24/01/2019 09:32 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ cuối: Ấn Độ và Nga trừng trị gián điệp

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hiện nay, các quốc gia đều có luật riêng về gián điệp song các chuyên gia luật pháp quốc tế ghi nhận pháp luật quốc tế không có luật điều chỉnh vấn đề chống gián điệp nước ngoài.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ cuối: Ấn Độ và Nga trừng trị gián điệp - Ảnh 1.

Kỹ sư Ấn Độ Nishant Agrawal bị dẫn giải ra tòa ngày 11-10-2018 - Ảnh: PTI

Mọi can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của chúng ta, mọi hình thức gây sức ép đối với Nga, các đồng minh và đối tác của chúng ta đều không thể chấp nhận.

Tổng thống Vladimir Putin

Theo BBC, 10 cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới năm 2018 gồm Cục Tình báo liên quân Pakistan (ISI), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan Tình báo quân sự Anh (MI6), Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB), Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND), Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE), Cơ quan Nghiên cứu và phân tích Ấn Độ (RAW), Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, Cơ quan Tình báo mật Úc (ASIS) và Viện Tình báo và đặc vụ Israel (Mossad).

Ấn Độ: 14 năm tù cho hành vi gián điệp

Tại Ấn Độ vào tháng 10-2018, kỹ sư Nishant Pradeep Agrawal làm việc tại Trung tâm nghiên cứu tên lửa BrahMos Aerospace Pvt Ltd (BAPL) ở Nagpur đã bị bắt chiếu theo Luật về bí mật nhà nước.

Agrawal đã tiếp xúc với tình báo Pakistan qua hai tài khoản Facebook và chuyển thông tin kỹ thuật tuyệt mật cho Pakistan và Mỹ. Trong quá trình khám xét, cảnh sát đã tìm thấy thông tin mật trong máy tính nghi phạm.

BAPL là liên doanh Ấn Độ - Nga, chuyên sản xuất các thành phần chủ chốt của tên lửa BrahMos, tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới có thể phóng đi từ đất liền, tàu bè, máy bay hoặc tàu ngầm. Agrawal làm việc cho BAPL được bốn năm, từng nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ năm 2017-2018 nhưng vẫn bán mình cho ngoại bang.

Luật về bí mật nhà nước là đạo luật chống gián điệp của Ấn Độ, quy định mọi hành vi trợ giúp quốc gia thù địch chống lại Ấn Độ sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. 

Luật cấm đến gần, quan sát hay ngay cả đi vòng quanh vị trí hay khu vực cấm. Chỉ người có thẩm quyền mới được quyền sử dụng bí mật nhà nước. Người vi phạm sẽ bị phạt đến 14 năm tù. Nếu công ty sai phạm, toàn bộ ban quản trị sẽ bị xử phạt.

Nếu Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc quan tâm trước tiên đến các mối đe dọa trong nước, Đài Loan, Hong Kong rồi mới tới Mỹ, Nhật, thì RAW của Ấn Độ tập trung vào Pakistan rồi mới đến nguy cơ trong nước và Trung Quốc - đồng minh của Pakistan.

RAW phụ trách công tác tình báo nước ngoài. Trước năm 1968, lĩnh vực này do Cục Tình báo phụ trách. Sau một tháng xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1962, Ấn Độ nhận ra cần phải có cơ quan tình báo nước ngoài riêng nên thành lập RAW vào năm 1968. 

Khác với CIA của Mỹ hay MI6 của Anh, RAW nhận chỉ đạo trực tiếp từ thủ tướng chứ không phải Bộ Quốc phòng. Người lãnh đạo RAW mang hàm bộ trưởng. 

Từ giai đoạn mới thành lập, RAW đã duy trì quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo Mossad của Israel để khai thác kiến thức về Đông Á và Bắc Phi cùng với kỹ thuật chống khủng bố. RAW cũng duy trì quan hệ hợp tác ba bên với tình báo Afghanistan và Nga.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ cuối: Ấn Độ và Nga trừng trị gián điệp - Ảnh 3.

Công dân Na Uy Frode Berg (phải) và luật sư người Nga tại tòa án ở Matxcơva tháng 6-2018 - Ảnh: NTB scanpix

Nga: Án tù giam đến 20 năm

Theo công bố của Tổng thống Vladimir Putin, đã có hơn 400 gián điệp bại lộ tại Nga trong năm 2017. Ước tính số điệp viên nước ngoài hoạt động tại Nga khoảng 4.000 người. Rất ít gián điệp nước ngoài bị lộ phải ngồi tù. Thông thường điệp viên bị lộ chỉ bị Nga trục xuất và thông tin cũng không được tiết lộ rộng rãi cho báo chí.

CIA là một trong những đối thủ đáng gờm của các cơ quan tình báo Nga. Ngày 14-5-2013, nhà ngoại giao Ryan Fogle - bí thư thứ ba Đại sứ quán Mỹ tại Nga - bị bắt vì âm mưu tuyển mộ nhân viên tình báo FSB làm nội gián. Nga cho rằng Ryan Fogle làm việc cho CIA. 

Ryan Fogle được trả tự do sau một đêm tạm giữ và vài ngày sau bị trục xuất về nước. Sau khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc chiến tại miền Đông Ukraine bùng nổ, Ukraine đã tăng cường hoạt động tình báo tại Nga.

Gián điệp nước ngoài quan tâm đặc biệt đến chương trình trang bị vũ khí hiện đại của Nga. Cuối năm 2018, sĩ quan cảnh sát Aleksej Zhitnjuk người Nga đã bị kết án 13 năm tù vì chuyển tài liệu mật hải quân Nga cho Frode Berg người Na Uy. 

Frode Berg 63 tuổi, làm việc cho Ủy ban Biên giới Na Uy, về hưu năm 2014 và sau đó cộng tác với Cơ quan Tình báo Na Uy. Frode Berg bị bắt tại Matxcơva hồi tháng 12-2017. 

Lúc bị bắt người này mang trong người 3.000 euro tiền mặt. Cơ quan điều tra Nga cho rằng Frode Berg định dùng số tiền ấy mua thông tin mật về hạm đội biển Bắc. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào tháng 2-2019 với bản án lên đến 20 năm tù giam.

Hiện nay, Cục Phản gián trực thuộc FSB đảm trách công tác phản gián. Nhiều cơ quan tình báo khác như Cơ quan Tình báo nước ngoài liên bang Nga (SVR) hay Tổng cục Bộ tổng tham mưu quân đội liên bang Nga (GU) cũng có đơn vị phản gián riêng.

Để ngăn chặn gián điệp nước ngoài, tháng 7-2012 Tổng thống Putin đã ban hành luật về các nhân viên nước ngoài. Luật có tên gọi dài ngoằng là "Các sửa đổi đạo luật liên bang Nga về điều chỉnh hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận có chức năng như nhân viên nước ngoài". Luật này gồm nhiều điều luật sửa đổi liên quan đến các đạo luật hiện hành. 

Tương tự các đạo luật về an ninh quốc gia và can thiệp nước ngoài của Úc được thông qua cuối tháng 6-2018, luật của Nga quy định các tổ chức phi lợi nhuận có nhận tiền quyên góp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chính trị phải đăng ký và phải xưng danh là nhân viên nước ngoài.

Hiện nay, các quốc gia đều có luật riêng về gián điệp song các chuyên gia luật pháp quốc tế ghi nhận pháp luật quốc tế không có luật điều chỉnh vấn đề chống gián điệp nước ngoài. Chuyên gia Emily Crawford ở Đại học Sydney (Úc) đánh giá Công ước Genève là công ước tiếp cận gần nhất với quan điểm gián điệp nước ngoài nhưng Công ước Genève lại chỉ được áp dụng trong thời chiến.

Cựu bộ trưởng Israel làm gián điệp

kỳ cuối ảnh box - cgd 3(read-only)

Cựu bộ trưởng - gián điệp Gonen Segev (giữa, áo sọc) tại tòa án ở Jerusalem vào tháng 7-2018 - Ảnh: AP

Ngày 9-1, Bộ Tư pháp Israel thông báo theo thỏa thuận nhận tội giữa cơ quan công tố và bị cáo, cựu bộ trưởng năng lượng và cơ sở hạ tầng Gonen Segev (62 tuổi) bị kết án 11 năm tù về tội làm gián điệp cho kẻ thù nước ngoài trong thời chiến. Tòa sẽ tuyên án vào ngày 11-2 tới.

Gonen Segev nguyên là đại úy không quân, học xong bác sĩ được bầu làm dân biểu rồi giữ chức bộ trưởng từ năm 1995-1996. Từ năm 2012, Gonen Segev đã liên lạc nhiều lần với nhân viên tình báo Iran và cung cấp nhiều thông tin mật về năng lượng, vị trí trú đóng của các cơ quan an ninh Israel và tên tuổi người phụ trách.

Để thu thập thông tin, bị cáo móc nối với các quan chức và doanh nghiệp. Gonen Segev bị bắt hồi tháng 5-2018. Cựu bộ trưởng này có hai tiền án về âm mưu lừa đảo và buôn thuốc lắc.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên