Bảo tồn nhà cổ Singapore: chính quyền và dân cùng làm, tất cả cùng hưởng lợi

  • Michael Nguyễn
  • Gửi tới BBC từ Singapore
Khu nhà shophouse cổ khu phố Tanjong Pagar.

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Khu nhà shophouse cổ khu phố Tanjong Pagar

Di sản không phải là một cái gì đó ẩn dấu hay nằm im chờ để được khám phá, chiêm ngưỡng và bảo tồn. Nó là một phần của cuộc sống của một dân tộc, nó định hình cách một người dân đối mặt với những thách thức mới và giúp họ thích nghi và tồn tại. "

(Lý Quang Diệu, Thủ tướng lập quốc Singapore, 2005)

------------

Anh Hưng và chị Thảo, người Hà Nội, hôm nay có mặt khá sớm tại sân ga Red Hill, quận Tanjong Pagar, Singapore.

Anh và chị thuộc nhóm 8 người tham gia chương trình "My Redhill Heritage Tour" của My Heritage, một tổ chức văn hóa phi chính phủ có liên hệ chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore.

Hàng tháng, tổ chức này làm những tour miễn phí cho người dân Singapore và những ai đang sinh sống, học tập tại nước này đi thăm và được giảng về những di sản của Singpore trong khu vực, bao gồm những khu nhà cổ được chính quyền bảo tồn.

Có rất nhiều tour "du lịch" tương tự như vậy được tổ chức trên các quận khác nhau ở Singapore. Với tình hình Covid-19 đã được kiểm soát trên đảo quốc và giãn cách xã hội được nới lỏng, ngày càng nhiều người dân đăng ký tham dự hoạt động này.

Cuộc dạo chơi trên khu di tích, khu bảo tồn giờ đây không chỉ mang tính giải trí. Trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế, của đất nước, tìm về di sản là tìm về một phần của cuộc sống dân tộc, nó định hình cách một người dân đối mặt với những thách thức mới và giúp họ thích nghi, tồn tại, đúng như lời nhận xét của Thủ tướng lập quốc Singapore Lý Quang Diệu.

Nhà shophouse cổ trên khu Orchard Road sầm uất bậc nhất Singapore trong thời gian giãn cách xã hội ở Singapore.

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Nhà shophouse cổ trên khu Orchard Road sầm uất bậc nhất Singapore trong thời gian giãn cách xã hội ở Singapore

Nhà cổ được bảo tồn ra sao ở Singapore?

Singapore không có những di tích lịch sử từ hàng trăm năm như những quốc gia láng giềng khác. Là một quốc gia non trẻ mới giành độc lập hơn 50 năm, di sản vật thể của Singapore chủ yếu là những khu nhà cổ của các sắc dân nhập cư Singapore. Khái niệm "cổ" có nghĩa là mới chỉ trên dưới 200 năm kể từ khi ngài Stamford Raffles đặt chân lên Singapore năm 1819.

Dù cũng trải qua tàn phá của chiến tranh giữa hai đế quốc Anh và Nhật năm 1941, nhiều nhà cửa bị tàn phá, song đến nay Singapore vẫn giữ được khá nhiều các tòa nhà cơ quan hành chính mang phong cách thuộc địa (British colonial house) và nhà ở phong cách bản địa (peranakan).

Đảo quốc có được điều này là nhờ vào các quy định về bảo tồn nhà cổ khá chặt chẽ từ thời còn là thuộc địa của Anh và nhất là các chính sách quy hoạch đô thị tiên tiến của chính quyền Singapore sau khi giành được độc lập, ngăn chặn sự biến dạng và phá hủy nhà cổ. Đây được coi là một kỳ tích đối với một Singapore đất chật, người đông, tấc đất tấc vàng.

Nhà shophouse đầy màu sắc Peranakan trên phố Blair. Peranakan được coi là truyền thống bản địa đặc sắc của Singapore

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Nhà shophouse đầy màu sắc Peranakan trên phố Blair. Peranakan được coi là truyền thống bản địa đặc sắc của Singapore

Những khu nhà cổ trên khắp đảo quốc và được đưa vào 3 nhóm chính:

Nhóm di tích lịch sử tại Boat Quay, Chinatown, Kampong Glam and Little India.

Nhóm di tích các sắc tộc tại Blair Road, Joo Chiat.

Nhóm di tích định cư gần đây (thường là các nhà tập thể cũ), tại Balestier, River Valley, Tanjong Katong, Upper Circular Road and Tiong Bahru.

Nhóm biệt thự, tập trung tại Holland Village, East Coast.

Khu nhà tập thể cũ (sau độc lập) được bảo tồn ở Queenstown

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Khu nhà tập thể cũ (sau độc lập) được bảo tồn ở Queenstown

Phần lớn các ngôi nhà bảo tồn ở Singapore thuộc dạng shophouse hai đến ba tầng (tầng dưới để buôn bán, tầng trên dùng để ở) và theo dãy phố mang đầy tính biểu tượng và màu sắc của các cộng đồng dân cư, Ấn Độ, Hoa hay Mã Lai.

Từ năm 1970 đến nay có hơn 7000 nhà cổ của Singapore được bảo tồn. Công tác bảo tồn cụ thể được giao cho Ủy ban tái pháttriển đô thị (URA) trược thuộc Bộ phát triển quốc gia quản lý, nhưng tham gia vào việc quảng bá và "thổi hồn" vào những khu nhà cổ lại được nhiều tổ chức phi lợi nhuận và ngay cả từng người dân Singapore góp sức. Năm 2016 có 6,5 triệu lượt dân cư Singapore tham gia vào các hoạt động bảo tồn nhà cổ, theo ghi nhận của tổ chức "Di sản Chúng ta" thuộc chính phủ Singapore.

Những dãy nhà tập thể cũ, 3 tầng, không thang máy được Singapore xây dựng từ những năm độc lập đầu tiên 1960s tại Queenstown, trong danh sách được bảo tồn

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Những dãy nhà tập thể cũ, 3 tầng, không thang máy được Singapore xây dựng từ những năm độc lập đầu tiên 1960s tại Queenstown, trong danh sách được bảo tồn

Chính quyền và dân cùng làm, mọi người cùng hưởng lợi

Một cư dân bình thường ở Singapore có những cơ hội trở thành triệu phú qua đêm sau đây: Một là trúng sổ xố. Hai là chính phủ công bố dự án enboc (mua lại nhà cũ). Thứ ba là chính phủ công bố nhà mình (hay nhà hàng xóm lân cận) là nhà được bảo tồn.

Theo công bố của các kỹ sư quy hoạch đô thị thuộc Đại học Quốc gia Singapore, mỗi khi một tòa nhà được công bố thuộc hạng được bảo tồn, giá trị nhà đất khu lân cận từ 800m đến 1,6km lập tức tăng thêm tới 400 đô la/m2 , giá nhà khu tập thể tăng thêm từ 100 đô la/m2.

Chính quyền bỏ tiền ra xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, cảnh quan cho khu vực được bảo tồn. Khu Boat Quay là một ví dụ được chính quyền cho xây mái che tránh mưa, đảm bảo hoạt động được với mọi thời tiết.

Khu nhà Peranakan cổ trên phố Tras, được chính quyền xếp là khu vực ẩm thực độc đáo của Singapore

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Khu nhà Peranakan cổ trên phố Tras, được chính quyền xếp là khu vực ẩm thực độc đáo của Singapore

Các chi phí bảo dưỡng, tu sửa nhà cổ do chủ nhân tự đài thọ, được chính quyền miễn giảm phí phát triển (development cost). Chính phủ cũng miễn các yêu cầu phải thiết kế chỗ đậu xe đối với chủ nhà cổ (như đối với các loại nhà đất khác) để duy trì nguyên trạng ban đầu của nhà. Trong một số trường hợp, chính quyền gia hạn thời gian sử dụng đất và nhà cho khu nhà được bảo tồn (Singapore có các thời hạn thuê đất 99 năm, 999 năm và vĩnh viễn).

Như vậy là yếu tố lợi ích bằng vật chất đi liền với các lợi ích về tinh thần trong công tác bảo tồn nhà cổ ở Singapore. Điều này khiến cho việc bảo tồn nhà cổ được coi là mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng dân cư.

Nhà cổ ở Singapore sẽ đi đâu về đâu?

Có khá nhiều quan ngại của người dân Singapore đối với chính sách dân số của chính quyền (sách trắng về dân số) dự kiến tăng dân số cơ học ở Singapore từ 4.5 triệu người hiện nay lên 6.9 triệu người vào năm 2030. Tăng dân số làm tăng nguy cơ sinh hoạt chật chội, nhà cửa thêm đắt đỏ, không gian sống bị thu hẹp. Đi theo đó là nguy cơ những biệt thự, nhà thấp tầng và nhà cổ sẽ phải dỡ bỏ nhường chỗ cho các chung cư cao tầng mới.

Những người hoài cổ ở Singapore cũng lo ngại yếu tố lợi nhuận sẽ làm mờ mắt các công ty bất động sản, khiến những tòa nhà cổ là chứng tích lịch sử phát triển của Singapore như Pearl Bank, People Park…sẽ bị kéo đổ để xây mới.

Một cụ bà đang chuẩn bị phơi quần áo bên ngoài ô cửa sổ một khu căn hộ cũ được bảo tồn tại Bukit Merah.

Nguồn hình ảnh, BBC Sport

Chụp lại hình ảnh, Một cụ bà đang chuẩn bị phơi quần áo bên ngoài ô cửa sổ một khu căn hộ cũ được bảo tồn tại Bukit Merah

Những lo lắng nói trên của người dân Singapore đều có cơ sở, và bất cứ quốc gia nào cũng đều có những chiến lược phát triển quốc gia linh hoạt, phù hợp với tình hình, khó có thể nói tất cả những khu nhà cổ của Singapore sẽ tồn tại mãi mãi thêm một vài trăm năm nữa như nó đã từng tồn tại

Nhưng cho đến lúc đó, nhiệm vụ của chính quyền là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đa số người dân về di sản, về bản sắc của của quốc gia, của cộng đồng và cá nhân, về văn hóa và truyền thống của chính họ. Vai trò của di sản trong việc thiết lập và duy trì ý thức về bản sắc của chúng ta là điều cần thiết để xây dựng một xã hội gắn kết hơn, tự tin và kiên cường hơn.

Đến lúc nào đó, đa số người dân sẽ tự có quyết định đúng đắn về tương lai của mình và môi trường mình đang sống mà không phụ thuộc vào lợi ích cá nhân của một nhóm thiểu số lũng đoạn nào.

* Bài thể hiện góc nhìn riêng của ông Michael Nguyễn, doanh nhân, công dân Singapore gốc Việt.

Bức bích họa đặc sắc của Yip Yew Chong: "Chơi chim họa mi", một thú vui truyền thống của dân Singapore trên khu nhà cổ được bảo tồn, Tiong Bahru

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Bức bích họa đặc sắc của Yip Yew Chong: "Chơi chim họa mi", một thú vui truyền thống của dân Singapore trên khu nhà cổ được bảo tồn, Tiong Bahru