18/06/2019 18:56 GMT+7

Chị đã giải phóng mình rồi, em ạ!

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (GIẢNG VIÊN TÂM LÝ)
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (GIẢNG VIÊN TÂM LÝ)

TTO - Nhớ lần đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai đến tháng thứ tám, chị nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ chỉ chỗ chồng đang hú hí với một người đàn bà khác...

Chị đã giải phóng mình rồi, em ạ! - Ảnh 1.

Nắm tay nhau chung bước trên chặng đường sóng đôi - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Chị gần như mất hết sinh lực, may mà hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Vậy mà mẹ chồng chị nói một câu nhẹ tênh: "Nó đi rồi nó sẽ về con ơi! Hơi đâu mà nghĩ ngợi cho khổ thân. Đàn ông vốn là con ngựa bất kham, chùn chân mỏi gối thì nó sẽ về".

“Sống chung với lũ” cũng không được yên

Từ đó đến nay cũng đã hơn 10 năm, nhưng chồng chị vẫn chứng nào tật đó. Thậm chí có những cô gái vốn là bồ của chồng chị, giờ bị bỏ rơi lại muốn kết bạn với chị để có nơi chia sẻ vì "cùng cảnh ngộ". 

Mới đây, một cô gái mặt mày non choẹt, có khi chỉ hơn con gái đầu của chị đôi ba tuổi, nhắn tin "dằn mặt" chị: "Xét về mọi mặt từ sắc đẹp, tuổi tác đến sức khỏe và độ quyến rũ, chị không thể so được với tôi. Vậy chị hãy viết đơn ly hôn để trả anh ấy cho tôi, ít ra chị còn giữ được chút thể diện, khỏi mang tiếng là bị chồng ruồng bỏ". 

Chị chỉ nhắn vài câu tỉ tê: "Những người như em chị gặp nhiều, để xem được bao lâu, cuối cùng rồi anh ta cũng chán em như những cô gái trước đó thôi". Thế mà đúng thật, dăm bữa nửa tháng, chị lại thấy cô ấy rên rỉ, kêu la vì không chịu nổi thói trăng hoa, bắt cá mấy tay của chồng chị.

Người đồng tình thương cảm cho chị thì bảo chị kiên cường, cao tay, biết cách nhẫn nhịn để giữ chồng cho mình và giữ cha cho các con. 

Trong thời buổi tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng, sức chịu đựng của chị được một số bà mẹ đem ra răn dạy con gái khi về nhà chồng: "Khổ như con Cát mà nó còn chịu đựng được thì tụi bây đừng cứ hở có chuyện gì xích mích, cãi vã nhau là xách vali về nhà mẹ và đòi chia tay". 

Nghe mà xót xa đến đắng lòng, giỏi giang gì đâu, tốt đẹp gì đâu mà bảo người ta noi gương học theo, làm theo. Số người phản đối thì không thể chấp nhận và cũng không tin chị có thể thủ phận, cam chịu suốt thời gian dài như thế. 

Chị từng nói với họ trong nỗi ấm ức, buồn tủi: "Bỏ anh ta thì ai rước tôi, dù có đui, què, mẻ, sứt thì có chồng vẫn hơn". Đến nay, chị vẫn không biết bản thân hơn người ta cái gì ngoài nỗi ô nhục.

Nghe câu chuyện chị kể, không ai có thể ngờ rằng chị hiện đang là giảng viên có tiếng về chuyên môn của một trường đại học lớn trong thành phố. 

Chị chia sẻ: "Dao sắc không gọt được chuôi em ơi! Chị đã giảng dạy bao nhiêu thế hệ cách đấu tranh để được tôn trọng và bình đẳng. Nhưng chính chị lại bế tắc thật sự, suy cho cùng cách nào chị đang làm cũng đều là buông bỏ, chị chỉ chọn cách mà ít người bị tổn thương hơn. Một mình chị đau là đã khổ lắm rồi! Chị mà chia tay chắc hai đứa con chị còn khổ hơn".

Giải phóng mình

Chị cứ nghĩ mình chịu đựng như thế thì có ngày anh sẽ suy ngẫm mà quay về, ai ngờ có lần anh đi đâu về muộn, vẫn thấy chị vừa ngồi làm việc vừa canh anh về để hỏi han đôi lời, anh hỏi chị một câu: "Thế lòng tự trọng của cô bị sâu mọt gặm nhấm hết rồi hay sao mà cô cứ đeo bám vào cái danh của tôi làm gì, chẳng lẽ thông minh như cô mà phải bắt tôi nói toạc móng heo thì cô mới chịu buông tha cho tôi à?".

Tất cả những câu giày vò, cay nghiệt của chồng như những mũi dao cứa vào da thịt chị, khiến chị như rụng rời hết tay chân. 

Dù tan nát cả cõi lòng, nhưng chị cũng tỉnh ngộ ra rằng những gì mình hi sinh không nên để chồng chà đạp thêm nữa. Như giọt nước tràn ly, chị đã nghĩ đến cách để giải phóng mình. Điều chị không ngờ nhất chính là đứa con gái đang học đại học rất ủng hộ việc ly hôn của vợ chồng chị. 

Con bé chân thành bảo mẹ: "Đã đến lúc mẹ phải sống cho mình đi, chuyện ba ruồng rẫy mẹ và bồ bịch lăng nhăng hai chị em con biết hết, nhưng con không biết làm sao để kéo ba về. Nếu lấy một người chồng như ba, con ở vậy còn hơn. Chị em con rất buồn khi gia đình mình không được hạnh phúc, đầm ấm như những gia đình khác, nhưng chúng con sẽ buồn hơn khi biết mẹ níu kéo những thứ không có thực. Một gia đình khuyết mà vui vẻ còn hơn một gia đình đủ đầy nhưng giả tạo, gượng ép, lạnh lùng".

"Chị đã giải phóng mình rồi, em ạ!". Nghe câu nói nhẹ bẫng của chị sau bao nhiêu ngày trăn trở, sao tôi lại cảm thấy mừng cho chị.

Nghĩ lại những ngày tháng qua, chị nhận thấy chính sự nhân nhượng của mình đã cổ xúy cho thói lăng nhăng của chồng. Nếu chị cương quyết hơn, mạnh mẽ hơn, có lẽ anh không trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Đúng là phụ nữ, dù bị xô đẩy, chà đạp vẫn cứ bao dung, độ lượng, chị vẫn muốn nhận hết lỗi về mình. Nhưng đã tự giải phóng rồi thì chị không nên day dứt về những thứ không thuộc về mình nữa!

Cuộc đời mà, có vay có trả, chồng chị ngoại tình là thiếu tôn trọng bạn đời, xem thường giá trị hạnh phúc gia đình, anh ta sẽ phải trả giá cho những điều đó, chị không nên bận lòng. Những tình cảm tốt đẹp của chị nên dành cho những người xung quanh đang yêu thương, chia sẻ và đùm bọc mình.

Ly hôn không là Ly hôn không là 'trời sập', nhưng chia con đâu có dễ...

TTO - Chắc nhiều cặp vợ chồng cũng giống tình cảnh gia đình tôi. Bia rượu và những cuộc gặp gỡ bên ngoài đã lấy đi những dịp sum vầy vui vẻ hiếm hoi.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (GIẢNG VIÊN TÂM LÝ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên