Ngôi sao Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại vì chuyên môn hay thương mại?

  • Phan Ngọc
  • Gửi cho BBC từ TP.HCM
Công Phượng trong trận tứ kết AFC Asian Cup gặp Nhật ở Dubai, ngày 24/1

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Công Phượng trong trận tứ kết AFC Asian Cup gặp Nhật ở Dubai, ngày 24/1

Vừa qua đã có ba tuyển thủ Việt Nam được thông báo xuất ngoại và như thường lệ, nhiều người lại đặt câu hỏi liệu các cuộc chuyển nhượng ấy thuần túy xuất phát từ yếu tố chuyên môn hay chỉ là những toan tính mang nặng giá trị thương mại.

Thủ môn Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại trong mùa giải mới khi gia nhập đội bóng Thái Lan Muangthong United với bản hợp đồng có thời hạn ba năm cùng mức lương hơn 10.000 USD/tháng.

Không lâu sau lễ ra mắt của Văn Lâm tại Thái Lan, tới lượt HAGL xác nhận tiền đạo Công Phượng sẽ gia nhập Incheon United (Hàn Quốc) theo bản hợp đồng cho mượn trong một mùa giải.

Theo chân Công Phượng, tiền vệ Xuân Trường vài ngày sau đó chính thức ra mắt trong màu áo Buriram United (Thái Lan) cũng với thỏa thuận cho mượn có thời hạn một năm.

Kinh nghiệm

Cả Văn Lâm, Công Phượng hay Xuân Trường đều không quá lạ lẫm với việc ra nước ngoài thi đấu khi đây đã là lần thứ hai họ xuất ngoại.

Công Phượng và Xuân Trường từng cùng nhau xuất ngoại năm 2016: Công Phượng gia nhập Mito Hollyhock (Nhật Bản) còn Xuân Trường lần lượt thi đấu cho Incheon United (đội bóng Công Phượng sắp đầu quân) rồi Gangwon FC của Hàn Quốc.

Xuất ngoại khi mới 21 tuổi và lại đến với những nền bóng đá trên Việt Nam rất xa, dễ hiểu khi Công Phượng và Xuân Trường không thể hiện được gì nhiều về mặt chuyên môn.

Công Phượng chỉ có 5 lần ra sân với tổng cộng vỏn vẹn 80 phút thi đấu cho Mito Hollyhock ở J.League 2 còn Xuân Trường cũng không khá hơn với 3 lần ra sân cùng 165 phút thi đấu tại K-League trong màu áo Incheon United và Gangwon FC.

Trong khi đó, Văn Lâm trong thời gian khoác áo HAGL từng được đội bóng phố Núi gửi sang Lào thi đấu cho Hoàng Anh Attapeu năm 2013.

Khác với Công Phượng và Xuân Trường, Văn Lâm ngay lập tức chiếm vị trí chính thức trong màu áo đội bóng mới và trở thành ngôi sao ở giải vô địch quốc gia Lào.

Tuy nhiên, chính Văn Lâm sau này thừa nhận việc phải chuyển sang Lào thi đấu vào thời điểm 2013 là "cú sốc rất nặng" với thủ môn này bởi những khó khăn gặp phải về điều kiện sinh hoạt cũng như tập luyện.

Xuân Trường ở trận bán kết AFF Suzuki Cup 2018

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Xuân Trường ở trận bán kết AFF Suzuki Cup 2018

Cơ hội nhiều hơn?

Rõ ràng ngoại trừ trường hợp của Văn Lâm, các vụ chuyển nhượng Công Phượng và Xuân Trường tại thời điểm năm 2016 đều mang nặng những toan tính thương mại hơn là yếu tổ chuyên môn.

Chính điều này đã khiến các cầu thủ của chúng ta không được trao nhiều cơ hội bên cạnh khả năng của Công Phượng và Xuân Trường lúc bấy giờ cũng chưa đáp ứng được đòi hỏi rất cao ở những môi trường đầy tính cạnh tranh như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên mọi chuyện ở thời điểm này có thể sẽ rất khác trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đã khiến cả châu Á phải chú ý với năm 2018 của những kỳ tích và được tiếp nối bằng hành trình vào tới tứ kết Asian Cup 2019, nơi chính Văn Lâm và Công Phượng là hai cái tên nổi bật nhất của đội tuyển Việt Nam.

Một yếu tố khác giúp chúng ta có thể hi vọng vào cơ hội thành công của những chuyến xuất ngoại đầu năm này chính là trong ba thương vụ chuyển nhượng kể trên thì có đến hai trường hợp điểm đến là Thái Lan.

Muangthong United của Văn Lâm hay Buriram United của Xuân Trường rõ ràng là những môi trường vừa sức hơn nhiều so với các đội bóng của Nhật Bản hay Hàn Quốc mà HAGL hướng đến cho Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh hồi năm 2016.

Trong đó, thủ môn Văn Lâm được kỳ vọng sẽ sớm chiếm vị trí chính thức trong khung gỗ Muangthong United khi những cái tên cạnh tranh tại đội bóng mới không quá nổi bật.

Trường hợp của Xuân Trường thì khó hơn bởi ở vị trí của cầu thủ này, Buriram United có khá nhiều sự lựa chọn chất lượng trong khi phong độ của tiền vệ đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua là không tốt.

Tuy nhiên, ở mùa giải 2019, Buriram United sẽ phải chinh chiến ở 4 đấu trường là Thai League, Thai FA Cup, Thai League Cup và AFC Champions League - đồng nghĩa cơ hội để thể hiện của Xuân Trường vẫn khá rộng mở.

Trường hợp khiến người hâm mộ lo lắng nhất là Công Phượng khi cầu thủ này gia nhập đội bóng đang chơi ở K-League là Incheon United.

Không thể phủ nhận Công Phượng là một trong những ngôi sao thích hợp nhất để xuất ngoại của bóng đá Việt Nam hiện tại khi sở hữu chuyên môn tốt, bản lĩnh và tâm lý thi đấu vững vàng cùng năng lực ngoại ngữ ổn.

Tuy nhiên môi trường bóng đá Hàn Quốc mà tiền đạo này lựa chọn vẫn ở trình độ khá xa so với Việt Nam bên cạnh lối thi đấu giàu thể lực và trực diện ở K-League là thách thức lớn với phong cách thi đấu của Công Phượng.