Hồ Abbe, nơi tận cùng thế giới nứt thành đại dương

  • Juan Martinez
  • BBC Travel
Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Vùng đất giữa Ethiopia và Djibouti giống như thế giới bị hủy diệt với những ống khói vặn vẹo ma quái, những mảng kiến tạo va vào nhau, tạo thành đại dương mới.

Hồ nước từ thế giới khác

Nằm giữa biên giới Ethiopia và Djibouti, xung quanh là sa mạc khô cằn như cảnh tượng thế giới bị hủy diệt, Hồ Abbe là một trong những hồ nước kỳ vĩ nhất thế giới và cực kỳ khó tiếp cận.

Với chiều rộng 19km, dài khoảng 17km và có quá nhiều muối đến mức nước hồ gây nhiễm độc nếu ta uống phải, hồ nước muối alkaline khổng lồ này như một ốc đảo giữa hoang mạc, nhưng tính chất địa chất bất thường của nó khiến nơi này trông như cảnh tượng trên Mặt Trăng.

Hàng trăm ụ đá vôi trông như những ống khói khổng lồ nhô lên nơi đường chân trời, dâng cao trên đồng muối phẳng màu xanh lục và xanh lá, có khi cao đến 50m.

Những ống khói này thường tỏa ra khói mây hơi sulphur vào không khí, tạo quang cảnh như từ thế giới khác ở một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất Châu Phi.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Sức mạnh kiến tạo của tự nhiên

Hồ Abbe nằm ở giữa khu vực giao thoa giữa ba mảng kiến tạo Somali, Arabia và Nubia.

Nơi này còn được gọi là Vùng trũng Afar, và là quê hương của một trong những mẫu hóa thạch sớm nhất của loài người.

Một số nhà cổ sinh vật học tin rằng nơi đây là cái nôi của nền văn minh.

Địa hình độc đáo của hồ là kết quả từ quá trình các mảng kiến tạo ngầm dần dần dịch chuyển, khiến lớp vỏ Trái Đất dưới Hồ Abbe tiếp tục mỏng dần.

Do những mảng kiến tạo chậm chạp dịch chuyển ra xa, suối nước nóng ngầm khiến magma thoát qua những khe nứt hẹp sâu dưới đáy hồ.

Khi hiện tượng này xảy ra, đá travertine lắng cặn (một loại đá vôi giàu canxi và bị đốt nóng do núi lửa) tạo thành những cột ống khỏi khổng lồ trong hoang mạc qua hàng ngàn năm, và người ta bắt đầu nhìn thấy chúng khi mực nước hồ rút xuống khoảng 2/3 trong thập niên 1950, khi nước hồ bị chỉnh dòng để phục vụ mục đích tưới tiêu.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Đại dương kế tiếp?

Ngày nay, các mảng kiến tạo bên dưới Vùng trũng Afar vẫn tiếp tục phân tách với tốc độ 2cm mỗi năm, và các nhà địa vật lý tin rằng trong khoảng 10 triệu năm nữa, Vùng trũng Afar - và hồ muối alkaline khổng lồ này - sẽ là nơi khai sinh ra đại dương mới.

Khi mảng kiến tạo tiếp tục rời xa nhau, các nhà khoa học tin rằng Biển Đỏ sẽ nhấn chìm cao nguyên ven biển của Djibouti và Vùng trũng Afar sẽ hoàn toàn chìm trong lòng biển.

Theo các nhà khoa học từ Đài Quan sát Trái Đất NASA, Biển Đỏ, Thung lũng Giãn tách Đông Phi và vùng Vịnh Aden sẽ chuyển mình thành đại dương lớn, kích cỡ như Đại Tây Dương, còn vùng Sừng Châu Phi sẽ trở thành một hòn đảo.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Sự sống trong hoang mạc

Mặc dù Vùng trũng Afar là một trong những vùng có môi trường khắc nghiệt và biệt lập nhất ở Châu Phi, nơi này vẫn có người ở.

Dọc theo quãng đường khoảng 150km từ thủ đô của Djibouti là Thành phố Djibouti đến Hồ Abbe, có những mái nhà xây rải rác và những chiếc lều ari trơ trụi (loại lều có hình dạng như vỏ sò làm từ lá cọ) nằm đâu đó giữa cảnh quan cháy rực ánh nắng mặt trời.

Nơi đây có nước quá khan hiếm, đến mức không thể trồng trọt nông nghiệp gì. "Lều ari rất phổ biến với người Afar [tức là dân sống ở đây]," hướng dẫn viên địa phương tên là Mohammed Omar Ali giải thích. "Người ta có thể dễ dàng đem chúng từ nơi này đến nơi khác."

Nhiều người Afar sống trong vùng theo kiểu bán du mục. Họ di chuyển quanh vùng đồng bằng muối vùng trũng này cùng với gia đình, tìm muối để bán, tìm nước và thực phẩm để sinh tồn trước khi tiếp tục lên đường.

Hầu hết những ngôi làng Afar nhỏ và tạm bợ này không có hệ thống điện hay nước mang theo.

Theo Omar Ali, nhiều khu vực định cư quanh Hồ Abbe thậm chí mãi đến gần đây mới được hình thành, vì những nơi này quá khó tiếp cận.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Người du mục Afar

Với nhiệt độ dao động từ 30 độ C trong mùa đông đến 45 độ C trong mùa hè, Hồ Abbe là một trong những nơi có nhiệt độ quanh năm nóng nhất thế giới.

Nhiều người chăn cừu trẻ người Afar, nông dân và thương buôn làm việc dưới ánh mặt trời gay gắt trong điều kiện khắc nghiệt.

Vài năm qua, tác động từ biến đổi khí hậu đã làm nhiệt độ trong vùng thậm chí tăng cao hơn và làm tình trạng hạn hán trầm trọng hơn.

Nhưng theo Omar Ali, người Afar lưỡng lự không muốn rời vùng này mà muốn ở lại, xây dựng lên những cộng đồng tạm và tiếp tục cách mưu sinh theo kiểu truyền thống.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Kỳ quan tuyệt đẹp buổi bình minh

Quang cảnh nơi này cực kỳ dữ dội vào buổi bình minh, khi nhiệt độ mát dịu nhất và hơi nước dâng lên từ những suối nước nóng ngầm qua lỗ thông hơi trên các ống khói.

Sau đó, khi mặt trời lên, bóng màu cam và hồng tuyệt đẹp phủ kín bầu trời, soi sáng suối nước nóng và nơi có cặn muối trong màn trình diễn ánh sáng chói lòa.

Không có nơi nào trên Trái Đất trông giống như vậy. Trong thực tế, các nhà khoa học tin rằng cấu trúc dạng cột ống khói gần giống nơi này nhất nằm ở đáy biển Thái Bình Dương, nơi những mảng kiến tạo lớn cũng đang chầm chậm tách rời và tạo ra cấu trúc tương tự.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Cuộc sống quanh hồ

Dù hầu hết du khách đến Hồ Abbe theo chuyến đi tham quan trong ngày từ Thành phố Djibouti, nhưng cách tốt nhất để khám phá địa hình đa dạng của Hồ Abbe và để ngắm loài hồng hạc nổi tiếng trên hồ là cắm trại qua đêm ở đây.

Cũng chỉ có một số ít hướng dẫn viên, như người đứng đầu Trại Asboley tên Kamil Hassan, có thể đưa du khách đến hồ.

Hassan đã sống nhiều năm ở Hồ Abbe và chứng kiến vùng đất khô cạn dần và bạc màu đi qua nhiều năm tháng. Với kiến thức về địa hình và văn hóa vùng, ông đang cố gắng thúc đẩy du lịch làm phương tiện thay thế để người Afar có thể sinh tồn.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Hàng rào tự nhiên ngăn cách những kẻ đột nhập

"Du khách hiếm khi nào cố gắng ngắm được hồng hạc. Anh là người đầu tiên trong năm nay," Hassan nói. "Cực kỳ khó."

Đến được hồ nước có độ mặn cực kỳ cao ở Hồ Abbe và nhìn bầy hồng hạc khổng lồ di cư ngày càng hiếm hoi là cả hành trình.

Từ Trại Asboley, những người mê ngắm chim lái xe cho đến khi đồng muối bắt đầu mềm, hóa thành bùn nhớt và chìm xuống dưới sức nặng của xe hơi. Từ đó, du khách phải đi bộ nhiều giờ qua đồng cỏ, suối nước nóng và đồng muối khổng lồ mà không hề có chút bóng râm nào giúp họ tránh ánh nắng mặt trời gay gắt.

Khoảng 300m từ bờ biển, vùng bùn nhão dẻo quánh và cát lỏng nhấn chìm bất cứ người hay vật nào xuống khoảng nửa mét trong từng bước đi, nơi này tạo thành hàng rào tự nhiên bảo vệ bầy hồng hạc chống lại những kẻ săn mồi.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Như trong phim viễn tưởng

Khi mặt trời lặn, Hồ Abbe chuyển mình trở thành khung cảnh hoàn hảo như trong thế giới bị hủy diệt.

Bóng dáng những ống khói vặn vẹo trông kỳ dị khi nhiệt độ giảm xuống. Sao đêm phủ kín bầu trời, sự sống chậm lại ở Hồ Abbe.

Hầu hết người Afar dành thời gian bên cộng đồng du mục của mình, bóng dáng người duy nhất từ phía xa xa là những người chăn gia súc đang lùa đàn lừa trở về chuồng trước khi những loài thú săn mồi ban đêm như chó rừng hay linh cẩu bắt đầu hoạt động.

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Cách xa thế giới

Không có đường xá, điện hay cơ sở vật chất cơ bản, sự xa xôi ở vùng Hồ Abbe tạo ra cảm giác đơn côi hiếm hoi mà ít nơi nào trên Trái Đất còn có được.

Dù du khách đến Hồ Abbe có thể coi nơi hẻo lánh này là thế giới khác, nhưng với người Afar, nơi đây là quê nhà.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.