'Đi bão' và văn hóa vui bóng đá ở Việt Nam cần nâng tầm

Người dân Việt Nam xuống đường vì bóng đá

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Việt Nam xuống đường vì bóng đá

Việt Nam cần phải học văn minh của châu Âu và chính quyền cũng phải quản lý tốt hơn việc 'đi bão' để niềm vui bóng đá được trọn vẹn và không bị thiệt hại về người và của, một ý kiến từ Hà Nội cho BBC biết hôm 13/12.

'Đi bão' ở Việt Nam

Ông Đặng Gia Mẫn, cựu danh thủ đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh, vô địch quốc gia năm 1985 và là cha của cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam, tham gia Chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, bình luận:

"Tôi nghĩ đi bão cũng là hay. Ở Việt Nam hôm qua có hình ảnh nữ nghệ sĩ Chiều Xuân mang lá cờ với một bộ áo dài thật đẹp. Cũng là 'đi bão' nhưng đấy là hình ảnh lay động chúng tôi."

Ông cũng kể lại câu chuyện khi ông còn là cầu thủ bóng đá và từng vô địch quốc gia năm 1985.

"Khi vô địch xong chúng tôi phải ở lại Hà Nội. Sáng hôm sau từ Hà Nội chúng tôi về quảng trường Hòa Bình ở Nam Định. Nhân dân hàng vạn con người cũng chờ đón chúng tôi. Nó cũng giống như các bạn châu Âu hôm nay."

Không có định nghĩa cụ thể về 'đi bão' bóng đá hay nó xuất hiện từ bao giờ, nhưng thế hệ những cầu thủ như ông Đặng Gia Mẫn khi đó dường như chưa có hiện tượng này.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Mẫn cho rằng "cái đấy là do xã hội vận động", "cuộc sống đã thay đổi nhiều" và "thế hệ trẻ có thể nói là không được hưởng giáo dục tốt thì cũng hơi nặng".

Và hệ quả là "'đi bão' thì chắc chắn rồi lại sẽ có người chết bởi vì tư duy và tuổi trẻ thì bồng bột".

Một nguyên nhân khác, theo ông Mẫn "có một phần" là do truyền thông nhà nước, cụ thể là truyền thông thể thao.

"Truyền thông Việt Nam, đặc biệt là các nhà báo Việt Nam hay thổi các ngôi sao chưa thực sự xuất sắc đã ví như là Messi của Việt Nam hay Ronaldo của Việt Nam, trong khi họ chưa thực sự đạt đến tầm như thế kể cả so với khu vực.

"Truyền thông thể thao nói riêng đã không nhìn nhận sự việc một cách thích đáng. Họ câu view, họ viết về Công Phượng, về một số ngôi sao khác họ thổi lên.

"Những cây bút đứng đắn, những bài viết chân phương lại không được bạn đọc quan tâm tức là hiện tượng câu view của truyền thông thể thao vẫn còn quá nặng nề."

Nhìn nhận chuyện 'đi bão' với tình yêu bóng đá, yêu tổ quốc cựu danh thủ từng vô địch quốc gia năm 1985 cho rằng các bạn trẻ "trước hết phải yêu bố mẹ mình, nghĩ đến sinh mạng của mình đã".

Ông cũng khuyên các bạn trẻ muốn 'đi bão' thì hãy "tôn trọng luật giao thông, tôn trọng luật pháp và đem lại niềm vui cho tất cả mọi người".

Hình ảnh các bạn trẻ 'đi bão' và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh các bạn trẻ 'đi bão' và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

'Đi bão' ở Anh và phương Tây?

Tham gia chương trình trong studio của BBC Tiếng Việt ở London hôm thứ Năm (13/12), Trịnh Lê Mai, hiện đang theo học thạc sỹ ngành báo chí tại London, bình luận.

Từ kinh nghiệm sống ở Anh, cô cho biết cổ động viên Anh "có cuồng nhiệt, rất cuồng nhiệt về bóng đá nhưng không đến mức gọi là kích động quá".

Họ thường ăn mừng "theo những nhóm nhỏ và không gây ảnh hưởng đến người khác, rất là vui vẻ", cô bổ sung.

Thường ở Anh hay một số nước châu Âu khác họ có khu vực riêng ở ngay cạnh sân vận động hay ở những khu vực như quảng trường lớn hay bờ sông để các cổ động viên có thể ra đó tha hồ nhảy múa, hát mừng nhưng không được phép mang bia rượu đựng trong chai vào.

Về điểm này, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn cho rằng: "Chúng ta học những người ở châu Âu thật là nhiều từ cách yêu bóng đá, yêu câu lạc bộ của mình nhưng điều quan trọng nhất là phải yêu cuộc sống, yêu sinh mạng của mình."

Ở Anh cổ động viên ăn mừng bóng đá

Nguồn hình ảnh, Jack Taylor

Chụp lại hình ảnh,

Ở Anh cổ động viên ăn mừng bóng đá

Làm gì để nâng tầm văn hóa vui bóng đá ở Việt Nam?

Cùng tham gia chương trình trong studio của BBC Tiếng Việt ở London, luật sư Hoàng Đức Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại London, nhìn nhận vấn đề từ góc độ văn hóa, theo ông đó là 'văn hóa đám đông'.

"Khi người ta đi bão là người ta chấp nhận để mình trở thành một phần của bão của gió' tức là chấp nhận bỏ qua mọi luật lệ bỏ qua mọi ‎ý chí và sẵn sàng va lung tung vào mọi thứ bất chấp bản thân, không cần biết gì cả," ông bình luận.

Luật sư Thắng so sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa châu Âu:

"Văn hóa của người châu Âu là văn hóa luôn luôn có lòng vị tha, sự dung thứ cũng như là sự tôn trọng, coi trọng ý‎ kiến của người khác và coi trọng mình cũng như những người khác.

"Văn hóa của chúng ta thì trải qua một thời gian của Nho giáo rồi sau đó là của các tư tưởng Phong kiến và bây giờ tư tưởng Cộng sản."

"Yếu tố văn hóa ở Việt Nam là yếu tố mà tôi cho rằng đã được quan tâm nhưng không đúng mức và cần phải có những tính toán, những đầu tư hết sức nghiêm chỉnh vào đây. Bằng không thì hàng trăm năm nữa cũng không làm nên chuyện gì," ông Thắng bổ sung.

Về thể chế bóng đá, luật sư Hoàng Đức Thắng nêu ra "làm sao kiểm soát tình cảm của các cá nhân, cụ thể là tâm lý‎ bất cần".

Dẫn chứng từ việc luật biểu tình sau bao năm vẫn chưa được thông qua, ông cho rằng "những thứ thấp hơn như là những khu vực về nơi công cộng để mọi người ra trình diễn và thể hiện cảm xúc của mình sẽ khó mà thực hiện".

Cổ động viên Việt Nam tụ tập xem bóng đá ở ngoài trời

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cổ động viên Việt Nam tụ tập xem bóng đá ở ngoài trời

Ông Thắng cũng đưa ra các giải pháp để nâng tầm văn hóa vui bóng đá ở Việt Nam.

Từ phía gia đình, nhà trường và xã hội "phải quản lý‎ từ trước, bố mẹ phải có cách nói làm sao để ở trong nhà cũng như vậy làm sao tôn trọng mình tôn trọng mọi người và có các giá trị xã hội mình cần phải tôn trọng."

"Những giá trị xã hội gốc đó, những giá trị nền tảng của xã hội như vậy cũng phải được coi trọng không khác gì các giá trị vật chất như tiền của, danh vọng," theo luật sư.

Ngoài ra, "cần có tăng cường kiểm soát, thay vì để đám đông tự phát như vậy thì nhà nước và các tổ chức xã hội cần phải định hình để có các hoạt động tụ tập đông người có kiểm soát và một khi có kiểm soát thì có thể phân luồng để kiểm soát từ xa."

Xem thêm loạt bài về bóng đá Việt Nam: