Ra khỏi EU, Anh hướng về Biển Đông?

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tàu USS McCampbell của hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản

Hải quân Anh trở lại Vành đai Thái Bình Dương bằng sự kiện tập luyện chung với Mỹ ngay tại Biển Đông.

Trang web Hải quân Hoàng gia Anh nói sự kiện tàu Anh HMS Argyll tham gia cùng tàu Mỹ McCampbell từ 11 đến 16/1 đánh dấu việc hải quân Anh quay lại Vành đai Thái Bình Dương trong bối cảnh Anh muốn mở rộng không gian sau khi rời khỏi EU (Brexit).

Hiện Washington đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh nhằm gây áp lực lên Trung Quốc, quốc gia vốn đã bồi đắp các đảo và tiến hành xây dựng các công trình, căn cứ có khả năng hoạt động quân sự tại vùng biển này.

Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển của Mỹ, USS McCampbell, vốn đóng tại Nhật Bản, và tàu khu trục của hải quân Hoàng gia Anh, HMS Argyll, hiện đang có hành trình tới châu Á, đã tiến hành cuộc diễn tập thông tin liên lạc và các hoạt động khác trong thời gian từ thứ Sáu 11/1 tới thứ Tư 16/1, nhằm "nhắm tới các ưu tiên an ninh chung", thông cáo báo chí của hải quân Mỹ nói.

"Hai bên trong thời gian gần đây chưa hề có hoạt động chung nào, đặc biệt là tại vùng Biển Đông," phát ngôn viên của hải quân Mỹ nói.

Ông cho biết thêm là hai bên đã không các hoạt động chung kể từ 2010.

Hoa Kỳ vốn đã thường xuyên thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông, nhưng Anh gần đây mới có hành động tương tự.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hồi tháng Tám năm ngoái, chiến hạm của Anh, HMS Albion, 22 ngàn tấn, đã đi vào gần sát Quần đảo Hoàng Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay với tờ Sunday Telegraph nói về ý tưởng có một căn cứ quân sự mới của Anh đặt tại khu vực châu Á.

Trung Quốc trên thực tế đang kiểm soát quần đảo này.

Đây là lần đầu tiên Anh trực tiếp thách thức quyền kiểm soát ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với vùng biển chiến lược này.

Anh có động thái sau khi Hoa Kỳ nói muốn thấy có thêm các nước khác có hành động tại Biển Đông.

Bắc Kinh cáo buộc London có hành động "khiêu khích".

Tàu McCampbell trong tháng này đã áp sát trong phạm vi 12 hải lý của Quần đảo Hoàng Sa để thực thi điều mà phía Mỹ nói là hoạt động tự do đi lại, nhằm "thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển", điều khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn cáo buộc Mỹ là đã đi vào bất hợp pháp vùng lãnh hải của Trung Quốc, CNN tường thuật.

Cả Anh và Mỹ đều không tuyên bố chủ quyền ở vùng biển vốn đang là đối tượng tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia, và Philippines.

Hồi năm ngoái, hình ảnh chụp các căn cứ mà Trung Quốc đặt trên một số đảo ở Biển Đông cho thấy có vẻ như các hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa tuần du chống hạm đặt trên đó.

Lực lượng không quân Trung Quốc cũng đã cho máy bay ném bom đáp xuống các đảo có tranh chấp trong một cuộc diễn tập gần đây ở Biển Đông.

Căng thẳng tại Biển Đông trong năm ngoái càng trở nên nghiêm trọng hơn sau một giai đoạn tạm lắng, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên nhậm chức hồi 1/2017.