17/12/2018 10:41 GMT+7

Mỹ không hỗ trợ 'bừa bãi' châu Phi

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chưa đầy ba ngày sau khi công bố chiến lược “Châu Phi phồn thịnh”, Mỹ đã chứng kiến hàng loạt lập luận hoài nghi về tham vọng và vai trò của mình.

Mỹ không hỗ trợ bừa bãi châu Phi - Ảnh 1.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - Ảnh: AFP

"Châu Phi không cần chiến lược thù địch của Mỹ", bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) ngày 16-12 giật tít.

Đó là động thái đáp trả việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton công bố chiến lược của Mỹ tại châu Phi ngày 13-12, trong đó đáng chú ý có phần khẳng định Mỹ sẽ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc và Nga ở khu vực này.

Nhắm vào cố vấn "diều hâu"

Trong bài viết trên, Global Times tập trung vào những luận điểm của ông Bolton, điển hình là câu chuyện "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc ở Zambia. Tờ báo Trung Quốc khoe rằng nước này đã "phát hiện" ra tiềm năng của châu Phi, trong khi Mỹ đến sau và chỉ nhảy vào khi nhìn thấy lợi ích.

Tương tự, trong ngày 16-12, hàng loạt bài viết khác xuất hiện trên các ấn phẩm chuyên về châu Phi nhắm vào chiến lược của Mỹ, với hầu hết là ý kiến tiêu cực.

Trang Face2FaceAfrica (có các trụ sở tại New York của Mỹ và Accra của Ghana) nói về "3 điều Mỹ sẽ cắt mất của châu Phi trong chiến lược mới".

Báo Daily Nation (Kenya) trong khi đó phân tích về việc Kenya phải cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng khẳng định Mỹ là bên tái khởi động cuộc chiến gây ảnh hưởng tới nước này và châu Phi với Trung Quốc.

Trang All Africa thì dẫn bài viết trên báo Đức Deutsche Welle viết rằng Mỹ đang làm "quá ít và quá muộn" với châu Phi.

Có thể thấy mọi lập luận nêu trên đều phần lớn nhắm vào các phát biểu của cố vấn "diều hâu" Bolton, người được biết có xu hướng hành động cứng rắn, không ngại đối đầu.

Chi tiết chỉ trích Trung Quốc cũng như cạnh tranh với Trung Quốc và Nga ở châu Phi được đào bới gần như triệt để, trong khi một vài điểm khác trong khâu cải cách và đầu tư tư nhân không được nhắc tới nhiều.

Chủ nợ lớn với 86 tỉ USD

Ông Bolton cảnh báo Mỹ sẽ "tái đánh giá sự hỗ trợ cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc" cũng như các khoản viện trợ cho châu Phi: "Mỹ sẽ không cung cấp sự hỗ trợ bừa bãi trên toàn châu lục. Các nước liên tục bỏ phiếu chống Mỹ ở các diễn đàn quốc tế, hoặc hành động chống lại lợi ích Mỹ, sẽ không được nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ".

Tuy nhiên trên thực tế, chiến lược của Mỹ thực chất cũng không khác mấy so với những gì lâu nay Mỹ đang làm tại châu Phi. Nó cũng phản ánh cách làm trong tổng thể phương pháp tiếp cận của nước này ở các cuộc chơi địa chính trị toàn cầu: ít viện trợ, nhiều đầu tư.

Nghiên cứu của Viện Brookings (trụ sở ở Washington, Mỹ) cho thấy Trung Quốc đã mở rộng thêm 86 tỉ USD vay thương mại cho chính phủ các nước châu Phi và công ty quốc doanh từ năm 2000 tới 2014, qua đó trở thành chủ nợ lớn nhất của khu vực này, chiếm 14% tổng nợ ở cận Sahara.

Ngược lại vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chảy vào khu vực khá thấp, chỉ khoảng 5% tổng FDI năm 2015, trong khi thương mại hai chiều tăng tới 40 lần trong 20 năm qua, nay vượt mốc 200 tỉ USD.

Thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực cận Sahara rơi từ 100 tỉ USD năm 2008 xuống còn 39 tỉ USD năm 2017, chủ yếu do chính sách năng lượng của Washington. Nhưng Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất lục địa đen với vốn đầu tư FDI đạt 54 tỉ USD.

Anton Tsvetov, một chuyên gia người Nga ở Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC), từng trao đổi với Tuổi Trẻ rằng khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là Washington sẽ hỗ trợ đi kèm yêu cầu thay đổi, còn Trung Quốc thì không.

Nói cách khác, trong khi Mỹ rót FDI vào châu Phi, Trung Quốc đa số bơm đầu tư trực tiếp cho chính phủ các nước.

Lập luận này, và cả trong phát biểu của ông Bolton, tương tự những gì đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã nói với Tuổi Trẻ tuần trước: Mỹ đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, còn Trung Quốc tạo ra "bẫy nợ".


NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên