Thủ tướng Đức lưỡng lự trong việc gửi xe tăng cho Ukraine

  • Damien McGuinness
  • Phóng viên BBC ở Berlin
Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sự lưỡng lự trong việc gửi vũ khí hạng nặng để Ukraine chống lại Nga

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì lưỡng lự trong việc gửi vũ khí hạng nặng để Ukraine chống lại Nga

"Đồ nói dối! Kẻ gây chiến!" đám đông giận dữ la hét khi Thủ tướng Olaf Scholz bước lên sân khấu. Các thành viên công đoàn tóc bạc cầm những tấm bảng ghi "không vũ khí, không chiến tranh".

Thông thường, một cuộc biểu tình về quyền của người lao động ở Düsseldorf sẽ là một sự kiện thân thiện với vị thủ tướng từ đảng Dân chủ Xã hội trung tả, nhưng lần này, các nhà hoạt động cánh tả đã phẫn nộ khi chính quyền của ông Scholz đang gửi vũ khí tới Ukraine.

"Thật bất nhẫn khi nói với người Ukraine rằng họ nên tự bảo vệ mình trước sự hung hăng của Putin", ông Scholz hò hét lại, cố gắng để giọng của ông được nghe thấy trong những tiếng la ó.

Tuy nhiên, các thành viên công đoàn Đức này chỉ là thiểu số. Trong và ngoài nước, ông Scholz đã bị chỉ trích vì không gửi đủ vũ khí cho Ukraine.

Thất hứa

Các chính trị gia hàng đầu trên khắp nước Đức cáo buộc ông Scholz đã hành xử như một cái phanh trong việc giao vũ khí.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cáo buộc Berlin thất hứa, nói rằng các xe tăng Leopard hiện đại của Đức, mà Berlin hứa sẽ gửi tới Ukraine để thay thế cho các xe tăng từ thời Liên Xô, vẫn chưa tới.

"Nếu chúng tôi được đồng minh Đức hỗ trợ xe tăng để thay thế cho những chiếc xe tăng mà chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine, chúng tôi sẽ rất biết ơn. Chúng tôi đã có một lời hứa như vậy. Chúng tôi nghe nói Đức không sẵn sàng thực hiện [lời hứa đó]," Tổng thống Andrzej Duda nói.

Trên trường quốc tế, nhiều quốc gia cho rằng Đức không muốn trang bị vũ khí cho Ukraine.

"Tôi không hiểu tại sao việc đó lại phức tạp như vậy", một ngoại trưởng Ukraine bày tỏ sự thất vọng trong tuần này. Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dùng mạng xã hội để kêu gọi các hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS).

Bỏ qua Twitter tin, 1
Cho phép hiện nội dung từ Twitter?

Twitter. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Twitter trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.

Cuối Twitter tin, 1

1px transparent line

Trên thực tế, Berlin đang cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí; không nhiều như Mỹ, nhưng có thể so sánh với các nước châu Âu khác. Các chuyên gia cho rằng Đức xếp ở giữa trong số những nước viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Quốc hội Đức đã bỏ phiếu ủng hộ áp đảo việc cung cấp vũ khí hạng nặng. Hầu hết các chính trị gia và hầu như tất cả các đảng đều ủng hộ động thái này, bao gồm cả đảng Dân chủ Xã hội SPD của Thủ tướng Olaf Scholz, các đối tác liên minh của ông, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ FDP, cũng như phe đối lập bảo thủ.

Đảng cực hữu AfD và Đảng cực tả Die Linke là những bên duy nhất phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Cả hai Đảng này đều đang gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò và bị rạn nứt bởi các cuộc tranh cãi nội bộ.

Đã có những phản đối về việc giao vũ khí cho Ukraine trong các cuộc tranh luận trên truyền thông, chẳng hạn như một bức thư công khai được viết bởi một số học giả và nhân vật truyền thông. Nhưng không ai trong số những người ký tên có ảnh hưởng về chính trị, và rất ít người có hiểu biết sâu về Nga hoặc Ukraine.

'Putin không được thắng'

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận trong Quốc hội, ông Scholz vẫn tỏ ra do dự.

Trong các bài phát biểu, ông lặp đi lặp lại các cụm từ như "Putin không được giành chiến thắng, Ukraine phải tồn tại". Không hiểu sao Thủ tướng Đức không bao giờ nói về việc Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến.

Những người lính Bundeswehr của lực lượng vũ trang Đức

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Quân đội Đức huấn luyện các binh sỹ Ukraine trên chiếc Panzerhaubitze 2000

Không như nhiều chính trị gia hàng đầu của Đức, ông Scholz vẫn chưa đến thăm Kyiv kể từ khi Nga xâm lược, cho rằng việc đi "chụp ảnh" là vô nghĩa.

Điều này đã gây ra sự phẫn nộ ở Đức, khi những bức ảnh ông Scholz bắt tay với nhiều chức sắc khác nhau trên khắp thế giới được chia sẻ trên mạng xã hội, rõ ràng là để chụp ảnh.

Một mặt, ông Scholz cam kết hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine. Mặt khác, hội đồng an ninh do ông đứng đầu vẫn chưa ký yêu cầu cung cấp xe tăng Leopard hoặc Marder hiện đại mà các nhà cung cấp cho biết họ có thể gửi và phía Ukraine mong muốn.

'Có phải vì đảng của ông ấy?'

Tuần này, bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Quốc hội và chuyên gia quốc phòng của Đảng Dân chủ tự do FDP, một đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz, nói không thể chấp nhận việc thế giới coi Đức đã trì hoãn việc tiếp viện quân sự cho Ukraine "đơn giản là chỉ vì chúng tôi không có khả năng giao tiếp thích đáng và tự tổ chức".

Bà muốn có một danh sách minh bạch về những gì Đức đang cung cấp cho Ukraine và hợp tác tốt hơn, nói rằng vị thủ tướng "có thể dùng tất cả mọi ảnh hưởng để đạt được mục đích" trong việc giao vũ khí. "Tôi đang cố gắng hiểu tại sao ông ấy không làm vậy. Là do thiếu lòng tin hay vì đảng của ông ấy?"

Chắc chắn trong các cuộc thăm dò, các cử tri Đảng Dân chủ Xã hội là một trong số những người có nhiều khả năng phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Đảng SPD theo truyền thống tin rằng hòa bình ở châu Âu chỉ có thể đạt được bằng cách hợp tác, chứ không phải chống lại Moscow. Một số nhân vật có ảnh hưởng trong đảng này muốn tập trung vào một thỏa thuận hòa bình với Vladimir Putin và tin rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine có thể khiến xung đột leo thang.

Những người biểu tình hôm 27/05 đã thúc giục ông Scholz vũ trang cho Ukraine ngay lập tức

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Những người biểu tình hôm 27/05 đã thúc giục ông Scholz vũ trang cho Ukraine ngay lập tức

Nhìn chung, phản ứng của dự luận bị chia rẽ, kích động và có thể thay đổi:

  • Một cuộc thăm dò vào tháng 3 cho thấy 63% phản đối việc trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine và chỉ 31% ủng hộ
  • Cuộc thăm dò tương tự vào tháng 4 cho kết quả ngược lại, với 56% ủng hộ giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine và 39% phản đối
  • Vào đầu tháng 5, trong một cuộc khảo sát khác, chỉ có 46% ủng hộ.

Dù thế nào thì mọi người cũng lúng túng.

Cho đến gần đây, Thủ tướng Scholz cho biết việc gửi xe tăng cho Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc leo thang và dù sao thì Đức cũng không có đủ xe tăng để gửi đi.

Sau đó, ông Scholz nói xe tăng có thể được gửi đến Ba Lan, nhưng những chiếc xe này dường như chưa đến nơi và cũng không rõ thỏa thuận là gì.

Giờ đây, thông điệp lại là Berlin đang gửi những chiếc xe tăng phòng thủ Gepard trực tiếp tới Ukraine, chứ không phải là xe tăng tấn công Leopard hoặc Marder, vì một thỏa thuận được cho là không chính thức với Nato.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (bên phải) đã đến thăm Ukraine nhưng Thủ tướng Scholz vẫn chưa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (bên phải) đã đến thăm Ukraine nhưng Thủ tướng Scholz vẫn chưa

Các quốc gia khác dường như không có nhiều phản ứng dư luận như vậy về việc giao vũ khí cho Ukraine.

Nhưng sự thiếu minh bạch đang làm tăng lo lắng và giảm bớt niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông Scholz. Xếp hạng của ông đang giảm và đảng SPD của ông đã thua hai cuộc bầu cử cấp bang lớn trong tháng trước.

Mục đích của ông dường như là một trung gian hòa giải thỏa hiệp để tránh leo thang, điều có thể hiểu được trong bối cảnh nước Đức tham gia vào các cuộc chiến khốc liệt trong thế kỷ 20. Nhưng điều nguy hiểm là bằng cách cố gắng giữ cho tất cả mọi người vui, ông Scholz không làm ai hài lòng - nhất là Ukraine.