Năm sinh viên châu Á chia sẻ những băn khoăn về Brexit

Kezia Victoria Kho
Chụp lại hình ảnh, Kezia Victoria Kho, nữ sinh viên từ Indonesia hiện học tại City University, London.

Anh muốn vươn tới châu Á sau Brexit nhưng một số sinh viên từ Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ biết 'chúc nước Anh may mắn'.

Cảm giác chung của một số bạn là lo ngại liệu sau Brexit sinh viên châu Á tốt nghiệp tại Anh có được cơ hội bình đẳng khi tìm việc làm hay là không.

Chụp lại video, Sinh viên châu Á nghĩ gì về Brexit? Nuttaporn Nuraki và Liam Hoàng

Brexit là gì với bạn?

Được hỏi "Brexit là gì với bạn?", Mã Thanh Phi (Ma Jingfei), nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Development Studies, ĐH Cambridge nói nhìn từ góc độ một người từ Trung Quốc thì "Brexit là khủng hoảng của nền dân chủ".

Cô có ý kiến từ Trung Quốc cho rằng mô hình của họ, trọng sự ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả, nay có vẻ hấp dẫn hơn Anh Quốc thời Brexit.

Tuy thế, Mã Thanh Phi cho hay Brexit sẽ không ảnh hưởng gì đến chuyện sinh viên Trung Quốc chọn sang Anh du học.

Hoàng Đức Lương (Liam Hoang) từ Việt Nam, sinh viên ĐH Greenwich thì tin rằng Brexit là cơ hội tốt cho kinh doanh tiền tệ và người đầu tư vào USD có thể kiếm lời.

Anh cho rằng Brexit chịu tác động của tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Anh, nhưng đây là một nghịch lý vì sau Brexit, Anh Quốc muốn "duy trì quan hệ nhiều với các nước bên ngoài châu Âu", và di dân từ các nước này sẽ vào Anh.

Nam sinh viên từ Hàn Quốc, Young Dae Lee, có cách nhìn khác và cho rằng với anh cùng nhiều người Hàn, "Brexit không phải việc của chúng tôi".

Tuy thế, anh tin rằng người Anh bỏ phiếu chọn ra khỏi EU "chắc là để cảm thấy an toàn hơn".

Shruti Deb, nữ sinh viên đến từ Ấn Độ (trái) và Young Dae Lee từ Hàn Quốc (phải)
Chụp lại hình ảnh, Shruti Deb, nữ sinh viên đến từ Ấn Độ (trái) và Young Dae Lee từ Hàn Quốc (phải)

Brexit và không khí kỳ thị chủng tộc

Kezia Victoria Kho, nữ sinh viên từ Indonesia hiện học tại City University, London.

Cô nói từ trước khi sang Anh một năm rưỡi trước, bạn bè, thân nhân có lo ngại hỏi cô vì sao còn muốn sang Anh sau trưng cầu dân ý Brexit (05/2016).

Với cô, Brexit có nghĩa là "sự lo ngại".

Nhưng quá trình đàm phán Brexit hiện đang gián tiếp có lợi cho gia đình Kezia, vì tiền bảng xuống thấp hơn đồng rupiah của Indonesia.

Nhưng cô lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc và đã trải nghiệm một số vụ việc ở nơi công cộng tại Anh.

Cô cũng cho hay cô cảm thấy "đàn ông đối xử với cô khác, trong giao tiếp xã hội, vì cô là phụ nữ châu Á".

Chia sẻ cách nhìn của bạn bè người Tây Ban Nha và Ireland ở cùng phòng, Kezia cho rằng Brexit "là một tương lai tai họa".

Tuy thế, có những người Indonesia chỉ nghĩ về cơ hội mua hàng rẻ sau Brexit ở Anh.

Nuttaporn Norakim, công dân Thái Lan hiện đang học ở Univeristy of Kent thì cho rằng Brexit có thể là "một thay đổi rất lớn kéo mọi thứ xuống trong tương lai gần".

Tuy thế, biết đâu về tương lai, người Anh sẽ thấy đó là quyết định đúng, cô nói.

Nuttaporn tuy vậy tin rằng có ít nhiều vấn đề của chủ nghĩa dân tộc, và phân biệt chủng tộc trong câu chuyện Brexit.

Sinh viên Ấn Độ, Shruti Deb đồng ý với cách nhìn rằng có thái độ kỳ thị tăng lên với sinh viên nước ngoài vì Brexit.

Cô cho biết nhiều bạn bè đã gặp phải những lời lẽ kỳ thị ở một số vùng trên nước Anh, điều không hề gặp cách đây vài năm.

Cô cho rằng sinh viên quốc tế là những người vô hại nhất.

"Họ mang đến Anh nhiều tiền, họ tới, làm đất nước của bạn thêm phong phú, họ mang đồ ăn từ nước họ tới và chia sẻ văn hóa. Thật là câu chuyện vui. Và chúng tôi ra về sau khi thi xong. "

Thế nhưng cô ngạc nhiên vẫn có người có vẻ không thích sinh viên nước ngoài.

Mã Thanh Phi
Chụp lại hình ảnh, Mã Thanh Phi, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Development Studies, ĐH Cambridge

Anh Quốc có còn hấp dẫn sau Brexit?

Nhìn về tương lai, Shruti chỉ muốn sau Brexit, Anh Quốc vẫn tạo cơ hội bình đẳng cho người châu Á, nhất là trong thị trường việc làm.

Nuttaporn cũng nghĩ mọi sinh viên như cô đều muốn ít ra có cơ hội làm việc tại Anh vài năm.

Còn Kezia từ Indonesia thì nói thực lòng cô muốn ở đây mãi mãi. "Nhưng tôi muốn thực tế và phải tự nhắc mình rằng đây không phải là nơi duy nhất để sống," Kezia tâm sự.

Nhưng các bạn sinh viên đều băn khoăn về quy chế visa cho sinh viên tốt nghiệp, và cảm giác "không bình đẳng" trên thị trường lao động sau Brexit.

Mã Thanh Phi nói với không khí như hiện nay, cô tính chuyện quay lại Canada, nơi cô từng học đại học, vì xã hội bên đó "thực sự đa văn hóa" hơn Anh Quốc thời Brexit.

Còn Josh Kim thì cho rằng các đại học Anh nay đã dần bị người Hàn cho là "không còn tốt đủ", và rằng Brexit "có vẻ như tạo thêm cảm giác cô đơn" cho Anh.

BBC phỏng vấn các sinh viên châu Á tại London trong tháng 3/2019, trước có hạn chót Anh phải rời Liên hiệp châu Âu ngày 29/03, trừ khi có thay đổi về lịch trình này, vốn đang gây căng thẳng chính trị tại Anh.