mổ xẻ từ lâu chính là sự quá tải.

Những con số thống kê cho thấy các ngôi sao lớn nhất trong lứa U23 Thường Châu như Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh hay Phan Văn Đức đã phải thi đấu trung bình xấp xỉ 40 trận trong năm 2018, cá biệt như trường hợp của Đỗ Duy Mạnh từ giải U23 châu Á 2018 cho đến khi dính chấn thương đầu năm nay đã phải thi đấu gần 100 trận cho cả CLB Hà Nội và các cấp độ đội tuyển.

Bên cạnh khả năng chuyên môn và áp lực thành tích, rất dễ nhận thấy giá trị hình ảnh của các tuyển thủ sau kỳ tích Thường Châu khiến CLB chủ quản muốn cầu thủ ra sân nhiều nhất có thể để bán vé, bất kể họ không hoàn toàn sẵn sàng, đó là trường hợp của Đình Trọng hay Văn Đức, những người chưa bình phục chấn thương đã phải ra sân để rồi chấn thương càng nghiêm trọng hơn.

Với trường hợp của Đình Trọng, HLV Chu Đình Nghiêm từng công khai phàn nàn việc sử dụng Đình Trọng ở giải U23 châu Á 2020 của ban huấn luyện U23 Việt Nam khiến chấn thương của cầu thủ này càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nghiêm không sai khi mật độ thi đấu dày đặc ở cấp đội tuyển là một phần nguyên nhân khiến không chỉ Đình Trọng mà các đồng đội khác cũng dính chấn thương.

Tuy nhiên, các CLB không thể vô can trong câu chuyện chấn thương của cầu thủ khi luôn có một độ hẫng nhất định trong chế độ tập luyện giữa CLB và đội tuyển, hay nói cách khác việc huấn luyện thể lực ở các CLB chưa được coi trọng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới chấn thương cho cầu thủ.

Huấn luyện viên Park Hang-seo

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Huấn luyện viên Park Hang-seo

Ở một khía cạnh khác, việc nhiều tuyển thủ lứa Thường Châu dính chấn thương nặng và đánh mất phong độ được truyền thông và dư luận đặc biệt mổ xẻ cũng phơi bày thực trạng đào tạo trẻ trồi sụt ở Việt Nam, khiến các tài năng không được ra lò liên tục, dẫn tới trách nhiệm được đặt trên vai một nhóm cầu thủ để rồi đến một lúc nào đó họ kiệt sức không thể gánh vác được nữa.

Thầy Park phải thay đổi

Việc mất nguyên bộ khung hàng phòng ngự sẽ buộc HLV Park Hang-seo phải tích cực thử nghiệm và tính đến những sự thay đổi ở đợt tập trung lần này.

Chiến lược gia người Hàn Quốc vốn phải nhận không ít sự chỉ trích vì gần như rất ít khi thay đổi bộ khung chính đội tuyển bất chấp V-League liên tục trình làng những cái tên mới mẻ và đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, những đòi hỏi làm mới đội tuyển chủ yếu nhằm vào hàng tiền vệ và hàng công chứ không phải là hàng phòng ngự, một mặt vì đó là điểm tựa chiến thắng trong triết lý của ông Park, một mặt bóng đá Việt Nam cũng không có nhiều cái tên tiềm năng ở hàng phòng ngự đủ sức thay thế Đình Trọng, Duy Mạnh hay Văn Hậu.

Nếu người nhiều khả năng được chọn thay thế Duy Mạnh là Thành Chung có thể đạt mức tròn vai thì vị trí mang đến nhiều sự lo ngại nhất là chỗ của Văn Hậu.

Bản danh sách ban đầu của ông Park có tới 5 hậu vệ trái, giờ Văn Hậu chấn thương vẫn còn tới 4, tuy nhiên sự đảm bảo về lượng đó không thể đưa đến sự đảm bảo về chất.

Xuân Mạnh chỉ mới có lần đầu trở lại đội tuyển sau hai năm, Hồng Duy là người sắm vai dự bị quen thuộc cho Văn Hậu thời gian qua thì thể hiện phong độ tồi tệ trong màu áo HAGL, trong khi đó Ngọc Đức và Xuân Cường mới có lần đầu tiên lên tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo.

Đó sẽ là một cơn đau đầu không hề dễ chịu cho ông Park nhưng đồng thời cũng là bài test cần thiết để chiến lược gia người Hàn Quốc bước ra khỏi vùng an toàn của mình.