14/12/2018 10:30 GMT+7

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ cuối: Đứng dậy để giúp người khác

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - "Cho đi để thanh thản. Tôi làm từ thiện không phải để lấy tiếng mà làm để chia sẻ cho chính mình". Người đàn ông từng 10 năm 7 tháng 24 ngày ở trong tù vì tội tiêu thụ tiền giả nói như vậy về quan điểm sống của mình.

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ cuối: Đứng dậy để giúp người khác - Ảnh 1.

Ông Du và con heo bán lấy tiền làm từ thiện năm 2007 - Ảnh: NVCC

Tiền bạc không quan trọng bằng việc ta nuôi dưỡng được cái tâm để con cái sẽ được hưởng phúc đức về sau

Ông NGUYỄN NGỌC DU

Năm 1995, thời điểm đó việc kinh doanh của ông Nguyễn Ngọc Du, người Từ Sơn (Bắc Ninh), rất thuận lợi. Ông mở cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ ở Bằng Tường (Trung Quốc) rồi dần dần tiến sâu vào trong nội địa, đi sang Thượng Hải khảo sát để chuẩn bị mở thêm cửa hàng.

Từ ông chủ đến trắng tay

Một buổi chiều cuối năm 1995, một Hoa kiều dẫn khách đến cửa hàng hỏi mua bộ bàn ghế và trả bằng 30 triệu đồng tiền Việt Nam.

"Mình không biết đó là tiền giả, mang về nước tiêu xài bình thường. Bạn bè mỗi người vay mấy triệu. Có một cô bạn tên Bích, vay tiền đi Hưng Yên.

Lúc cô ấy ngồi ở quán nước bên đường thì nghe bàn tán về vụ bắt tiền giả toàn 10.000 đồng, cô Bích buột miệng nói: Tôi mượn toàn 10.000 đồng của người ta mà không biết có bị tờ nào giả không… Công an theo dấu cô ấy lần tìm về nhà tôi" - ông Nguyễn Ngọc Du, giờ đã 54 tuổi, nhớ lại.

Rồi ông bị bắt vì tội tiêu thụ tiền giả.

Nhớ lại vụ án đó, ông Du cho hay: "Tòa xử tôi án 10 năm. Khi đến trại giam Tân Lập (Phú Thọ), tôi viết đơn chống án thì bị xử lên 20 năm . Tôi sợ quá không dám chống án nữa. Tôi nghe thì biết vụ mình thuộc án an ninh quốc gia và xử điểm vì là vụ án tiền giả đầu tiên ở Bắc Ninh".

Vốn là thợ mộc giỏi, trong tù ông Du đề xuất ý tưởng thành lập xưởng mộc dạy nghề cho phạm nhân. Xưởng lúc đầu có 25 học viên, sau lên 45 người. Điều bất ngờ là từ khi có xưởng mộc, trại giam bình yên hơn.

Ông Du kể: "Lúc tôi mới vào, trong trại người kêu cấp cứu liên tục, phạm nhân đụng chạm tí cũng đâm nhau chết, đi làm xích mích cũng đập nhau chết… Nhưng từ khi có xưởng mộc, tâm tính con người cũng thay đổi.

Có xưởng mộc, họ tự tin khi ra tù sẽ có cái nghề để sống. Học mộc khiến con người ta tỉ mỉ, kiên nhẫn, bớt nóng nảy hơn. Dần dần, trong trại không còn chuyện đánh nhau, đâm chém, vượt ngục trốn trại.

Trong tù bắt đầu có tôn ti trật tự riêng bất thành văn. Người lớn được gọi bằng chú, bằng anh. Người nhỏ hơn xưng cháu, xưng em. Trong bữa ăn phạm nhân đã biết mời nhau".

Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Du được đặc xá, sau 10 năm 7 tháng 24 ngày ở trong tù.

Ông cho hay: "Khi tôi về, nhà cửa thì dột nát. Con cái lớn hết cả. Lúc tôi đi tù, con gái mới học lớp 2, khi về con đã thi đại học. Ở nhà vợ tôi một nách làm lụng nuôi con, chỉ còn 32kg. Khi tôi đi tù, tất cả cửa hàng ở Trung Quốc đứng tên tôi, vợ không sang lấy về được nên mất hết".

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ cuối: Đứng dậy để giúp người khác - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Du - Ảnh: MY LĂNG

Làm lại cuộc đời

Một năm đầu mới ra tù, ông Du chỉ tập trung nghiên cứu thị trường. Năm sau, ông mở xưởng làm nhưng thất bại.

"Tôi ở trong tù gần 11 năm, lúc mới ra tù ngu ngơ không biết gì, toàn mua gỗ đắt về làm, bán không được hàng, bị thiệt hại 200 triệu đồng. Số tiền này tôi toàn vay mượn.

Sau thất bại đó, tôi không mở xưởng làm nữa mà đi buôn hàng, toàn buôn bằng… mồm, tức là dẫn khách Trung Quốc đến coi hàng của người ta rồi bán lại cho khách lấy chênh lệch" - ông Du nói.

Làm được một thời gian, có được một ít tiền, ông lại nhận đơn hàng làm. "Lúc đó ở đây, những đơn hàng mấy chục triệu đồng dân làng chê ít, không nhận. Tôi ở tù ra, thấy một giọt nước trong sa mạc cũng là quý.

Khách đặt một bộ, hai bộ bàn ghế tôi nhận hết, chắt chiu góp nhặt từng đồng. Cứ làm hai bộ thì lãi được một bộ gỗ. Lúc đầu khách đặt mỗi tháng làm một bộ, sau 45 ngày làm hai bộ, sau rút xuống 30 ngày.

Tôi làm ngày làm đêm. Khoảng năm tháng sau tôi nhận được đơn hàng lớn hơn. Lúc đó phải gọi thêm hai người thợ".

Khi đã tích cóp được một số vốn, ông Du mua một lượng gỗ trắc khá lớn. "Thời điểm đó gỗ trắc về rất rẻ mà không có người mua. Năm 2008, có lúc gỗ trắc rớt giá từ 10.000 đồng/kg xuống 3.000 đồng/kg.

Người ta lúc đó chuộng gỗ hương. Xe hàng gỗ trắc từ miền Nam ra, có 90.000 đồng/kg nhưng không ai mua. Chủ hàng năn nỉ mua giúp. Tôi không có tiền mua hết xe, chủ cho thiếu tiền.

Một năm sau, khi Trung Quốc không ăn hàng gỗ hương, chuộng hàng gỗ trắc thì giá gỗ trắc lên từng ngày. Từ 1 triệu đồng/kg rồi 1,8 triệu đồng/kg. Một bộ ghế, trước chỉ 100 triệu hoặc 150 triệu, sau lên 400 triệu rồi 600 triệu đồng.

Mỗi ngày lên một giá, sau lên 1 tỉ đồng! Hai năm liền làm gỗ trắc là khoảng thời gian tôi thu được nhiều tiền nhất" - ông Du thật thà kể.

Công việc ngày một thuận lợi. Đơn đặt hàng nhiều, ông Du thuê thợ lên đến hàng chục người, trong đó có những bạn tù về.

Năm 2011, công nhân lên đến hơn 20 người, thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng, có người 20 triệu đồng/tháng, ăn uống miễn phí. Nhiều anh em ra tù tìm đến ông để học nghề, nhiều người trong số đó sau này trở nên giàu có.

Giúp người khác

Từ năm 2007, dù còn khó khăn nhưng ông Du đã làm từ thiện. Bán một con heo được mấy triệu đồng, ông làm từ thiện hết.

Năm 2012, trong chuyến đi Mèo Vạc (Hà Giang), chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị lũ quét, lốc xoáy, ông mua mấy nghìn tấm lợp fibro ximăng chở lên tặng cho dân bản. Rồi ông đi phát quà.

"Nhìn cảnh đồng bào đi bộ hơn 20km trên đá tai mèo, mình mới thấy những món quà của mình ý nghĩa lắm. Họ nghèo đến gạo phải mua từng lạng".

Rồi ông đi nhiều nơi khác để làm từ thiện.

"Tôi nghĩ nhiều tiền cũng chỉ cơm ăn một ngày ba bữa, tối ngủ cũng một chỗ nằm. Nghèo nhất cũng chết. Giàu nhất, quyền lực nhất cũng chết. Chết rồi không mang theo được gì. Tiền bạc không quan trọng bằng việc ta nuôi dưỡng được cái tâm để con cái sẽ được hưởng phúc đức về sau. Vợ tôi cũng ủng hộ tôi làm từ thiện" - ông nói.

Cho đi để thanh thản

ra tù

Ông Du (đeo kính đen, góc trái) và nhóm Mai Vàng phát quà cho các cháu học sinh nghèo - Ảnh: MAI VÀNG

Trong một lần đi làm từ thiện, ông Du gặp bà Thanh Mai cùng sư thầy Thích Hạnh Vinh. Họ cùng nhau thành lập nhóm từ thiện Mai Vàng, đi phát quà cho đồng bào nghèo, các cháu học sinh vùng sâu vùng xa nhiều nơi trong cả nước với số tiền nhiều tỉ đồng.

Những năm qua, nhóm Mai Vàng hơn 60 lần đi xây trường, phát quà cho các cháu học sinh vùng sâu vùng xa, đồng bào nghèo khổ từ Nam ra Bắc.

"Cho đi để thanh thản. Tôi làm từ thiện không phải để lấy tiếng mà làm để chia sẻ cho chính mình" - ông Du nói.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên