Đâu là những việc cần làm ngay của tân Bộ trưởng Giáo dục VN?

Học sinh Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các học sinh trong giờ tan trường ở Hội An, miền Nam Trung Bộ Việt Nam

Tân Bộ trưởng Giáo dục của Việt Nam đang có trọng trách rất lớn để lãnh đạo, đổi mới nền giáo dục, đào tạo quốc gia, nhưng để bắt đầu, cần bấm nút ưu tiên khởi động từ đâu, khâu nào.

Đây là điều được một số khách mời là nhà giáo, nhà quan sát từ Việt Nam trao đổi với BBC News Tiếng Việt tuần này, nhân sự kiện PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mới được Quốc hội Việt Nam bầu vào vị trí người lãnh đạo ngành giáo dục của Chính phủ.

Trước hết, từ Đại học này, hôm 15/4/2021, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng nói với BBC News Tiếng Việt:

"Tôi hoàn toàn hy vọng là PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, một người có tâm, có tầm, sẽ có những hoạch định lớn, những bước đột phá trước tiên cho giáo dục đại học, và có những đột phá cơ bản cho chương trình sách giáo khoa.

"Sách giáo khoa của Việt Nam lâu nay lúc nào cũng cắt khúc, cuốn chiếu, lúc nào cũng ra lớp một, nấc một thôi mà không làm chỉnh thể, trở thành một nguyên nhân rất lớn gây ra những bức xúc, không tổng thể, do đo gây ra những vấn nạn lớn cho giáo dục.

"Do đó tôi chỉ mong thầy Kim Sơn làm được hai việc thật là lớn thôi. Việc thứ nhất là đột phá trong giáo dục đại học, cụ thể là phân tầng, phân cấp trong giáo dục, thiết lập được một hệ thống đại học nghiên cứu, những đại học vùng, những đại học chuyên ngành lớn, có được những chính sách vừa là tự chủ, vừa là xã hội hóa, nhưng cũng vừa là đặt hàng.

"Thứ hai là làm sao để các địa phương quan tâm hơn nữa đến giáo dục, thay vì bòn rút từ giáo dục, trông mong tiền của giáo dục để chia nhau hay để làm các việc khác, thì nay đầu tư vào giáo dục; như ở bên Trung Quốc, bao giờ các địa phương lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, tại sao họ phát triển được? Là bởi vì họ đầu tư cực kỳ lớn vào giáo dục.

"Mỗi trường đại học ngoài kinh phí nhà nước ra, ngoài học phí, đến một phần ba, hoặc thậm chí một nửa ngân sách đến từ địa phương. Ví dụ như Đại học Bắc Kinh nhận được rất nhiều tiền từ thành phố Bắc Kinh, hay Đại học Thanh Hoa cũng như vậy. Những chương trình giáo dục phải ra tấm, ra món, ví dụ như Chương trình Song Tinh Anh gần đây của Chính phủ Trung Quốc dành cho Đại học Thanh Hoa 600 triệu đôla để họ có thể phát triển được.

"Nghĩa là đầu tầu phải thực sự có đầy đủ nguồn lực, thì mới có thể kéo được toàn bộ lên, tôi rất hy vọng vào Bộ trưởng mới."

'Ngừng ngay những khoản tiền, quỹ thu vô lý'

Giáo dục Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tân Bộ trưởng Giáo dục cần ban hành chính sách cấm và dừng ngay các khoản tiền, quỹ thu vô lý bổ vào đầu phụ huynh, học sinh tại các trường học ở Việt Nam, nhà giáo Đỗ Việt Khoa kiến nghị

Từ trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người được nhiều người tại Việt Nam biết đến như một nhà giáo nhiều năm đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, nói với BBC:

"Hiện nay có rất nhiều trường học có những khoản thu, nhiều loại quỹ thu vô lý mà không hề có trong ngành giáo dục.

"Tại sao một học sinh bình thường phải đóng góp cho quỹ 'Hội chữ thập Đỏ'? Quỹ con bò đỏ là quỹ gì? Vân vân và dạng những quỹ này nhiều lắm.

"Tôi mong rằng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tới đây... có thể ban hành một số chính sách như là tất cả các trường nếu thu bất cứ khoản tiền nào phải có thông báo đến các phụ huynh học sinh bằng văn bản, giấy tờ, để phụ huynh nào cũng có thể có tờ thông báo đó.

"Chứ không để có chuyện như nhiều trường ở địa phương hiện nay cấm giáo viên gửi phụ huynh học sinh những thông báo thu tiền. Họ thu và chi trong bí mật và chỉ có thể khuất tất thì mới làm như vậy.

"Thứ hai, nếu Bộ trưởng mạnh mẽ, nên cấm triệt để những khoản thu trái pháp trong nhà trường phổ thông, cấm triệt để luôn.

"Giáo viên chúng tôi không ai giàu lên bằng vài đồng tiền đó, mà số tiền thu được ấy phục vụ những người lãnh đạo nào đó, chứ không phục vụ việc dạy và học, không phục vụ gì cho giáo chức cả."

'Đề cao tình thương trong giáo dục, ngăn chặn dối trá'

Giáo dục Việt Nam

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty

Chụp lại hình ảnh, Cốt lõi của giáo dục ph là tình thương, nhà bình luận từ Việt Nam nói với BBC

Từ Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam, Tiến sỹ Trần Tuấn, nhà phản biện chính sách nói với BBC:

"Vấn đề mà tôi mong đợi ở đây là làm sao giảm được trò dối trá trong hệ thống giáo dục và dối trá đầu tiên là trong vấn đề bằng cấp của những thầy, cô giáo. Vì thầy cô là gương cho học trò, cho nên tôi là nên chọn cho được các thầy, cô giáo thành thực, trung thực và điểm thứ hai nữa là có tình thương.

"Giáo dục trẻ là phải trên cơ sở tình thương. Cho nên hai tiêu chuẩn đó, tôi cho rằng nếu Bộ trưởng mới nhậm chức chưa biết là sẽ thực hiện như thế nào, nhưng nếu cứ nhìn vào hai vấn đề đó để rà soát hệ thống giáo viên, để thúc đẩy các hoạt động củng cố chất lượng, tôi nghĩ làm được hai việc đó chính là những thứ tạo cho môi trường giáo dục thay đổi.

"Còn lại việc học tập, phải nhớ rằng trong môi trường hiện nay, việc tự học trong điều kiện hiện nay, kể cả với sự tham gia của cha mẹ học sinh là một động lực lớn, là một tác động lớn.

"Cho nên lắng nghe tiếng nói của cha mẹ học sinh trong các vấn đề cũng là một vấn đề mà tôi mong muốn.

"Như vậy, tóm lại là một tân Bộ trưởng Giáo dục trong thời gian tới biết lắng nghe những người nói thật, nói thẳng như thầy Đỗ Việt Khoa, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách như thế, rồi tạo ra được trong môi trường giáo dục để làm sao có những thầy, cô giáo thành thực, ủng hộ những người thành thực và ngăn chặn những kẻ mà chúng tôi gọi là dối trá.

"Đồng thời phát huy một môi trường giáo dục trên cơ sở tình thương làm đầu, tôi cho làm được như thế, giáo dục sẽ thay đổi được. Còn nếu không, tôi cho rằng sẽ lại là khó thành công, nếu như tiếp tục để như vậy so với thời gian trước đây, mà để như thế thì thực sự đau lòng."

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận Bàn tròn thứ Năm với phần có nội dung liên quan.