17/02/2019 10:01 GMT+7

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - Kỳ 6: Những cuộc chuyển quân cấp tốc

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Quân bành trướng Trung Quốc tiến đánh nước ta khi nắm chắc lực lượng quân chủ lực tinh nhuệ của ta đang kẹt ở chiến trường Campuchia. Lực lượng này lập tức được điều ra chi viện biên giới sau khi bị quân thù xâm lấn...

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - Kỳ 6: Những cuộc chuyển quân cấp tốc - Ảnh 1.

Bộ đội Quân đoàn 2 chờ lên máy bay để chi viện gấp cho chiến trường miền Bắc - Ảnh tư liệu

Ngồi trên máy bay, anh em hầu như không ai nói chuyện với nhau. Mọi người đều tư lự, trầm ngâm. Anh em đoán khả năng ra Bắc. Là lính chiến đi đâu cũng được, không sợ chết

Đại tá Nguyễn Xuân Thành

Cuộc chuyển quân bằng máy bay của Quân đoàn 2

Khi quân bành trướng Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, Quân đoàn 2 - bộ đội chủ lực của Việt Nam - đang ở Campuchia đánh Pol Pot. 

Lúc chiến sự xảy ra, 200 cán bộ chủ chốt của sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) đã bay chuyến đầu tiên để tiền trạm bằng Boeing 707 ngày 28-2-1979.

Đại úy Đinh Công Thái là một thành viên của nhóm tiền trạm, năm nay 73 tuổi, từng quyền chính ủy sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) năm 1991 với quân hàm đại tá trước khi về hưu. 

"Sư đoàn 304 có ba trung đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo binh. Mỗi trung đoàn cử một cán bộ đại diện để đi tiền trạm" - đại tá Thái kể.

"Tất cả các đơn vị khác của sư đoàn đi từ cảng Kampong Son (còn gọi là cảng Sihanoukville, Campuchia) về Sài Gòn để lên máy bay bay ra Gia Lâm (Hà Nội). Từ đấy, họ hành quân bằng đường bộ lên Lạng Sơn. Riêng tiểu đoàn 7 (trung đoàn bộ binh 66) thì xuất phát từ đèo Pich Nin đi đường bộ về Sài Gòn" - đại tá Nguyễn Xuân Thành, nguyên chính ủy sư đoàn 304 giai đoạn 1991-1993, cho biết.

"Quân đoàn 2 chúng tôi đã hành quân khẩn cấp nhiều lần, kể cả trong chiến dịch giải phóng miền Nam nhưng chưa bao giờ chuyển quân bằng máy bay". 

Ông Thành cho biết thêm: "Lệnh của trên thu hết các loại đạn, kể cả đạn bộ binh, chỉ được mang vũ khí bộ binh như súng AK, B40, B41 lên máy bay nhưng không có đạn. Tất cả hỏa lực để lại, chuyển bằng tàu hỏa và tàu biển ra sau".

Đại tá Thành kể tiếp: "Ngồi trên máy bay, anh em hầu như không ai nói chuyện với nhau. Mọi người đều tư lự, trầm ngâm. Chắc cũng như tôi, không ai biết đi đâu và nhiệm vụ sắp tới là gì mà phải hành quân bất thường như vậy. Anh em đoán khả năng ra Bắc. Là lính chiến đi đâu cũng được, không sợ chết. Mọi thứ tuyệt đối bí mật đến vậy".

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - Kỳ 6: Những cuộc chuyển quân cấp tốc - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tiến Ước - cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 203, người tham gia hành quân thần tốc từ Campuchia về Việt Nam bằng đường thuỷ - Ảnh: MY LĂNG

Pháo binh đi đường bộ

Tháng 2-1979, thượng sĩ Nguyễn Vinh Quang là đại đội phó đại đội chỉ huy của trung đoàn pháo binh 68 (sư đoàn 304 - Quân đoàn 2). "Chúng tôi đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pol Pot, giải vây cho lữ đoàn 101 thì được lệnh hành quân gấp về nước" - ông Quang nhớ lại.

Trung đoàn pháo binh 68 không hành quân bằng tàu thủy mà là đường bộ. Quân đoàn huy động gần 50 chiếc xe để chở bộ đội. 

"Chúng tôi về Hà Tiên vì đó là đường gần nhất để về Việt Nam. Ngoài xe chở quân còn có các xe kéo pháo các loại (pháo phòng không, pháo mặt đất). Trên thùng thì chở đạn và người, sau đuôi xe có móc nối kéo theo một khẩu pháo. Đơn vị có 36 khẩu pháo. Mỗi khẩu nặng 2 tấn! Vậy mà xe chạy rất nhanh, gần như hết khả năng nhanh nhất có thể" - ông Quang nói.

Ông Quang kể từ Campuchia, đơn vị rút quân theo lối cuốn chiếu. Nếu đơn vị trên rút thì đơn vị đi sau vẫn giữ nguyên đội hình chiến đấu để bảo đảm cho đơn vị trước hành quân an toàn. Dọc đường rút quân, chúng tôi phải vừa hành quân vừa chiến đấu, đánh bọn Pol Pot phục kích cho đến khi về đến Hà Tiên".

Xe chạy xuyên ngày xuyên đêm, về Hà Tiên (Kiên Giang) rồi về ga Hố Nai (Đồng Nai) để di chuyển bằng đường sắt lên Thái Nguyên, sau đó tiếp tục đi đường bộ đến Lạng Sơn. 

"Khi đến ga Hố Nai, chúng tôi gặp một chuyến tàu vừa từ Bắc vào - ông Quang kể - Đa số là dân Hà Nội vào Nam sơ tán. Thấy bộ đội mình ra, họ bảo nhau: Nhà nước điều bộ đội chủ lực về rồi thì mình quay lại thôi. Nhiều người dân đón tàu quay ra Bắc".

"Bộ đội lên, tàu như bé lại - ông Quang cười bảo - Cứ ba người ngồi một ghế cứng mà vẫn không đủ ghế. Bộ đội ngồi xuống sàn tàu, ngồi tràn ra cả hành lang lối đi, thậm chí sát ngay cửa nhà vệ sinh. Chỗ nào cũng chật cứng người. Chuyến tàu đó ngoài trung đoàn pháo binh 68 còn có cả các đơn vị bạn của Quân đoàn 2. Nhưng toa nào đơn vị ấy, bộ đội không được đi lại vì giữ bí mật. Chúng tôi không biết đơn vị nào ở toa bên kia".

Cuộc hành quân bằng tàu của lính xe tăng

Trong khi đó, lữ đoàn xe tăng 203 không hành quân đường bộ mà xuống cảng Sihanoukville đi bằng tàu thủy về nước. 

Ông Nguyễn Tiến Ước, cựu chiến sĩ lữ đoàn xe tăng 203, nhớ lại: "Tất cả xe tăng - thiết giáp được đưa hết vào tàu há mồm 505 của hải quân dài 100m, ngang 15m. Xe tăng thiết giáp được chằng buộc vào các mấu thép rất to để không bị lắc khi tàu cơ động. Trên boong tàu rộng mênh mông. Đó là lần thứ ba lính xe tăng lữ đoàn 203 hành quân thần tốc đi đánh giặc! Nhưng lần này hành quân bằng tàu thủy. "Hai ngày đầu anh em còn hát hò, nóng lòng về đánh quân bành trướng Trung Quốc. Sang ngày thứ ba gặp áp thấp nhiệt đới, bộ đội say hết. Sóng đánh lên boong cao 3-4m!".

Tàu chạy tám đêm chín ngày thì về đến Hải Phòng. Từ Hải Phòng, lính xe tăng hành quân lên Gia Lâm (Hà Nội) và từ đó đi xe lên Trại Cau (Thái Nguyên) rồi tiến lên biên giới.

Tổ bay trinh sát U-17 lên đường ra Bắc

chiến tranh biên giới

Phi công Đoàn Hồng Quân bên chiếc máy bay trinh sát U-17 bay ra Bắc - Ảnh: NVCC

40 năm trước, ông Đoàn Hồng Quân, phi công chiến đấu của trung đoàn 917, đã tham gia một chuyến bay thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: bay U-17 đi trinh sát chiến trường khu vực biên giới phía Bắc để chỉ điểm cho máy bay ném bom A-37 và tiêm kích F-5 đánh các mục tiêu.

"Lúc đó tôi là biên đội trưởng một biên đội máy bay trinh sát U-17, hàm thượng úy, phi công phi đội 3 trinh sát có gần chục máy bay L-19 và U-17. Tổ bay của máy bay trinh sát U-17 chỉ có hai người. Một người bay, một người quan sát. Tôi là lái chính, còn cậu Giáp Văn Minh người Bắc Giang là lái phụ. Cậu này cũng tham gia đánh Pol Pot về, giờ mất rồi".

Phi công Đoàn Hồng Quân lúc ấy có hơn 600 giờ bay tích lũy và biết điều khiển năm loại máy bay.

Khi đánh Pol Pot, máy bay bị bắn bể cánh, vỡ thùng dầu phụ, đứt dây cáp điều khiển nhưng ông vẫn quyết không bỏ máy bay, không nhảy dù, cố điều khiển hạ cánh về căn cứ an toàn!

________________________________________

Kỳ tới: Sự chuẩn bị của không quân Việt Nam


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên