Vatican sắp bổ nhiệm đại diện thường trú tại VN

Thai An

Nguồn hình ảnh, Thai An

Vatican và Hà Nội vừa đạt thỏa thuận thiết lập đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, bước đi được đánh giá là nhằm hướng tới đặt quan hệ ngoại giao chính thức.

Đại diện thường trú của Đức Giáo Hoàng là vị trí thấp hơn so với chức khâm sứ, tức đại sứ Tòa Thánh.

Tin từ Tòa Thánh cho hay trong hai ngày 21-22/8, nhóm làm việc chung giữa Giáo hội La Mã và Việt Nam đã có phiên họp thượng đỉnh lần thứ tám tại Vatican.

Lần họp trước đó diễn ra tại Hà Nội hồi 12/2018.

Các thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã được khởi động từ 2009, nhưng tới nay hai bên vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Kể từ 2011, Vatican đã có đại diện không thường trú tại Việt Nam.

Trong lần họp hồi tháng 12/2018, hai bên nhất trí nâng cấp lên mức đại diện thường trú.

Theo tuyên bố chung được công bố hôm 23/8, nhóm làm việc đã thảo luận về các vấn đề liên quan, nhằm hướng tới việc thành lập văn phòng đại diện thường trú "vào thời điểm sớm nhất có thể".

Đứng đầu phái bộ Vatican tham gia nhóm làm việc chung là Thứ trưởng Ngoại giao, Đức ông Antoine Camilleri. Đại diện phía Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Vị trí đại diện không thường trú của Giáo Hoàng tại Việt Nam hiện nay do khâm sứ tại Singapore kiêm nhiệm, Tổng Giám mục Marek Zalewski.

Là người Ba Lan, quê hương của Đức Giáo hoàng John Paul II, Tổng Giám mục Zalewski lớn lên tại một quốc gia từng do đảng cộng sản lãnh đạo.

Việc ông được bổ nhiệm làm đại diện không thường trú của Giáo Hoàng tại Việt Nam hồi tháng 5/2018, được coi là một ngày lịch sử cho giáo hội Việt Nam.

Tổng Giám mục Joseph Nguyen Chi Linh phụ trách tổng giáo phận Huế đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam khi đó nói rằng ông hy vọng vị đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha "sẽ vượt qua được những khó khăn do cuộc chiến ý thức hệ gây ra", trang tin của Hiệp hội Giáo hội Công giáo Á châu (UCAN) tường thuật.

Vatican

Nguồn hình ảnh, GREGORIO BORGIA/AFP/Getty

Chụp lại hình ảnh,

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà cho Giáo Hoàng Francis trong chuyến thăm Vatican hồi 10/2018

Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam

Người Công giáo chiếm khoảng 7% dân số Việt Nam.

Dự luật về tự do tôn giáo của Việt Nam vẫn đang trong quá trình thảo luận, xem xét kể từ 2013, khi Việt Nam sửa đổi Hiến pháp.

Theo luật, người dân được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cộng đồng Thiên chúa giáo ở Việt Nam bị những hạn chế kể từ 1976 tới nay.

Theo bản phúc trình thường niên 2019 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, các điều kiện về tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2019 trở nên xấu đi so với năm 2018.

Trong năm 2018, một số linh mục Việt Nam nói họ bị giới chức tổ chức "đấu tố" liên quan tới việc phản đối một số chính sách của nhà nước.

Linh mục Đặng Hữu Nam hồi 12/2018 nói với BBC rằng ông bị cáo buộc là "phản động", là kẻ "chống phá", với bằng chứng là các băng-rôn thu được trong nhà thờ nơi ông quản hạt, in nội dung "Không luật An ninh mạng", "Không luật Đặc khu", "Không bán đất cho Tàu cộng".

Cộng đồng Công giáo cũng có những bất đồng dai dẳng với chính quyền trong việc đòi lại tài sản của Giáo hội đang được chính quyền quản lý ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, trong thông cáo được đưa ra sau phiên họp vừa kết thúc của nhóm làm việc chung, Việt Nam tuyên bố đang "tiếp tục cải thiện" nhằm thực thi chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có cộng đồng Công giáo.

Thông cáo cũng nói rằng Vatican "đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam đối với Giáo hội Công giáo" và kêu gọi giáo dân hãy "là người Công giáo tốt và là công dân tốt", "trung thành với giáo huấn của Giáo hội, tôn trọng các quy định của pháp luật Việt Nam".