Vì sao Anh vượt ngưỡng 100 ngàn người tử vong do Covid-19?

  • Hà Mi
  • Gửi tới BBC từ London
Doses of the Oxford-AstraZeneca Covid-19 vaccine are logged after they arrive at the Princess Royal Hospital in Haywards Heath, West Sussex, on 2 January 2021

Nguồn hình ảnh, Reuters

Thế là năm này vì Covid không về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình được, một điều vợ chồng tôi vẫn thường làm mười mấy năm qua.

Buồn không chỉ vì không được về thăm gia đình và bạn bè, nhất là còn mẹ già mong ngóng, mà còn vì trước tới nay chúng tôi những người sống tại Anh thường lo lắng, căn dặn người nhà ở Việt Nam phải bảo trọng khi này khi khác thì nay mình lại trở thành nỗi lo của gia đình, bạn bè từ Việt Nam trước tình hình Covid lan tràn đáng sợ tại Anh!

Con số tử vong do Covid tại nước này đã vượt qua ngưỡng 100.000 người tính tới ngày 26/1/2021 (tính số người chết trong vòng 28 ngày sau khi nhiễm Covid). Nhưng nếu nếu tính theo giấy báo tử có dính chữ "Covid" thì con số này là trên 104 ngàn người!

Như vậy Anh có con số tử vong cao nhất châu Âu và thứ 5 trên thế giới (sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico).

Thế nhưng tỷ lệ tử vong tính theo đầu người (per capita) tức trên tổng dân số (Anh có dân số trên 66 triệu) thì theo số liệu trên của Đại học Johns Hopkins, Anh đứng thứ tư trên thế giới (sau San Marino, Bỉ và Slovenia) với tỉ lệ 148,8/100 ngàn dân.

coronavirus

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trong khi con số này của Việt Nam hiện nay là 0,04/100 ngàn dân, tương đương với Tanzania, thua Đài Loan (0,03/100 ngàn) và Eritrea (con số quá nhỏ gần bằng 0) - nước có tỉ lệ tử vong thấp nhất thế giới!

Chả thế mà gần đây nay tôi nhận tin nhắn của người thân, không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các nước ít ảnh hưởng của Covid, hỏi thăm "cả nhà bên Anh có ổn không", mai lại nhận cuộc gọi nhắc "đừng có ra đường nhé" khi tôi đăng ảnh trên Facebook đi bộ thể dục ngoài phố, và kèm theo là không ít những câu hỏi như: "Sao Anh là cường quốc, kinh tế mạnh, khoa học gia giỏi mà phòng chống dịch tệ thế? với: "Ơ, thế trẻ con và sinh viên vẫn đi học à?", rồi thì: "Vẫn cho nhập cảnh vào Anh và vào vẫn không cần xét nghiệm Covid âm tính à?" v.v.

Theo con số thống kê của các khoa học gia ĐH Oxford (Our World in Data) thì trong vài tuần qua, Anh Quốc có tỷ lệ tử vong tính trên đầu người cao nhất thế giới: cứ 1 triệu người thì có 16 người chết mỗi ngày vì Covid.

Điều này khiến đặt ra một số câu hỏi: Chính phủ Anh đã có phản ứng kịp thời hay chưa trước đại dịch.

Chụp lại video, Vì sao vaccine Covid-19 được làm ra nhanh chóng?

Có lẽ nhiều người nay cho rằng tình trạng Anh bị Covid nặng như vậy là do phản ứng quá chậm của chính phủ trong việc thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, v.v.. Một thực tế là các nước phòng chống Covid có hiệu quả nhất, trong đó có Việt Nam, là những nước thực hiện việc này ngay lập tức và triệt để.

Chính phủ Anh cũng bị cho là đã chậm chễ khi quyết định phong toả khiến lây nhiễm lan rộng và khó kiểm soát, trong cả đợt cao điểm hồi đầu năm 2020 (mãi tháng 3 Anh mới thực hiện phong toả) và đợt cao điểm cuối năm 2020 (tháng 11 mới phong toả trong khi các khoa học gia khuyến cáo phong toả từ tháng 9).

Giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Anh Quốc đã không thực hiện được việc xét nghiệm đại trà do thiếu thuốc dùng cho xét nghiệm, do không đủ phòng xét nghiệm v.v. (tuy nhiên việc xét nghiệm nay đã rất dễ dàng), và cho đến bây giờ tôi cho là việc truy tìm và cách ly người bị Covid dương tính và những người có tiếp xúc với họ vẫn chưa có hiệu quả tại Anh, điều mà Việt nam và nhiều nước châu Á đã làm rất tốt, và nhờ vậy đã thành công trong việc chặn được dịch bệnh lan tràn tại các nước này.

Khi tôi kể về việc ở Việt Nam từ F0 (người bị Covid dương tính là nguồn lây nhiễm) tới F5/F6 (những người có tiếp xúc với nguồn bệnh) đều phải cách ly có kiểm soát, bạn bè tại Anh mắt tròn mắt dẹt, một điều không thể làm được tại nước này (vì nhiều lý do: thiếu test lúc ban đầu như nói ở trên, không có biện pháp và không thể truy lần suốt quá trình tiếp xúc của nguồn bệnh và dây chuyền vì không thể quản lý người theo kiểu như Việt Nam, chưa kể quyền bảo mật tình trạng y tế cá nhân, v.v. và v.v.)

Người ta cũng đặt câu hỏi về kế hoạch chuẩn bị trước đại dịch của chính phủ liệu đã có hiệu quả hay chưa?

Không phải ai trong nhóm cư dân cao tuổi, trên 80, cũng được tiêm ngay năm nay.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những nước từng bị dịch SARS hồi năm 2003 đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc phản ứng quyết liệt và tức thời khi dịch bệnh bùng nổ và họ đã chuẩn bị sẵn sàng phòng khi những dịch bệnh tương tự bùng phát. Tương tự các nước đã từng bị dịch Ebola cũng vậy.

Điều trớ trêu là Anh Quốc là nước trợ giúp cho các nước này cả về chuyên môn lẫn tài chính giúp họ đề phòng trước các dịch bệnh khác có thể bùng phát, nhưng nói như giáo sư Sophie Harman của trường Queen Mary, thuộc ĐH London University thì Anh "lại không nghe và làm theo lời khuyên của chính mình"!

Nhớ lại giai đoạn đầu, khi bạn bè từ Việt Nam thắc mắc sao Anh lại xét nghiệm được ít và chậm thế trong khi nhiều nước khác làm rất tốt, và họ đã rất ngạc nhiên khi biết nguyên nhân khi đó một phần là do Anh thiếu một trong mấy loại hoá chất dùng cho việc làm xét nghiệm Covid! Chưa kể nhân viên y tế tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão kêu oai oái vì thiếu trang thiết bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang, áo choàng nylon và mặt nạ chống giọt bắn, những thứ có thể sản xuất rất nhanh, rẻ, không cần kỹ thuật cao siêu gì. Nó phần nào cho thấy sự thiếu chuẩn bị phòng dịch, điều mà Anh từng chỉ dẫn cho các nước khác!

Một câu hỏi nữa được đặt ra về quyết định của chính phủ Anh không đóng cửa biên giới.

Chính bản thân tôi và nhiều bạn bè tại Anh đã rất bức xúc từ lâu đó là việc Ạnh đã vẫn mở cửa biên giới nhưng không có các biện pháp nhất định kiểm soát người vào Anh nhằm giảm thiểu nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào - một điều vốn được giới khoa học Anh và chính Bộ trưởng Nội vụ Anh khuyến cáo từ tháng 4 năm 2020.

Nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa biên giới bất chấp khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) không cần làm như vậy. Việt Nam là một ví dụ. Ngay từ đầu Việt nam đã làm rất chặt chẽ cả việc đóng cửa biên giới lẫn việc cách ly tập trung người từ nước ngoài về.

Việc gia đình tôi không về Việt Nam ăn Tết năm nay ngoài lý do chính phủ Việt nam không/chưa có chính sách cho Việt kiều nhập cảnh, nhưng một phần cũng vì nghĩ tới viễn cảnh hai vợ chồng già nhìn nhau 24/24 giờ suốt 14 ngày trong bốn bức tường nơi cách ly mà ngao ngán!

Mãi cách đây hơn chục ngày Anh mới bắt đầu thực hiện việc yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm Covid âm tính 72 giờ trước khi vào Anh (trong khi các nước khác đòi hỏi khách từ Anh phải có xét nghiệm Covid âm tính trước 48 giờ mới được lên máy bay vào nước họ từ cách đây hàng tháng!)

Việc thay đổi chính sách này được chính phủ Anh thích giải là trước đây không làm nhưng nay làm vì cần chặn biến thể virus từ Brazil và Nam Phi xâm nhập vào Anh do hai biến thể này được cho là không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn có thể gây tử vong cao hơn! Thế nhưng không giống Việt Nam, việc người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly tập trung tại khách sạn 2 tuần, thì đến giờ vẫn mới đang được bàn và hiện thời vẫn chỉ yêu cầu tự cách ly 10 ngày tại gia mà thôi.

A woman wearing a face mask sunbathes on the beach amid the novel coronavirus pandemic in California, 25 April 2020

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Những cách tăng giãn cách xã hội tại bãi biển có thể bao gồm việc tách rời người tắm bằng tấm mica

Ngoài ra cũng cần nói tới một số nguyên nhân khách quan được cho là đã góp phần dẫn đến con số lây nhiễm và tử vong cao tại Anh, bao gồm:

- Anh là nước có mật độ dân khá cao lại đa sắc tộc, nhất là tại London

- Nền y tế công của Anh bị cho kém so với các nước châu Âu với con số người béo phì cao

- Anh là nước nằm trong số các quốc gia có dân số già (tuổi trung bình cao) và tỷ lệ tử vong do Covid khá cao ở người cao tuổi

- Anh là trung tâm giao thương toàn cầu, có lượng người ra vào Anh rất lớn (rất nhiều năm sân bay Heathrow từng là sân bay có tần số máy bay lên xuống cao nhất thế giới).

Những lý do này đã góp phần thêm vào khiến Anh Quốc chịu trận thê thảm vì Covid và đưa con số tử vong lên tới hơn 100 ngàn người tính tới ngày 26/1, một năm sau khi virus này xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Nhìn ảnh bạn bè gửi cho thấy cảnh Noel đông vui như hội tại Việt Nam, có người hỏi tôi là "Thế người Việt Nam không sợ Covid à?" và họ đã rất ngạc nhiên khi biết trẻ em nay đi học lại bình thường, nhưng đó là sau khi các cháu đã nghỉ hàng tháng trời sau Tết ta năm ngoái, và người người đi làm, đi du lịch như trước đi đại dịch bùng phát!

Vaccine researcher
Chụp lại hình ảnh, Vaccine ngừa virus hoạt động thế nào?

Thế là hễ có ai hỏi, tôi lại nói đùa: "Tết này em không về" để phần nào giảm nhẹ tâm lý cho mình và cho người thân, và tự an ủi rằng thấy gia đình, bạn bè ở Việt Nam được bình yên cũng là niềm vui lớn cho mình rồi. Có lẽ lúc này một niềm vui nhỏ duy nhất nữa phần nào giúp tôi có thể "tự hào" về nơi mình đang sống là khi được hỏi về thành tích tiêm chủng vaccines Covid tại Anh!

Cho tới nay, Anh là trong số các nước đã triển khai tiêm chủng nhanh nhất: tính tới ngày 26/1, hơn 6,85 triệu người đã được tiêm mũi đầu, với hơn nửa triệu người đã được tiêm cả hai mũi.

Việc chính phủ Anh quyết định tiêm hai mũi cách nhau 8-12 tuần, thay vì cách nhau 3 tuần theo đúng chuẩn, để có thể tập trung tiêm mũi đầu cho nhiều người hơn đã khiến nhiều khoa học gia quan ngại và nay đang kêu gọi cắt khoảng cách này xuống tối đa 6 tuần ( kết quả khi thử nghiệm vaccines là dựa trên hai mũi tiêm cách nhau chỉ 3 tuần). Thế nhưng trước con số lây nhiễm hồi tháng 12, có ngày lên tới trên 60 ngàn người, việc tiêm mũi đầu cho càng nhiều người được chính phủ Anh cho là quan trọng hơn.

Anh vốn nổi tiếng là nước "một mình một kiểu" trong nhiều vấn đề (như Brexit chẳng hạn!). Ngay từ khi dich bệnh mới bùng phát, Anh đã dường như có quan điểm "miễn dịch cộng đồng".

Giờ với tốc độ tiêm chủng như hiện nay (279 ngàn người được tiêm chỉ trong ngày 26/1) nhằm hoàn thành kế hoạch do chính phủ đề ra là giữa tháng 2 sẽ tiêm hết 4 nhóm đầu (gồm khoảng 15 triệu người) trong danh sách 8 nhóm ưu tiên của Anh, và với tốc độ lây nhiễm vừa qua do biến thể virus mới (được cho là xuất phát từ tỉnh Kent miền Đông Nam nước Anh), thiết nghĩ tỷ lệ người có kháng thể (do đã nhiễm và nhờ tiêm chủng) tại nước này sẽ khiến Anh Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đạt mức "Miễn dịch cộng đồng" trên thế giới, điều được các chuyên gia tư vấn y tế của chính phủ Ảnh nói tới cách đây một năm!

Ít nhiều thì việc có vaccine và triển khai tiêm chủng nhanh và rộng này cũng đang phần nào giúp mang lại chút hy vọng cho người dân tại Anh, trong đó có tôi, rằng tình hình sẽ bớt u ám hơn và rồi sẽ thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm" để lại sớm được đi lại về thăm gia đình và bạn bè như mong đợi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.