EU 'sẵn sàng giúp Việt Nam' về an ninh mạng'

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Đại sứ EU tại Hà Nội nói về "điểm yếu" trong Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nói EU sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng một khung pháp lý hiện đại, cạnh tranh về kinh tế cũng như tôn trọng các nguyên tắc quan trọng về quyền tự do truy cập thông tin và bảo mật thông tin cá nhân.

BBC: Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn bàn về Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam, ông nói hiệp định này không chỉ nói về thương mại mà còn liên quan đến tự do thông tin và truyền thông. Năm ngoái Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng. Quan điểm của EU về vấn đề này như thế nào?

Về an ninh mạng nói chung và an ninh mạng tại Việt Nam nói riêng, chúng tôi nghĩ đó là vấn đề bình thường. An ninh mạng là một thách thức lớn tại châu Âu. Chúng tôi tạo không gian công cộng và không gian mạng mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin hay nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ thông tin và cuộc sống riêng của mỗi cá nhân.

Vì vậy, tại châu Âu, chúng tôi đang cố gắng để bảo vệ hệ thống mạng trước những cuộc tấn công từ bên ngoài. Đồng thời, chúng tôi cũng thúc đẩy pháp lý để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và quyền riêng tư của họ.

Ngày nay, châu Âu đang tập trung phát triển kinh tế kỹ thuật số như mạng 5G. Chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy ngành kỹ thuật số tại đây. Đồng thời, chúng tôi cũng có lợi thế về bảo mật thông tin cá nhân. Nếu các công ty muốn hợp tác kinh doanh điện tử với châu Âu họ phải tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin mà chúng tôi đã thông qua vào năm ngoái.

Tháng 6/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng, và cũng đã đưa ra dự thảo nghị định Luật An ninh mạng. Quan điểm của chúng tôi về các vấn đề này như sau.

Chúng tôi cho rằng việc Việt Nam có thể bảo vệ hệ thống mạng là rất quan trọng. Ngày nay, hệ thống mạng và các dòng chảy dữ liệu trực tuyến rất mong manh. Hàng ngày có rất nhiều cuộc tấn công mạng xảy ra ở khắp mọi nơi. Vì vậy, Việt Nam cần có một khung pháp lý để bảo vệ không gian mạng.

Khi nói về bảo vệ không gian mạng và hệ thống mạng, nghĩa là chúng ta phải đảm bảo được rằng nền kinh tế của một quốc gia và việc tiếp cận không gian công cộng của người dân không bị phá vỡ. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, làm thế nào bạn bảo đảm được dòng dữ liệu trên mạng không bị phá vỡ, và người dân vẫn có thể truy cập dữ liệu thông qua không gian công cộng.

Cách tốt nhất để thiết kế an ninh mạng là tham khảo các mô hình khác trên thế giới, tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi và cần đảm bảo rằng các lợi ích kinh tế cũng được bảo vệ. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số vô cùng tiềm năng và chúng tôi đang thúc đẩy phát triển ngành này tại Việt Nam. Tuy nhiên, tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là điện toán đám mây.

Có rất nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau đang kinh doanh thương mại thông qua điện toán đám mây (điện toán máy chủ ảo). Ví dụ bạn có thể kinh doanh thông qua các dịch vụ điện toán đám mây lớn như Amazon hay Facebook mà không cần dùng đến máy chủ.

Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6.

BBC: Một trong những điểm gây chú ý và tranh cãi là yêu cầu lưu trữ dữ liệu ở trong nước, quan điểm của EU là thế nào?

Có thể thấy, cả Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định Luật An ninh mạng của Việt Nam đều yêu cầu các công ty có dữ liệu cá nhân trực tuyến phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước, đầu tư máy chủ riêng, và trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân cho cơ quan an ninh.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là điểm yếu của Luật An ninh mạng. Theo đó, cơ quan an ninh có thể quyết định việc một công ty Việt Nam hay các nhà đầu tư nước ngoài cần xây dựng lưu trữ dữ liệu ở trong nước hay không. Nếu cơ quan an ninh quyết định công ty Việt Nam hay các nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào lưu trữ dữ liệu ở trong nước thì công ty đó cũng phải trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân của khách hàng cho cơ quan an ninh.

Chúng tôi cho rằng yêu cầu vậy là quá mức. Trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện đại, các công ty không nên bị ép lưu trữ dữ liệu ở trong nước. Có thể là có một số trường hợp ngoại lệ nhưng vẫn phải tuân theo cam kết quốc tế. Hiện nay tại ASEAN, châu Âu và trên thế giới, không có nước nào buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước cả.

Hơn nữa, nếu cơ quan an ninh yêu cầu các công ty trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân của khách hàng thì điều này cần được quy định chặt chẽ và có giám sát tư pháp.

Trong hệ thống của EU chúng tôi, cảnh sát không thể truy cập thường xuyên và vô điều kiện vào dữ liệu cá nhân của khách hàng. Chỉ có thẩm phán mới có quyền yêu cầu cảnh sát làm điều đó nhưng trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Nếu là vấn đề an ninh, tất nhiên họ có quyền làm điều đó nhưng phải đưa ra được lý do rõ ràng về rủi ro an ninh.

Có thể thấy, Luật An ninh mạng ảnh hưởng rất lớn về tính cạnh tranh cho các công ty kỹ thuật số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật này hơi quá mức khi trao quá nhiều quyền cho một Bộ mà không có sự giám sát của các Bộ khác và hệ thống tư pháp.

Và khi Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam được thực thi, chúng tôi nghĩ rằng các công ty châu Âu sẽ rất ngần ngại trong việc đầu tư lưu trữ dữ liệu ở trong nước hay cho phép cơ quan an ninh truy cập thông tin cá nhân của khách hàng, vì họ không thể làm điều đó ở EU.

Trong khi đó, các công ty Việt Nam và châu Âu phải tuân thủ các quy định bảo mật thông tin của EU. Ví dụ, một công ty du lịch hay một công ty hàng không của Việt Nam không thể cung cấp thông tin đăng ký của khách hàng cho cơ quan an ninh của EU, trừ khi khách hàng đồng ý. Ngược lại, tại Việt Nam, các công ty bị buộc phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan an ninh.

Nếu Luật An ninh mạng được thực thi tại Việt Nam, các công ty Việt Nam và châu Âu hoạt động ở cả hai bên sẽ gặp khó khăn vì sự khác nhau về luật này.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu cẩn thận hơn về Luật An ninh mạng. Chúng tôi sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng một khung pháp lý hiện đại, cạnh tranh về kinh tế cũng như tôn trọng các nguyên tắc quan trọng về quyền tự do truy cập thông tin và bảo mật thông tin cá nhân.

HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Quy hoạch và phát triển đô thị đang diễn ra rất nhanh và tạo ra thách thức về giao thông và môi trường.

BBC: Đây không phải là lần đầu tiên ông đến sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy đất nước và con người nơi đây thay đổi như thế nào?

Nhìn chung Việt Nam hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với Việt Nam 20 năm về trước. Nghèo đói đã giảm đáng kể và đời sống người dân đã tốt hơn. Người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở thành thị, nay đã có thể đi du lịch, du học, hay sử dụng các dịch vụ y tế ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng đã tốt hơn trước rất nhiều. Đây là một sự thay đổi rất lớn.

Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Quy hoạch đô thị và phát triển đô thị đang diễn ra rất nhanh, đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát. Dân số đô thị cũng đông hơn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, gây ra sự nghèo đói ở khu vực đô thị. Và khoảng cách thu nhập giữa người thành phố và người sống ở vùng nông thôn cũng đang tăng lên, đặc biệt là khoảng cách giữa mức thu nhập cao nhất và mức thu nhập thấp nhất.

Theo tôi, đời sống con người hiện thoải mái hơn 20 năm về trước. Họ không còn phải đấu tranh để sinh tồn nữa, mà thay vào đó đã có thể cho con cái đi học nước ngoài. Đây là điều tích cực.

Về mặt tiêu cực, quy hoạch đô thị và môi trường chưa được cải thiện. Ô nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là điều đáng lo ngại. Nguồn tài nguyên thiên nhiên trên khắp cả nước cũng đang bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và xói mòn bờ biển cũng là một vấn đề lớn. Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến Việt Nam, và việc nguồn tài nguyên thiên nhiên bị phá huỷ cũng gây ảnh hưởng không ít.

Đây là những thử thách mới mà Việt Nam đang phải đối mặt mà không có sự chuẩn bị. Đôi khi sự phát triển diễn ra quá nhanh. Cùng một mô hình phát triển, ở châu Âu phải mất 200 năm để gây dựng nhưng chỉ mất khoảng 30 năm ở châu Á.

Đổi lại con người đã biết đòi hỏi hơn, biết nói lên chính kiến của mình, và biết mình muốn gì. Con người có nhiều tự do hơn và có điều kiện vật chất hơn để tính cho tương lai. Con người cũng có tổ chức hơn, có kinh nghiệm bên ngoài hơn và biết đòi hỏi các dịch vụ tốt hơn từ nhà nước. Đây là những thay đổi lớn chúng ta có thể nhìn thấy ở Việt Nam hiện nay, và tôi rất ấn tượng với sự phát triển này.

BBC: Như ông nói, thu nhập của người Việt Nam đã tăng lên và có thể cho con cái đi du học nước ngoài. Vậy theo ông, những sinh viên Việt Nam học ở châu Âu có thể đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam?

Nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam đã và đang du học tại các nước thuộc EU.

Nguồn hình ảnh, British Embassy Hanoi

Chụp lại hình ảnh, Nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam đã và đang du học tại các nước thuộc EU.

Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng có càng nhiều người trẻ Việt Nam học tập và làm việc ở châu Âu thì càng tốt. Họ có thể khám phá châu Âu, không chỉ sự giàu có mà còn về văn hoá, di sản, lịch sử, thiên nhiên, các mô hình quản trị, đô thị hoá, quản lý chất thả và năng lượng tái tạo. Có rất nhiều mô hình phát triển Việt Nam có thể tham khảo.

Ngược lại, chúng tôi cũng có thể học hỏi từ Việt Nam như các giá trị văn hoá, xã hội, tầm quan trọng của gia đình, sự tham vọng, tính tự lực, hay tinh thần của người Việt Nam.

Kể từ khi tôi tới đây làm việc, chúng tôi đã khuyến khích mọi người đi du học ở châu Âu nhiều hơn. Hàng năm, chúng tôi tổ chức các chương trình ngày hội du học tại bảy thành phố nhằm thu hút sinh viên Việt Nam đến châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong thời gian tới.

Tôi nghĩ rằng, châu Âu và Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có thể chia sẻ được nhiều thứ như nền văn minh, lịch sử và văn hoá. Vì vậy, càng có nhiều người Việt Nam khám phá châu Âu thì càng tốt.

Hiện có khoảng 15,000 to 20,000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại châu Âu. Ở Mỹ vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam hơn. Vậy nên, càng có nhiều phụ huynh gửi con cái hoặc càng nhiều bạn trẻ chọn đi học ở châu Âu thì càng tốt.