Người Rohingya 'không biết đi về đâu'

Rohingya

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Trại tỵ nạn người Rohingya ở bang Rakhine

Myanmar đóng cửa các khu trại của người Rohingya nhưng xây dựng những khu nhà mới cho họ ngay cạnh đó và kiểm soát việc đi lại, theo Reuters.

Reuters cho hay, trong khi thế giới đang tập trung vào nỗ lực để bắt đầu đưa hàng trăm ngàn người tỵ nạn Rohingya từ Bangladesh hồi hương vào tháng trước, hàng trăm thiểu số Hồi giáo vẫn ở Myanmar đang lên thuyền vượt biên.

128.000 người Rohingya và những người Hồi giáo bị di dời vẫn đang sống trong các trại đông đúc ở bang Rakhine, sáu năm sau khi bị đám đông Phật tử giật sập nhà.

Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, chịu áp lực quốc tế phải giải quyết vụ khủng hoảng, bây giờ tuyên bố rằng việc đóng cửa các lán trại vì làm như vậy sẽ giúp phát triển và tận dụng được nguồn lao động.

Nhưng các cuộc phỏng vấn của Reuters với hơn một chục người trú ngụ tại 5 trại và các tài liệu Liên Hiệp Quốc cho thấy động thái này chỉ là xây dựng những khu nhà mới, kiên cố hơn bên cạnh lán trại - chứ không phải là cho phép họ trở lại nơi mà họ ra đi. Tình trạng của những người này vì vậy chỉ thay đổi chút ít.

Những người đã chuyển vào chỗ ở mới vẫn bị hạn chế đi lại nghiêm ngặt như trước, cư dân và nhân viên làm việc trong các trại nói.

Một mạng lưới trạm kiểm soát được thiết lập trong lúc vẫn còn đó nguy cơ đe dọa bạo lực từ phía các Phật tử địa phương. Các nguồn tin nói hậu quả là người thiểu số Hồi giáo bị mất đi nguồn sinh kế và hầu hết các dịch vụ, nên chỉ có thể sống dựa vào các vật phẩm cứu trợ nhân đạo.

"Vâng, chúng tôi chuyển đến những ngôi nhà mới - đúng là các trại đã đóng cửa," Kyaw Aye, người ãnh đạo cộng đồng tại trại Nidin, ở trung tâm Rakhine, nói. "Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ có thể đứng trên đôi chân của mình vì chúng ta không thể đi đâu cả."

Reuters nói chuyện với những người Hồi giáo bị di dời ở Rakhine qua điện thoại vì phóng viên của họ bị ngăn tiếp cận các khu trại.

Rohingya

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngày càng có thêm cáo buộc về vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar

Hồi tháng 9/2018, Tòa án Hình sự Quốc tế mở một cuộc thẩm tra sơ bộ về tội ác nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya mà chính quyền Myanmar bị cáo buộc.

Động thái này có thể mở đường cho một cuộc điều tra đầy đủ về cuộc đàn áp quân sự của Myanmar khiến ​​hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 700.000 người phải di tản.

Trước đó, Myanmar bác bỏ một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều tra về tội diệt chủng đối với các tướng lĩnh quân đội nước này.

Quân đội Myanmar trước đây tuyên bố họ không làm gì sai trái trong cuộc khủng hoảng Rohingya.

Tuy nhiên, báo cáo của họ đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích như là toan tính "thanh lọc sắc tộc".

Quân đội đã phát động một cuộc đàn áp tại bang Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya tiến hành các vụ tấn công chết người tại đồn cảnh sát.

Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn sang Bangladesh.

Ngày càng có thêm những cáo buộc lạm dụng nhân quyền, gồm giết người tùy tiện, hãm hiếp và đốt làng.

'Hành vi cưỡng bách'

Hôm 18/9, công tố viên ICC Fatou Bensouda cho biết bà quyết định "thực hiện cuộc thẩm tra sơ bộ về tình hình Rohingya".

Bà Bensouda cho biết cuộc điều tra chính thức của ICC có thể tập trung vào một số "hành vi cưỡng bách" dẫn đến việc "ép buộc di tản" nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.

Bà nói thêm rằng tòa án đặt tại The Hague sẽ xem xét liệu cuộc bức hại hay "những hành vi vô nhân đạo khác" đóng vai trò thế nào trong vụ khủng hoảng Rohingya.

Trong khi Myanmar không phải là một thành viên của ICC, các thẩm phán phán quyết rằng tòa án vẫn có thẩm quyền xét xử bất kỳ tội danh nào bị cáo buộc nhắm vào người Rohingya, vì Bangladesh là thành viên ICC.

Thông báo của ICC được phát đi trong bối cảnh Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt dự kiến đến Myanmar hôm 19/9 để họp với các nhà lãnh đạo nước này.

Ông Hunt, người sẽ tới thăm bang Rakhine và cũng sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi, người gần đây nói rằng lẽ ra chính phủ của bà có thể đã xử lý vụ Rohingya khác đi.

Bên ngoài Tòa án Hình sự Quốc tế

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bên ngoài Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague, Hà Lan

Trước đó, 132 nghị sĩ của 5 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) ra tuyên bố chung kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra "hoạt động giết người ở Bang Rakhine" của quân đội Myanmar cách đây một năm.

Mặc dù chỉ có nghị sĩ của 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Phillipines, Đông Timor và Singapore đứng ra kêu gọi, đây được xem là sự lên án thống nhất nhất trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar.

"Tôi cùng với 131 nghị sĩ được bầu chọn kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) ngay lập tức đưa vụ việc ở Myanamar ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Những người ở Myanmar chịu trách nhiệm về tội ác khủng khiếp này phải bị quy trách nhiệm; họ không thể được tự do để có thể tái phạm trong tương lai", ông Charles Santiago, chính trị gia Malaysia và là thành viên của APHR được báo chí khu vực trích lời.

Một nghị sĩ khác, bà Eva Kusuma Sundari, thành viên Hạ viện Indonesia cho rằng đã đến lúc các quốc gia Asean cần "gạt bỏ chính sách 'không can dự' và thực thi hành động chính đáng", cũng theo trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng 23/8.

"Công lý cho Rohingya là một vấn đề vượt tầm chính trị khu vực - nó liên quan đến cả nhân loại", bà nói thêm. "Chúng tôi không thể cho phép những hành động tàn bạo này diễn ra ở một trong các quốc gia thành viên của chúng tôi mà không bị trừng phạt gì."

Trong một động thái được coi là nỗ lực để xoa dịu cộng đồng quốc tế, chính phủ Miến Điện đã công bố hồi tháng Bảy rằng họ đang mở một ủy ban điều tra khác để điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine.

Kể từ khi hoạt động bạo lực nhắm vào người Rohingya của quân đội Myanmar bùng phát hồi cuối tháng 8/2017, đã có hơn 700.000 người di cư sang Bangladesh và 25.000 người bị giết, cùng với nhiều làng mạc bị phá hủy và phụ nữ bị cưỡng hiếp.

Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với chỉ trích quốc tế

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với chỉ trích quốc tế

Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có tổ quốc sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo.

Từ lâu họ không được thừa nhận ở Myanmar, nơi chính quyền cấm sử dụng cái tên 'Rohingya' mà chỉ cho phép báo chí coi đây là người 'tỵ nạn trái phép từ Bangladesh'.

Quân đội Miến Điện nói họ chỉ đáp trả những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Rohingya và phủ nhận tin rằng họ nhắm vào thường dân.

Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án hoạt động bạo lực này của quân đội Miến Điện và cho rằng có 'thanh lọc sắc tộc' ở đây.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Asean), nơi Myanmar là một nước thành viên, đã bị cáo buộc là làm ngơ trước khủng hoảng Rohingya mà không có bất kỳ hành động can thiệp nào.

ICC được thành lập theo Quy chế Rome vào năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan với hơn 120 quốc gia đã phê chuẩn quy chế này.

ICC chỉ thực hiện thẩm quyền xét xử khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và xét xử những người phạm tội nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, diệt chủng, các tội ác chiến tranh.

Xem thêm bài về khủng hoảng Rohingya: