Vụ xác trong bê tông: Người tập Pháp Luân Công nói gì?

Người tập luyện Pháp Luân Công ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người tập luyện Pháp Luân Công ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Vụ án hai thi thể trong thùng nhựa được phát hiện ở một căn nhà ở Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương làm chấn động dư luận Việt Nam trong nhiều ngày qua.

Công an Bình Dương xác định hai nạn nhân là Trần Đức Linh, 51 tuổi, gốc Nghệ An và ông Trần Trí Thành, gốc TP HCM.

Và bốn nghi phạm là Phạm Thị Thiên Hà, 31 tuổi; mẹ của Hà là bà Trịnh Thị Hồng Hoa, 66 tuổi; Lê Ngọc Phương Thảo, 29 tuổi và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên, 40 tuổi.

Nhiều báo trong nước đưa tin những người liên quan tới vụ việc cùng nhau di chuyển và tập luyện Pháp Luân Công.

Bốn nghi phạm khai, khi đang tập luyện ở Bà Rịa Vũng Tàu, ông Linh đã nhảy lầu tự tử. Nhóm thay vì báo cảnh sát thì đưa thi thể về Bình Dương tiếp tục tập luyện.

Tại Bình Dương, trong quá trình tập luyện, nhóm lại thấy Thành có những biểu hiện "không phù hợp", bốn người phụ nữ đã mua bình kích điện, chích điện khiến Thành bất tỉnh rồi dùng dây siết cổ.

Thi thể của ông Linh bị bỏ trong một thùng nhựa, đổ trà và dán băng keo. Thi thể của ông Thành thì bị cho vào một thùng nhựa khác, và bị đâm nhiều vết trước khi bị đổ đầy bê tông.

Vụ án gây chấn động khiến người bàn tán xoay quanh về đạo phái Pháp Luân Công này.

Một nhóm người dân khác tập luyện Pháp Luân Công bên bờ hồ ở Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhóm người dân khác tập luyện Pháp Luân Công bên bờ hồ ở Hà Nội

Người tập Pháp Luân Công nói gì?

Chị N. ở Hà Nội người đã tu luyện Pháp Luân Công nhiều năm nay nói với BBC rằng chị "bất ngờ, vì nếu là học viên của Pháp Luân Công thì sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra".

"Những người đến với Pháp Luân Công vì lý do rèn luyện sức khỏe thì tôi không dám khẳng định. Nhưng những người học theo pháp lý sư phụ giảng, thì tiêu chuẩn rất cao."

"Pháp Luân Công hướng theo chân - thiện - nhẫn, làm gì cũng phải nghĩ cho người khác. Nghiêm cấm sát sinh, và không được tự sát vì tự sát cũng là sát sinh."

Chị N. nói vụ án vẫn đang được điều tra nên phải chờ xem kết quả.

Anh Lê Hồng Phong, một người tu luyện Pháp Luân Công cũng đồng tình với quan điểm chị N. và đặt nghi vấn về hai quyển Kinh Tân Ước của đạo Công giáo được tìm thấy ở hiện trường, theo video của Báo 24h.

"Trong tu luyện Pháp Luân Công, thì phải 'bất nhị pháp môn', có nghĩa chỉ tu một môn. Khi đã tu luyện Pháp Luân Công rồi thì nếu ai theo Phật giáo thì nên bỏ, ai đã theo Công giáo thì nên bỏ. Cái này thì tôn giáo nào cũng có, người ta chỉ muốn người đi tu, nhất tâm đi theo một môn phái thôi."

Pháp Luân Công cũng không có khái niệm "Tẩy Tịnh" (tẩy bỏ cái dơ bẩn của cơ thể) và "Tịnh Cốc" (giai đoạn không ăn, không uống) cho đến khi thành "chánh quả" như các nghi phạm khai theo Tiền Phong, anh Phong nói với BBC.

"Trong Pháp Luân Công, chỉ có khái niệm 'Tịnh hóa' - sư phụ sẽ dùng pháp thân nhập vào người tu luyện, để đẩy chất độc ra khỏi cơ thể qua luyện tập. Không có giai đoạn nào nhịn ăn cả. Ăn uống hết sức bình thường."

Facebook

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp màn hình video clip của báo 24h về cuộc điều tra

Anh Phong cho biết một người bạn xin giấu tên của anh xác nhận đã từng tập luyện Pháp Luân Công với ba trong bốn nghi phạm của vụ án cách đây một thời gian ở Khánh Hòa. Điều này xác nhận ba trong bốn người đó là người theo tu luyện Pháp Luân Công.

Tuy nhiên, anh Phong nói rằng: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, trên đời không có người tốt và người xấu, chỉ có người làm theo chỉ giáo của tôn giáo, và người không làm theo chỉ giáo của tôn giáo ấy."

Anh Phong lấy ví dụ về ông Nguyễn Doãn Kiên, một người cũng theo học Pháp Luân Công, nhưng được biết đến vì muốn giật đổ tượng Lênin, đòi đập đổ tượng Hồ Chí Minh hồi 2014.

"Giật đổ tượng là hành vi phá hoại, xét theo pháp luật. Anh ấy vẫn ra tu luyện ngay bờ hồ. Nhưng với những người tu luyện, đấy là việc cá nhân mỗi người họ tự làm."

Chị N. cũng nói rằng những người "đã làm sai pháp lý chân-thiện-nhẫn, hậu quả thì họ phải nhận".

Chị N. cũng phủ nhận việc tu luyện Pháp Luân Công có nghĩa người tu luyện không uống thuốc, không đi khám bệnh.

"Tu luyện ấy không phải để chữa bệnh, tu luyện chân chính là tu tâm tính, tâm tính cao bao nhiêu thì thân thể nhẹ bấy nhiêu. Chẳng phải người ta nói bệnh là do tinh thần mà ra, bị bệnh là do 3 phần bệnh 7 phần tinh thần đó sao?"

"Ngoài ra khi tu luyện hiểu việc nhân quả là có thật thì sẽ không làm việc xấu nữa. Ví dụ như mình hay nói xấu người khác, trong tâm lúc nào cũng oán giận sẽ làm khí huyết không lưu thông là gây ra bệnh thôi. Và không cấm ai uống thuốc hay đi viện."

"Mong những ai đọc thông tin về Pháp Luân Công, thì hãy tìm hiểu… chứ không nên nghe lời đồn thổi."

Một số diễn đàn dành cho người tu học Pháp Luân Công cũng thảo luận về vụ việc này. Phần lớn cũng thể hiện quan điểm phủ nhận những người hãm hại nạn nhân không phải người tu học Pháp Luân Công chân chính.

facebook

Nguồn hình ảnh, facebook

Diễn biến mới nhất

Theo báo Tin Mới, ông Trần Đức Linh đã theo Pháp Luân Công khi trở về Việt Nam sau 15 năm làm ăn buôn bán ở Ukraina.

Chính ông hướng dẫn cho gia đình và một số người dân trong vùng tập luyện Pháp luân công. Từ tháng Hai năm ngoái, ông đã bán nhà, ôm tiền và xe đi biền biệt, ít liên lạc với gia đình. Cách đây một tháng, người nhà có gọi các nghi phạm của vụ án, hỏi về ông Linh thì nhận được câu trả lời: "Anh Linh đã đi sai đường."

Tuy nhiên, gia đình không tin ông Linh tự tử, và nghi ngờ ông đã bị hãm hại.

Bản thân gia đình ông Linh cũng nói việc tập Pháp Luân Công giống như "tập yoga, tập gym, để tăng cường sức khỏe và tinh thần và còn dạy con người phải có chân, thiện, nhẫn".

Ông Linh gặp Phạm Thị Thiên Hà khi Hà đến Nghệ An tu luyện.

Phạm Thị Thiên Hà từng đi du học nước ngoài và trở về TP HCM mở một quán cà phê khá thành công.

Một nghi phạm cũng có học vấn cao là Nguyễn Ngọc Tâm Huyên từng làm giảng viên một trường đại học ở Thủ Đức.

Về nguyên nhân tử vong, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Thành tử vong có thể do nghẹt thở, các vết thương trên cơ thể có thể bị đâm bằng vật sắc nhọn. Nhưng hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của ông Linh.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hai bên cổ ông Linh có dấu hiệu bầm tụ máu, lớp da và bên trong ngực có dấu hiệu bầm tụ máu nhưng không rõ ràng nên bác sĩ pháp y không có cơ sở để nhận định nguyên nhân tử vong, theo Tuổi Trẻ.