Biểu tình Pháp: Tháp Eiffel đóng cửa vì Paris sợ bạo động

Bạo lực từ cuộc biểu tình "áo vàng" đã gây sốc cho Pháp

Nguồn hình ảnh, Inpho

Chụp lại hình ảnh, Bạo động từ cuộc biểu tình "áo vàng" đã gây sốc cho Pháp

Tháp Eiffel ở Paris sẽ đóng cửa vào thứ Bảy trong bối cảnh lo ngại cuộc biểu tình "áo vàng" chống chính phủ sẽ gây ra bạo động trên đường phố.

Trên khắp nước Pháp, 89.000 cảnh sát sẽ phải đi làm và xe bọc thép sẽ được triển khai tại thủ đô, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố.

Cảnh sát đã kêu gọi các cửa tiệm và nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees của Paris đóng cửa và một số viện bảo tàng cũng sẽ đóng cửa.

Thứ Bảy tuần trước Paris đã chứng kiến ​​một số cuộc nổi dậy tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chính phủ cho biết họ đang loại bỏ việc tăng thuế nhiên liệu không được dân chúng chấp nhận trong ngân sách - kích hoạt ban đầu cho các cuộc biểu tình.

Nhưng sự bất mãn rộng lớn hơn với chính phủ đã lan rộng và các cuộc biểu tình đã tiếp tục nổ ra trên các vấn đề khác.

Chính quyền nói gì?

Một quan chức Bộ Nội vụ nói với cơ quan thông tấn AFP là chính quyền đang chuẩn bị đối phó với "bạo lực đáng kể" vào thứ Bảy, với các nhà hoạt động từ cả hai bên cực hữu và cực tả có kế hoạch hội tụ về thủ đô.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TF1, ông Philippe cho biết 8.000 cảnh sát cũng như một tá xe bọc thép sẽ được triển khai tại Paris.

Ông Philippe lập lại lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh nhưng nói thêm: "Chúng tôi đang đối mặt với những người không đến đây để phản đối, nhưng để phá hủy và chúng tôi muốn có phương tiện để không cho muốn làm gì thì làm."

Trước đó, ông Philippe đề nghị nhượng bộ những người biểu tình thêm nữa, nói với Thượng viện rằng chính phủ đã mở ra những biện pháp mới để giúp những người lao động với đồng lương ít ỏi nhất.

Chụp lại video, Hơi cay bao bọc phố phường quanh Khải hoàn môn

Paris sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Giới điều hành tháp Eiffel cho biết các mối đe dọa của bạo lực từ biểu tình vào thứ Bảy khiến họ không thể nào đảm bảo "điều kiện an ninh đầy đủ".

Chính quyền thành phố cho biết đang đẩy mạnh thêm các biện pháp bảo vệ địa danh nổi tiếng này sau khi Khải Hoàn Môn bị hư hại tuần trước.

Bộ trưởng bộ Văn hóa Franck Riester cho biết các bảo tàng viện Louvre và Orsay, nhà hát opera và khu phức hợp Grand Palais nằm trong số những địa điểm sẽ đóng cửa.

"Chúng tôi không thể để rủi ro xẩy ra khi biết có mối đe dọa", ông nói với đài phát thanh RTL.

Cảnh sát đã yêu cầu các cửa tiệm và nhà hàng dọc theo đại lộ Champs-Elysees và các phố mua sắm lớn khác đóng cửa và không để bất cứ vật dụng như bàn ghế ở ngoài trời.

Một loạt các trận đấu bóng đá hôm thứ Bảy cũng đã bị hoãn lại. Trong đó có những trận giữa Paris và Montpellier, Monaco và Nice, Toulouse và Lyon, và Saint-Etienne và Marseille.

Cảnh sát cô lập khu vực quanh Tháp Eiffel trong các cuộc biểu tình tuần trước

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát cô lập khu vực quanh Tháp Eiffel trong các cuộc biểu tình tuần trước

Đã có những cuộc biểu tình nào trước đó?

Hôm thứ Năm, nhiều người trẻ tuổi đã xuống đường, phản đối cải cách giáo dục.

Hơn 140 học sinh bị bắt khi cuộc biểu tình bên ngoài một trường học ở Mantes-la-Jolie ở Yvelines kết thúc trong các vụ đụng độ với cảnh sát. Hàng chục trường khác bị phong tỏa ở các thành phố như Marseille, Nantes và Paris.

Cảnh sát bắt giữ học sinh trường trung học Saint-Exupery trong cuộc biểu tình

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát bắt giữ học sinh trường trung học Saint-Exupery trong cuộc biểu tình

Học sinh tức giận vì kế hoạch thay đổi kỳ thi cuối kỳ, được gọi là bằng cử nhân, của Tổng thống Emmanuel Macron. Học sinh cần vượt qua kỳ thi này để được vào đại học.

Giới phê bình lo sợ những cải cách sẽ hạn chế cơ hội cho mọi người và tạo ra bất bình đẳng xã hội.

Những người biểu tình là ai?

Những người biểu tình "áo vàng", được đặt tên như vậy vì họ xuống đường phố mặc quần áo màu vàng có thể nhìn thấy rõ từ xa, ban đầu phàn nàn về thuế dầu diesel tăng mạnh.

Tổng thống Macron cho biết động lực của ông trong việc tăng giá là vì môi trường, nhưng những người biểu tình cáo buộc ông không nắm rõ được sinh hoạt của dân.

Chính phủ sau đó đã loại bỏ kế hoạch tăng giá xăng, nhưng những người biểu tình áo vàng vẫn không được xoa dịu. Tuần trước, phong trào này - mặc dù thiếu lãnh đạo trung ương - đã đưa ra hơn 40 yêu sách cho chính phủ.

Trong số đó có lương hưu tối thiểu, cải tổ rộng rãi hệ thống thu thuế và giảm tuổi nghỉ hưu.

Phong trào biểu tình lan tỏa mạnh qua các phương tiện truyền thông xã hội, thu hút được người từ mọi thành phần tham gia từ phía đối lập chính phủ cực tả đến phía theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, và những người ở giữa.