Biểu tình Hong Kong: Giới vận động và thanh niên Việt Nam nghĩ gì?

  • Allie Bùi
  • Gửi đến BBC từ TP HCM
Nhiều người đổi ảnh đại diện để sát cánh cùng người dân Hong Kong

Nguồn hình ảnh, FB Nhân vật

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người đổi ảnh đại diện để sát cánh cùng người dân Hong Kong

Tuần qua, khoảng 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình để ngăn đạo luật dẫn độ cho phép đem nghi phạm về xét xử ở Trung Quốc, mà theo họ, sẽ khiến Hong Kong bị đặt vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc, dẫn đến sự xói mòn nền độc lập tư pháp của khu vực hành chính này.

Cuộc biểu tình với phần lớn là thanh niên Hong Kong khiến giới trẻ Việt Nam và nhất là những người thuộc các tổ chức vận động nghĩ gì? Tôi đã tìm hiểu điều này và xin trình bày các ý kiến thu lượm được dưới đây:

Thay ảnh đại diện để ủng hộ

Ngày 12/06, cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong được ghi nhận đã leo thang khi cảnh sát sử dụng nhiều loại vũ khí như đạn cao su, đạn hơi cay, bình xịt hơi cay để đẩy người biểu tình ra khỏi tòa nhà Viện Lập pháp.

Ngay hôm đó, không ít tài khoản Facebook ở Việt Nam đã đồng loạt đổi ảnh đại diện với biểu tượng từ lá cờ Hong Kong được khởi xướng từ trang mạng Hong Kong Anti Extradition Law cùng khẩu hiệu "Khi chế độ độc tài là hiện thực, cách mạng trở thành một nghĩa vụ".

Ông Nguyễn Đình Hà, một luật gia ở Hà Nội chia sẻ suy nghĩ:

"Với cá nhân tôi, thay ảnh đại diện là cách thể hiện tôi ủng hộ và đứng về phía người dân Hong Kong. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc biểu tình chống một dự luật mà là việc bảo vệ nền dân chủ, tự do. Việc đổi avatar giúp lan tỏa về mặt tinh thần. Khi càng nhiều người thay ảnh, càng nhiều người khác sẽ tò mò và chú ý đến sự kiện. Nhất là khi đàn áp đang gia tăng ở Hong Kong".

Là người được sinh ra trong trại tị nạn Hong Kong, Hoàng Thành - thành viên nhóm Green Trees Hà Nội nói:

"Tôi xem Hong Kong là quê hương thứ hai của mình và bước ngoặt khiến tôi quan tâm tới Hong Kong nhiều hơn là Phong trào Dù vàng 2014. Những nhà lãnh đạo phong trào lúc đó - như Josua Wong đã tạo nên hàng nghìn các nhà lãnh đạo tiềm năng khác. Vì thế, tôi đổi avatar thể hiện mình đứng về phía người dân Hong Kong, ủng hộ tự do và những người trẻ".

Trang thông tin Phong trào Dù vàng - Hồng Kông đưa tin về cuộc biểu tình chống luật Dẫn độ

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Trang thông tin Phong trào Dù vàng - Hồng Kông đưa tin về cuộc biểu tình chống luật Dẫn độ

Trong diễn biến đó, trang mạng mang tên "Phong trào Dù vàng - Hong Kong" liên tục cập nhật thông tin về cuộc biểu tình ở Hong Kong những ngày qua đã nhận được nhiều phản hồi, đa phần từ những người trẻ, ở độ tuổi 18-34 tuổi (chiếm 45%) về sự kiện này.

Nguyễn Anh, quản trị trang "Phong trào Dù vàng - Hồng Kông" trả lời BBC Việt Ngữ:

"Chúng tôi là một nhóm yêu mến Hong Kong và phong trào dân chủ sáng tạo, thông minh, hoà bình từ thời Occupy - Dù Vàng Hong Kong. Chúng tôi nhận thấy nhiều tin bên lề rất hay, rất sát với tình hình Việt Nam mà Việt Nam có thể học hỏi nhưng các bài báo chính thống lại không đưa tin. Vì vậy, chúng tôi quyết định chia nhau ra để theo dõi và cập nhật.

Mặc khác, bản thân tôi không thích sự độc tài của Trung Quốc nên đây có thể xem như một cách ủng hộ tinh thần tự do của người Hong Kong".

Vì sao người trẻ Hong Kong xuống đường?

Năm 2014, cuộc biểu tình được coi là "Cách mạng ô dù" hay Dù Vàng là cuộc biểu tình của sinh viên, thanh niên Hong Kong nhằm đòi phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong 2017.

Trong cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ năm 2019, sinh viên và thanh niên Hong Kong cũng là thành phần chính, tham gia quyết liệt với nhiều hình thức như bãi học, tọa kháng, và xích tay khi đi biểu tình.

Theo bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), hiện đã sang Hoa Kỳ sau khi bị đưa đi khỏi Việt Nam, điều này cho thấy phong trào học sinh sinh viên đã lớn mạnh hơn cách đây năm năm khá nhiều:

"Theo dõi tin tức sẽ thấy công tác tổ chức, phương thức lựa chọn thời điểm và chủ đề để có thêm quần chúng tham gia của cuộc biểu tình được chuẩn bị rất tốt. Quan trọng hơn, phong trào lần này không chỉ có sinh viên, thanh niên mà những thành phần khác trong xã hội như bác sĩ, luật sư đã bắt đầu bước chân xuống đường để lên tiếng. Phải nói rằng, các bạn trẻ Hong Kong đã thành công trong việc đánh động ý thức bảo vệ nền dân chủ tự do mà họ được thừa hưởng" - bà Như Quỳnh nhận định nói với BBC.

Sinh viên Hong Kong đi biểu tình với vòng dây xích trên tay

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Sinh viên Hong Kong đi biểu tình với vòng dây xích trên tay

Về khía cạnh này, quản trị trang "Phong trào Dù vàng - Hong Kong" nói thêm rằng, người dân Hong Kong được dạy bài bản về quyền công dân, các công ước quốc tế nên họ hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ công dân:

"Sự tham gia của nhiều người trẻ là sinh viên thời Dù Vàng sau đó thành lập các đảng trẻ như Demosito, có các nghị sĩ trẻ như Nathan Law trúng cử khi mới 23 tuổi, khiến chính trị gần gũi với người trẻ, là sự cổ vũ và niềm cảm hứng lớn cho giới trẻ" - Nguyễn Anh nhấn mạnh.

Nghị sĩ trẻ Nathan Law là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Nghị sĩ trẻ Nathan Law là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Hong Kong

Còn nhà hoạt động xã hội Nguyễn Trường Sơn thì cho rằng:

"Làn sóng biểu tình chống lại dự luật dẫn độ lần này là kết quả của một quá trình tích tụ sự ức chế của xã hội Hong Kong, đặc biệt là những người trẻ. Phong trào Dù Vàng năm 2014 với lực lượng nòng cốt là học sinh, sinh viên và thanh niên dù rất sôi nổi nhưng lại thất bại trong việc buộc chính quyền Hong Kong nghe theo yêu sách của họ. Sự thất bại này càng làm tăng thêm ức chế xã hội và việc xây dựng luật dẫn độ như giọt nước tràn lý khiến giới trẻ Hong Kong phải xuống đường như lời thề năm xưa "We'll be back" (Chúng tôi sẽ trở lại)".

Có sự giống và khác gì?

Cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ ở Hong Kong ngày 9/6/2019 khiến nhiều người nhớ đến cuộc xuống đường phản đối đạo luật an ninh mạng và luật đặc khu ở Việt Nam ngày 10/6/2018.

Nhiều người chia sẻ bức ảnh đám đông biểu tình ở Hong Kong và Việt Nam như một cách cổ động cho phong trào dân sự, dân chủ ở cả hai nơi.

Cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến nhiều người nhớ đến kiện biểu tình chống luật Đặc khu ở Việt Nam ngày 10/6/2018

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến nhiều người nhớ đến kiện biểu tình chống luật Đặc khu ở Việt Nam ngày 10/6/2018

Nhân viên pháp lý Trần Đại Lâm nói:

"Các bạn trẻ Hong Kong cho thấy sự tươi mới và đây là dấu hiệu tích cực cho thấy giới trẻ ý thức được quyền của mình. Với tôi, là bài học về dân chủ cho người trẻ Việt Nam biết cách thức thực hiện quyền tự do hội họp của mình. Ở Hong Kong, họ có đội ngũ tình nguyện những người mang ô dù, dặn nhau mang kính bảo hộ, mang nước, hay cầm biển để thông báo: bên phải là đi làm, bên trái là đi biểu tình rất trật tự".

Nguyễn Định - thành viên YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) cho rằng, khác với các nhà hoạt động xã hội, hầu hết các bạn sinh viên Việt Nam vẫn còn xa lạ với việc tham gia phong trào lên tiếng tự phát:

"Chính phủ Việt Nam và lẫn các cơ sở giáo dục đều không khuyến khích các hoạt động này. Việc tham gia vào các phong trào không có sự cho phép chính thức từ các cơ quan công quyền tại Việt Nam có thể dẫn đến các hậu quả như bị đuổi học, bị làm khó không được ở trọ hay xin việc. Dó đó, một bức từng sợ hãi đã được đựng lên khiến giới trẻ Việt Nam chùn bước với các hoạt động dân sự".

Còn bạn Nguyễn Thu Thảo, một người sống tại TP HCM thì nói:

"Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong khiến tôi cảm thấy nể phục, có phần ganh tị với giới trẻ Hong Kong vì thói quen quan tâm đến tình hình chính trị, không chịu được sự thắt chặt dần tự do của Trung Quốc của các bạn ấy. Đây là kết quả của việc được thừa hưởng nền giáo dục dân chủ, tự do của Anh.

Đồng thời, các bạn nhận được sự ủng hộ của gia đình, chứ không phải riêng bản thân đứng lên thể hiện tiếng nói của thế hệ mình chứ không cô đơn hay chịu ảnh hưởng bởi KOL nào trên mạng xã hội như hầu hết các bạn trẻ ở Việt Nam".

Nhiều người trẻ ở Việt Nam cũng tham gia chống luật Đặc khu và luật An ninh mạng ngày 10/6/2018

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGE

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người trẻ ở Việt Nam cũng tham gia chống luật Đặc khu và luật An ninh mạng ngày 10/6/2018

Là chủ nhiệm trang Tinh thần Khai Minh, Nguyễn Vi Yên nhận xét:

"Các thủ lĩnh của phong trào Dù Vàng đã liên tục bị kết án và bỏ tù, điển hình là thủ lĩnh Hoàng Chi Phong vừa mới bị bắt giam lại tháng trước. Với những khó khăn như vậy nhưng lý tưởng tranh đấu của người dân Hong Kong vẫn không bị dập tắt. Tinh thần dấn thân không ngừng nghỉ là một điều mà chúng ta nên học hỏi ở người trẻ Hong Kong".

"Một năm về trước, một cuộc biểu tình tương đối lớn đã nổ ra ở Việt Nam nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, song nhiều người đã bị đàn áp, tra tấn, hàng chục người trong số đó hiện vẫn còn bị giam giữ và chịu án tù.

Với môi trường chính trị khắc nghiệt như ở Việt Nam, chúng ta chưa thể kỳ vọng rằng người trẻ Việt Nam có thể học hỏi ngay những gì mà giới trẻ Hong Kong đang làm nhưng mọi phong trào, muốn thành công, đều cần được nuôi dưỡng và thử thách," cô Vi Yên kết luận.

---

Bài viết thể hiện cách hành văn riêng của nữ tác giả, một cây bút tự do hiện sống tại TPHCM.