Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cảnh báo chương trình Tự do Hàng hải ở Biển Đông của Mỹ

RFA
2019.04.25
2019-04-22T123010Z_1852153620_RC1AE6B39220_RTRMADP_3_CHINA-MILITARY-ANNIVERSARY_960.jpg Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long phát biểu tại một buổi lễ nhân kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc hôm 22/4/2019
Reuters

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó đô đốc Thẩm Kim Long mới đây lên tiếng cảnh báo các nước không nên sử dụng vấn đề quan ngại về tự do hàng hải để xâm phạm kên quyền và lợi ích của các nước ven biển.

Hãng tin Reuters hôm 25/4 cho biết ông Thẩm Kim Long phát biểu như vậy tại một diễn đàn ở thành phố Thanh Đảo, sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc với sự tham dự của đại diện nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ.

Tự do hàng hải là một khái niệm được nhìn nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nó không được sử dụng như một cái cớ để xâm phạm vào quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển”, ông Thẩm Kim Long được Reuters trích lời cho biết.

Ông Thẩm Kim Long dù không nêu tên Hoa Kỳ trong phát biểu của mình nhưng ai cũng biết Hoa Kỳ là nước đã thực hiện chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2015 trở lại đây. Theo chương trình này, Hoa Kỳ thường xuyên gửi tàu chiến của mình đi vào vùng nước gần các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa, thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp này.

Nhân lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc, đã có 61 quốc gia gửi đại diện đến dự lễ, trong đó có Việt Nam.

Lễ diễu binh của Hải quân Trung Quốc hôm 23/4 có sự tham gia của 32 tàu chiến và 39 máy bay Trung Quốc cùng tàu chiến đến từ 13 nước khác bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Australia.

Hoa Kỳ đã không gửi tàu chiến đến dự lễ diễu binh mà chỉ gửi đại diện đến dự lễ kỷ niệm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.