Thổ Nhĩ Kỳ xung khắc với Úc và New Zealand vì trận Gallipoli

A presidential election campaign banner of Recep Tayyip Erdogan, Ankara, 11 August 2014
Chụp lại hình ảnh,

Chính sách của ông Recep Tayyip Erdogan bị phê phán là độc đoán hơn trước và thiên về hướng Hồi giáo dù CH Thổ Nhĩ Kỳ chính thức là quốc gia thế tục

Lời của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan về trận Gallipoli trong Thế Chiến I đang làm căng thẳng quan hệ với Úc và New Zealand.

Bình luận về 'tuyên ngôn' của tay súng Úc 28 tuổi, Brenton Tarrant, nghi phạm gây ra vụ bắn giết hai đền Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, giết chết 50 người, ông Erdogan nhắc lại lịch sử chống Thiên Chúa Giáo của người theo đạo Hồi.

Ông cảnh báo "những kẻ đến đây tấn công cộng đồng Hồi giáo" rằng họ sẵn sàng đáp trả.

Nhưng không chỉ giới hạn câu chuyện trong một vụ việc nào đó, ông nhắc tới cả thời đế chế La Mã của Ki Tô giáo bị đánh bật khỏi Constantinople:

"Chúng ta đã ở đây cả một nghìn năm, và sẽ còn ở đây đến Ngày Phán xử. Các ngươi sẽ không thể nào biến Istanbul trở lại thành Constantinople,"

Nhưng nhắc riêng đến cuộc tấn công của gần nửa triệu quân đội phe đồng minh châu Âu đánh đế chế Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915, ông nói:

"Ông của các ngươi đã đến đây, và thấy là chúng ta đã ở đây. Một số họ bước trở về, một số về trong hòm gỗ...Nếu các ngươi quay lại với ý định tương tự, chúng ta đang sẵn sàng chờ đợi."

Việc nhắc lại trận Gallipoli, nơi liên quân Anh, Pháp cùng các đơn vị Ấn, Úc, New Zealand thuộc quyền chỉ huy của Anh bị thua trận, bị giết hàng chục nghìn lính, đã khiến Úc và New Zealand lên tiếng phản đối.

Thủ tướng Úc, Scott Morrison ngay lập tức phê phán lời của ông Erdogan vì hàng năm, ngày tử sĩ ANZAC, đánh dấu trận Gallipoli năm 1915 ở eo biển Dardanelles là biểu tượng lớn của Úc và New Zealand.

Phát biểu của ông Erdogan, người không ít lần gây ra những vụ việc trên truyền thông, được giới quan sát đặt vào bối cảnh ông muốn sự ủng hộ của cử tri Hồi giáo.

Trận Gallipoli

Gallipoli

Nguồn hình ảnh, Ernest Brooks

Chụp lại hình ảnh,

Trận Gallipoli là một thảm bại của liên quân châu Âu và thuộc địa

Ottoman

Nguồn hình ảnh, Smith Collection/Gado

Chụp lại hình ảnh,

Dù thiệt hại nặng, quân của đế chế Ottoman đã thắng

Đầu năm 1915, quân lực Đế chế Anh dưới quyền của Tổng tư lệnh Hải quân Winston Churchill tổ chức đổ bộ vào eo biển Dardanelles của đế chế Ottoman nhằm phân tán quân Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Đức ở chiến trường châu Âu.

Ngoài quân Pháp và một số quân Nga, riêng Anh đổ vào cuộc chiến 345 nghìn quân.

Trong số này, gần 60 nghìn lính, gồm 29 nghìn quân Anh, Ireland, 11 nghìn quân Úc, New Zealand thiệt mạng vì quân Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các cứ điểm trên cao và bắn pháo, súng máy tiêu diệt quân xâm lăng.

Dù thiệt hại nặng - 87 nghìn quân Thổ bị giết - đế quốc Ottoman, với sự hỗ trợ của Đức và Áo - Hung, đã bảo vệ được bán đảo Gallipoli dài 50 dặm.

Tháng 1/2016, liên quân rút lui.

Thắng lợi ở trận Gallipoli sản sinh ra một người anh hùng của Thổ Nhĩ Kỳ, trung tá Mustafa Kemal, ở tuổi 33 tuổi đã làm chỉ huy sư đoàn 19.

Năm 1923, ông lập ra cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành người cha lập quốc, Atatürk.

Vì thất bại, Churchill mất chức và bị giáng cấp xuống làm tiểu đoàn trưởng bộ binh. Nội các Anh của thủ tướng Asquith bị sụp đổ.

Nhưng trung tướng Anh, William Birdwood, tư lệnh Binh đoàn Úc - New Zealand (ANZAC) được ca ngợi là anh hùng.

Tinh thần ANZAC gồm cả tình đồng đội và tính bài Anh - lính Úc và New Zealand bị Anh đẩy vào chỗ chết vô ích - đã hình thành sau trận Gallipoli.

Đây là một yếu tố hun đúc ý thức dân tộc của Úc và New Zealand, tạo đà cho nền độc lập của họ về sau này.

Chính vì thế, như thủ tướng Morrison nói, tinh thần ANZAC - hàng năm nhiều nghìn thanh thiếu niên Úc và New Zealand hành hương tới Gallipoli để tưởng niệm cha ông - là một cam kết chống chiến tranh, vì thế giới hòa bình.

Nhưng với một số người thì tinh thần ANZAC chỉ là di sản cổ hủ và tai hại của chủ nghĩa đế quốc châu Âu mà Anh để lại cho các cựu thuộc địa, Úc, New Zealand.

Không chỉ người Hồi giáo hoặc chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ như ông Erdogan nghĩ vậy, mà tác giả Jason Wilson cũng viết trên trang The Guardian sau vụ Christchurch:

"Ngày ANZAC, dịp tưởng niệm cuộc xâm lăng thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ, là ngày có ý nghĩa nước đôi. Trong những năm gần đây, nó ngày càng dịch chuyển lại gần chỗ thành ngày ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt và đế quốc."

Vấn đề di sản

Yếu tố di sản văn hóa Ki Tô giáo trong xung đột nhiều thế kỷ với Hồi giáo ở châu Âu và vùng phụ cận được nhắc đến nhiều sau vụ bắn giết ở Christchurch.

Bản thân Brenton Tarrat đã biểu lộ rằng y lấy cảm hứng từ các cuộc 'thánh chiến' chống Hồi giáo của người Âu, và cuộc thảm sát ở Bosnia thời hậu Nam Tư.

Gallipoli

Nguồn hình ảnh, Hulton Archive

Chụp lại hình ảnh,

Lính thuộc binh đoàn Úc - New Zealand do Anh chỉ huy tại Gallipoli - hàng nghìn người đã hy sinh vô ích cho 'nước mẹ Anh'

Được biết trong lúc xả súng tại Christchurch, y bật nhạc một bài hát ca ngợi Radovan Karadzic, tội phạm chiến tranh Serbia chịu trách nhiệm vụ giết 8000 đàn ông và bé trai Hồi giáo ở Bosnia năm 1992.

Không chỉ có vậy, Brenton Harrison Tarrant còn đã sang châu Âu (Bulgaria, Hungary, Serbia, Croatia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Romania) Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan.

Y đã viết tên một số nhân vật Ki Tô giáo thời Trung Cổ trong cuộc chiến chống Hồi giáo ở châu Âu lên báng súng khi gây án.

Một báo Anh cho hay Tarrant gọi Anders Breivik, kẻ khủng bố theo phái tân phát-xít giết 77 người ở Na Uy là 'hiệp sỹ', theo cách gọi các Hiệp sĩ dòng Đền (Knights of Templar), giáo đoàn vũ trang Ki Tô giáo cực đoan tham gia Thánh Chiến ở Trung Đông thời Trung Cổ.

Ngoài ra, có vẻ như Tarrant còn chịu ảnh hưởng của phong trào cựu hữu 'Identitarian' ở Pháp.

Nhóm này nêu ra thuyết 'Sự thay thế toàn diện' (Great Replacement), cho rằng các nhóm người theo 'văn hóa ngoại lai' đang bằng mọi cách tràn vào châu Âu thay chân người bản đị́a da trắng gốc Ki Tô giáo.

Theo đó, các trào lưu xã hội mới như đa văn hóa chỉ là 'vỏ bọc' cho sự hủy diệt chủng da trắng.

Điều đáng chú ý là Brenton Tarrant khi đến sát biên giới Tân Cương của Trung Quốc đã viết ra những lời ca ngợi chế độ 'một văn hóa' ở Trung Quốc hiện nay.

Chụp lại video,

Thủ tướng NZ kêu gọi chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Chính vì những liên hệ của thủ phạm vụ Christchurch với các ý thức hệ cực hữu xưa và nay, nữ thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern kêu gọi có cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Vì những căng thẳng hiện thời đang rất dễ bị biến dạng nguy hiểm nhờ vào các cảm hứng và xung khắc tưởng như đã bị lịch sử vùi lấp.