16/01/2019 19:03 GMT+7

Bộ trưởng họp với 700 điểm cầu bàn cách giảm tai biến sau tiêm chủng

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sau hơn một tháng sử dụng vắcxin 5 trong 1 mới (ComBE Five) trong tiêm chủng mở rộng, tỉ lệ tai biến nặng sau tiêm ghi nhận được là 0,05% và đã có ba trẻ em ở Nam Định và Hà Nội tử vong.


Bộ trưởng họp với 700 điểm cầu bàn cách giảm tai biến sau tiêm chủng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bế cháu bé đến Trạm y tế xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội để tiêm vắcxin sáng 9-1 - Ảnh: L.ANH

Chiều nay 16-1, bộ trưởng Bộ Y tế, các chuyên gia về dự phòng và điều trị, đặc biệt là chuyên gia về tiêm chủng, xử trí sốc phản vệ và nhi khoa đã có cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu, với cán bộ tiêm chủng và điều trị các tuyến.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vắcxin 5 trong 1 ComBE Five đang sử dụng ở Việt Nam là vắcxin có thành phần ho gà toàn tế bào, có kháng nguyên mạnh, khi tiêm sẽ sinh kháng thể mạnh có hiệu quả phòng bệnh cao, nhưng đồng thời cũng gây những phản ứng như sốt, sưng đỏ, đau vết tiêm... Những bé bụ bẫm càng có tỉ lệ sốt cao hơn. 

"Đó là phản ứng của cơ thể với vắcxin" - bà Tiến nói.

Tuy nhiên, đã có những trường hợp phản ứng mạnh xảy ra: có ba trẻ trên 2 tháng tuổi ở Nam Định và Hà Nội tử vong 1-2 ngày sau tiêm vắcxin này trong tháng 12-2018 và đầu tháng 1 này. 

"Tiêm chủng về lý thuyết chắc chắn không an toàn tuyệt đối, vì chúng ta đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể để phòng bệnh cho trẻ. Nhưng chúng ta không muốn xảy ra tai biến, hội nghị này là để giảm tối đa các nguy cơ" - bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã hướng dẫn cán bộ tiêm chủng và điều trị ở các tuyến về phác đồ chống sốc sửa đổi, đặc biệt là cách hướng dẫn cho cha mẹ trẻ biết các phản ứng sau tiêm để xử trí kịp thời: biểu hiện như thế nào là phản ứng nhẹ, khi nào được coi là phản ứng mức trung bình và nặng. 

Đồng thời yêu cầu cán bộ tiêm chủng chú ý khâu khám sàng lọc trước tiêm, khai thác kỹ tiền sử của trẻ như có sinh non không, có dị ứng thức ăn không, cha mẹ có bị dị ứng không...

Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, tỉ lệ trẻ có sốt và các phản ứng khác sau tiêm vắcxin ComBE Five tương đương vắcxin Quinvaxem đã dùng ở Việt Nam nhiều năm, nhưng khảo sát cho thấy phản ứng nặng sau tiêm ComBE Five đến muộn hơn. 

"Cha mẹ nên chuẩn bị nhiệt kế để đo cho trẻ để biết khi nào trẻ sốt cao, hay trẻ li bì, quấy khóc nhiều, khó thở và đưa trẻ đến cơ sở y tế" - ông Điển cho biết.

Thống kê cho thấy tỉ lệ sốc phản vệ tại Mỹ là 50/100.000 dân, tử vong 1%/tổng số ca sốc phản vệ. Tại Việt Nam, tử vong là 1,8%/tổng số sốc phản vệ. Nhưng theo chuyên gia xử trí sốc phản vệ tại cuộc họp, đây chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". 

Tại Việt Nam từng có trường hợp nhân viên y tế đã thử phản ứng với kháng sinh và kết quả thử là an toàn, nhưng khi tiêm thì bệnh nhân tử vong, hoặc có người đã bị phản ứng rất nặng sau khi ăn, uống thực phẩm lạ (có người đã hôn mê sau khi ăn dọc mùng).

Các nguyên tắc cán bộ y tế cần chú ý khi tiêm chủng:

- Hỏi kỹ về tiền sử của trẻ khi khám sàng lọc và có chỉ định tiêm hay hoãn tiêm phù hợp.

- Tư vấn cho gia đình về các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện, cách theo dõi và xử trí.

- Theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm tại trạm y tế, phối hợp với gia đình theo dõi trẻ tại nhà.

Hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm vắc xin mới ComBE Five Hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm vắcxin mới ComBE Five

Sau khi tiêm vắcxin, cha mẹ cần biết cách theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà, đặc biệt không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên