Huy động vốn trong dân, không dễ…

RFA
2019.11.12
000_Hkg5704496 Ảnh minh họa.
AFP

Tại buổi thảo luận của Quốc hội hôm 11/11 về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nguồn lực kinh tế trong dân còn rất lớn, cần có luật bảo vệ quyền tài sản thì người dân mới dám bỏ vốn ra đầu tư, đó là nhận định của người đứng đầu chính phủ -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sử dụng nguồn vốn như thế nào?

Theo như nhận xét đó rõ ràng chính phủ Việt Nam biết rằng chỉ Hiến pháp không thì không đủ để bảo vệ quyền sở hữu, tài sản, quyền công dân mà phải cần có luật pháp cụ thể thì nhà đầu tư mới tham gia trong các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nhìn nhận từ thực tế, chuyên gia kinh tế tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích: “Hiện nay nguồn lực nhà nước thì có hạn mà cái nhu cầu phát triển thì rất là lớn về hạ tầng cơ sở nên bây giờ đòi hỏi cần phải ra một luật công -tư mà nói thẳng ra mục tiêu của luật này là nhà nước chia sẻ rủi ro với tư nhân đó là điều quan trọng. Từ trước đến nay nếu không có cơ chế đó thì nhà đầu tư cũng hơi ngại tư nhân nên chính vì vậy luật đầu tư công -tư nhằm giải quyết những vấn đề đó.”

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho hay: tại VN hầu như ai cũng biết đã kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro mà khu vực tư nhân còn lớn hơn nhiều so với khu vực nhà nước, mặc dù nhà nước có đổ bể làm sao thì cũng có nhà nước đỡ. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm:

“…đừng nghĩ rằng vốn trong dân còn nhiều là có thể huy động được, được hay không phải có niềm tin, niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế VN, ổn định đảm bảo luật pháp chính sách. Lâu nay ai cũng biết nhiều trường hợp bị thay đổi bất chợt hay có luật đó nhưng việc thi hành luật lại không được đầy đủ thậm chí vi phạm pháp luật… cũng được xã hội nói rất nhiều rồi. Những người làm kinh doanh còn bị dính vào phần đó huống chi là những người không làm kinh doanh mà chỉ có phần vốn của mình, dám bỏ vào những cuộc chơi như vậy là khó rồi. Nên có tiền trong dân nhưng huy động như thế nào là một chuyện khác.”

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn cho biết thêm, đối với nhà nước việc huy động vốn là điều khó vì người dân chỉ dám bỏ vốn vào ngân hàng thay vì đầu tư vào các kênh khác. Tại sao như vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vì ngoài việc chính phủ chưa tạo niềm tin trong dân về sự ổn định kinh tế thì Chính phủ còn không chứng tỏ được việc chính phủ/nhà nước có thể sử dụng đồng vốn của dân một cách có hiệu quả hay không, nghĩa là vốn tạo lời chứ không phải “muối bỏ biển”…

“Chứ còn dân thì chỉ huy động theo kiểu phong trào ví dụ như mua trái phiếu cho giáo dục, mua theo số lượng nhỏ vào đó thôi và gần như ai cũng tham gia vào một chút thế thôi, chứ bảo nhà nước đứng ra huy động nguồn vốn lớn của dân vào các dự án lớn của nhà nước thì khó lắm. Vì người ta không có cơ sở để tin liệu các cơ quan nhà nước có sử dụng nguồn vốn của họ một cách có hiệu quả hay không.”

Đứng ở góc độ phân tích về mặt tài chính, chuyên gia tài chính ngân hàng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm rằng việc đầu tư công hay đầu tư tư nhân như đã nói là đầu tư thì lời ăn lỗ chịu và chắc chắn phải có sự rủi ro, còn không muốn đầu tư mà chỉ gửi tiền vào ngân hàng thì đó không phải gọi là đầu tư;

“…khi đó luật pháp không thể bảo vệ được cái lợi nhuận mà chỉ bảo vệ được cái tài sản được sử dụng theo đúng pháp luật tức là họ tạo ra một khuôn khổ để tài sản của họ được bảo vệ nên việc đầu tư lời hay không lời, mất vốn hay không thì tùy vào từng dự án và chính phủ không can thiệp vào chuyện đó, đó là đầu tư cá nhân còn nếu đầu tư công thì nó có rất nhiều chương trình và phải theo những quy định của luật đấu thầu và quy định của đầu tư công, trong tất cả mọi chuyện thì đầu tư là có rủi ro nên luật pháp không đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư mà họ đảm bảo hành lang pháp lý để nhà đầu tư an toàn.”

Thêm luật, nhà đầu tư yên tâm?

Cũng tại thảo luận Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng, đến nay Đảng và Nhà nước đều nhận thức sự cần thiết phải xã hội hóa nhưng các nhà đầu tư đều đặt vấn đề cho rằng “Các ông muốn chúng tôi đầu tư, vậy có luật pháp gì không? Các nhà đầu tư họ tin luật, không tin nghị định. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư” (thủ tướng nhấn mạnh tại buổi thảo luận).

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải hạ xuống, và đưa vai trò tư nhân lên cao hơn trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công. Vì thế, luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển là một hướng đi hết sức cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra băn khoăn với điều này khi ông cho rằng:

“…bởi vì trong kinh doanh, quản lý đất nước chính phủ cũng không cần ra quốc hội họ có quyền và được ủy quyền để đưa ra những sắc lệnh, nghị định, quy định cho nó hợp mỗi trường hợp và hoàn cảnh…còn những bộ khung luật hoặc luật ở mức cao nhất thì phải đưa ra quốc hội nên thành ra các nhà đầu tư đòi hỏi phải đưa ra thành luật cả thì không có một quốc gia nào hoạt động được vì vấn đề đưa ra quốc hội, trình thảo luật đưa qua tất cả ủy ban quốc hội rồi quốc hội biểu quyết thì mới thành luật thì những luật như thế rất tốn thời gian và không phù hợp với từng điều kiện và thời điểm.”

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì Luật đầu tư theo phương thức đối tác công-tư là điều cần thiết vì nếu không có luật như vây thì khu vực tư nhân khó tham gia vào những dự án mang tính chất công mà nhà nước chia sẻ ra cho xã hội.

“Giai đoạn hiện nay VN không còn tiếp cận với những nguồn vốn ODA giá rẻ thuận lợi như trước nữa kể từ khi trở thành nước có thu nhập trung bình, giá vốn ODA cao hơn nhiều lần mà cũng không dễ dàng tiếp cận nên huy động vốn từ tư nhân là đúng. Khu vực tư nhân VN có đủ khả năng tham gia vào được nhưng phải có luật để đảm bảo họ tham gia trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và luật pháp phải hết sức rõ ràng, đảm bảo quyền tài sản cho họ, bảo đảm quyền kinh doanh, một khi mà nhà nước đã ký kết, cam kết với họ tham gia vào các dự án như vậy.”

Tuy nhiên bà Lan khẳng định luật là điều cần thiết nhưng có luật rồi phải xem từng điều khoản kỹ trong luật, làm sao có thể tránh kẻ hở làm cho các lợi ích nhóm lẻ xen vào; đồng thời bà cũng cân nhắc việc thi hành là điều quan trọng không kém và nên có hệ thống giám sát của người dân cũng như các tổ chức ngoài nhà nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.