'Ế' ở tuổi 30 và phim #Neverbeenkissed của đạo diễn Trang Đào

  • Mỹ Hằng
  • BBC, Bangkok
Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Trang Đào (áo kẻ) cùng ê kíp làm phim Chanh Đào - phim ngắn đầu tay của Trang giành hai giải Búp sen vàng 2016 hạng mục phim do khán giả bình chọn, và phim đầu tay xuất sắc nhất

Hành trình tìm người yêu và nụ hôn đầu của một cô gái sắp bước sang tuổi 30 được kể lại trong phim #Neverbeenkissed của nữ đạo diễn trẻ Trang Đào - người vừa giành giải thưởng quốc tế cho dự án phim triển vọng nhất tại Singapore.

Vì sao vấn đề 'ế' tưởng bình thường, quen thuộc trong xã hội Việt Nam lại được Trang Đào chọn để làm cuốn phim tài liệu đầu tay này?

Vì sao ý tưởng phim thuyết phục được giám khảo quốc tế?

Trang Đào trò chuyện với BBC về phim #Neverbeenkissed vừa bấm máy đầu năm 2019 và con đường làm phim của cô.

Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Một cảnh trong phim A70 của đạo diễn trẻ Trang Đào

BBC: Vì sao việc một cô gái gần 30 tuổi chưa bao giờ được hôn lại quan trọng tới mức... thành phim tài liệu?

Trang Đào: Đây là phim tài liệu kết hợp điện ảnh, về một người bạn gái thân của tôi đã sắp bước sang tuổi 30 nhưng chưa từng yêu, chưa từng hôn.

Lên mạng xã hội bây giờ lúc nào cũng thấy mọi người kêu ế, như thể đó là một chuyện gì đó rất có vấn đề. Thế nhưng hầu như chủ đề này rất ít được khai thác trong phim tài liệu. Với nữ giới tầng lớp trung lưu như tôi hay cô bạn thân của tôi, mọi người cứ nghĩ có công ăn việc làm, đủ ăn đủ mặc thì sẽ có cuộc sống ổn định, có gì nữa đâu mà phàn nàn. Nếu có kêu buồn, chán, cô đơn thì sẽ bị coi là sướng quá nên rửng mỡ. Có biết bao nhiêu người nghèo, tàn tật đau khổ ngoài kia… Nhưng tôi thấy rõ ràng đây là vấn đề của xã hội hiện đại. Và vấn đề này ở một mức độ nào đó được ít quan tâm hơn là chủ đề về các nhóm yếu thế như người nghèo, người tàn tật, cộng đồng LGBT.

Lý do có thể do vấn đề của nhóm yếu thế khẩn cấp hơn, cần ưu tiên hơn để nâng cao ý thức cộng đồng, từ đó giúp đỡ được họ. Còn những người bị 'ế' thì luôn luôn ở đấy, không có gì phải vội vàng để phải làm phim về họ. Tôi thì cho rằng đó là hai mảng phạm trù phim khác nhau thôi và đối tượng nào cũng có các vấn đề riêng. Thế nên tôi nghĩ làm phim về vấn đề 'ế' này sẽ khá là hay. Dù không hẳn là mới nhưng luôn có khán giả. Nhất là khán giả trẻ.

Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Đạo diễn Trang Đào cùng ê kíp làm phim

BBC: Có phải vì thế mà #Neverbeenkissed được lựa chọn là dự án phim hứa hẹn nhất để đầu tư tại Liên hoan phim Singapore 2018?

Trang Đào: Một bộ phim tài liệu tốt thường và nên có một thông điệp mang tính toàn cầu. Tôi thấy phim của tôi là một vấn đề chung của xã hội dù kể câu chuyện cá nhân của bạn tôi và tôi. Ở một mức độ nào đấy nó đại diện cho cả một lớp phụ nữ trung lưu, đặc biệt là ở châu Á, khá là nhạy cảm.

Từ những phản hồi của các nhà đầu tư và các chợ phim mà tôi đi thì mọi người đều nhận xét phim sẽ có lượng khán giả lớn, nhất là nhóm đối tượng bạn trẻ.

Trong một năm quay phim, bạn tôi sẽ thực hiện các giải pháp để thay đổi tình trạng độc thân, hoang mang và thiếu va chạm thực tế hiện tại.

Cụ thể, bạn ấy sẽ đi gặp các gia đình mai mối, đi cát tiền duyên, đi xem bói. Nghĩa là sẽ phải rất chủ động và tích cực để có người yêu. Tôi là người quay lại hành trình đó.

Để thử dự án này, tôi đã phải lập 5 tài khoản ở 5 trang hò hẹn trực tuyến, phải nói chuyện với cả trăm nam giới để xem kỳ vọng cũng như khẩu vị của các bạn trai khi lên các dating apps là gì. Quá trình này cũng là một phần trong phim #Neverbeenkissed vì đó là hai tuyến truyện song song. Với tôi, quá trình làm cuốn phim tài liệu đầu tay này cũng đặc biệt như 'nụ hôn đầu' và đều có thông điệp, nên song hành cùng nhau được.

Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Trang Đào cùng nhóm làm phim

BBC: Làm phim có gì hấp dẫn để Trang Đào bỏ những công việc trước kia, nghe nói là ổn định và lương cao, quyết đi theo?

Trang Đào: Tôi từng học Đại học Ngoại thương, sau đó sang Đức học thạc sỹ chuyên ngành xã hội học. Tôi từng làm các công việc về tài chính nhưng rồi nhận ra là tôi không thích chút nào. Tôi cũng từng làm rất nhiều việc khác trước khi dừng chân ở đây nên tôi biết là tôi không thể làm gì mà nó lặp đi lặp lại được vì chỉ vài tháng là đầu óc tôi muốn biểu tình rồi. Nhưng làm phim thì mỗi ngày đều là những cái mới.

Quá trình làm một bộ phim ở một mức độ nào đó là giống nhau, nhưng mỗi phim lại có một hoàn cảnh khác nhau nên nó luôn thách thức. Niềm vui là quá trình mình lúc nào cũng vận động. Xong được một bộ phim tôi cảm thấy như đẻ ra được một đứa con. Thời gian quay, dựng và ra được một phim dài có khi tương đương việc mang thai 9 tháng 10 ngày. Thậm chí còn hơn, phải vài năm. Vậy nên ra được một phim, chưa biết tốt hay không nhưng thấy mình đã sản xuất được một cái gì đó trước hết là có ích cho mình, sau đó là hi vọng nó có ích cho đời. Nên cảm giác thỏa mãn rất cao.

Hơn nữa việc ra đời một phim là công sức của rất nhiều người. Nên khi thấy được việc mọi người đều sẵn lòng hỗ trợ, thấy mình là đạo diễn dẫn dắt được cả một nhóm, ra được một cái gì đó tốt thì cũng thấy rất thỏa mãn. Sau đó khi ra phim, cảm giác vui nhất khi phim chiếu là khi mình ngồi dưới thấy phản ứng của khán giả. Xem xong, lại có người ra bảo là thích phim của mình, không cần nhiều, chỉ cần một, hai người thì đã hạnh phúc lắm rồi.

Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Nữ đạo diễn trẻ Trang Đào

BBC: Nghệ thuật, phim ảnh dường như đang ngày càng trở thành con đường hấp dẫn với nhiều bạn trẻ, nhất là khi mức sống đã được cải thiện. Nhưng còn những khó khăn thì sao?

Trang Đào: Khó khăn thì có kể đến tối cũng không hết. Đầu tiên là vừa trẻ vừa không có kinh nghiệm thì đương nhiên sẽ rất khó để cân bằng giữa đảm bảo cuộc sống và được làm những gì mình muốn. Rất dễ để bị cuốn vào cơm áo gạo tiền. Rồi còn trách nhiệm với bố mẹ nữa. Không cẩn thận thì mình sẽ bị mất tư duy của mình. Cái đó cũng phải đấu tranh rất nhiều. Sau đó thì mỗi lần làm phim, quá trình viết kịch bản và quay phim giống như đánh nhau với chính mình. Rất nhiều đứa như bọn tôi hay có vấn đề về tâm lý. Rồi việc là đạo diễn phải dẫn dắt cả một nhóm rất vui nhưng cũng đồng nghĩa là mọi trách nhiệm dồn hết lên vai mình. Ví dụ như là mình không có trách nhiệm phải hoàn vốn của nhà đầu tư vào phim của mình thì không vấn đề gì, cứ lấy tiền của mình ra tiêu thôi, phim có hay không không quan tâm. Nhưng ở đây ngoài việc làm được một bộ phim như mình muốn còn phải đảm bảo không để những người đã tin tưởng đầu tư vào phim thất vọng. Do đó áp lực cũng rất cao.

Rồi tài chính. Lúc chưa có tên tuổi kiếm được tiền làm phim rất khó. Thường những phim đầu tiên là phải tự bỏ tiền ra mà làm. Những bạn ở tuổi như bọn tôi có nghề này nghề kia rồi thì có thể tự chủ về mặt tài chính. Nhưng những với các bạn ít tuổi hơn, nhà không có điều kiện thì rất khó cho các bạn để bắt đầu.

Đúng là việc làm nghệ thuật dường như không dành cho người nghèo.

BBC: Nói vậy có làm nản lòng những bạn trẻ đang muốn đi theo con đường này dù ít tiền?

Việt Nam, phim, Trang Đào
Chụp lại hình ảnh, Một cảnh trong phim A70 của nữ đạo diễn Trang Đào

Trang Đào: Nếu nghèo thì phải rất giỏi và sau đó một thời gian phải tìm được người nâng đỡ. Bởi vì khi mình nghèo, không có tiền, gia đình cần hỗ trợ, mình luôn phải đặt vấn đề hỗ trợ người thân lên trước. Mình là người châu Á thì không thể rũ hết trách nhiệm với gia đình, người thân, họ hàng được. Lúc đó đầu óc đã loạn hết lên vì phải lo những chuyện kia rồi, không thể nào mà yên lòng mà làm nghệ thuật được.

Làm sao có thể làm được phim khi bố nằm viện hay hôm nay nhà không còn gì ăn? Đấy là vấn đề ta có thể thấy khác biệt giữa các nước phát triển và không phát triển. Tại sao người ta lại quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật? Bởi vì người ta đã không còn phải lo đến những vấn đề cơ bản như cơm ăn áo mặc nữa thì họ lúc đó mới có thời gian để khám phá năng lượng, tinh thần của mình. Thực ra những đứa làm phim như tôi đều có thể gọi là 'nghèo', nhưng ít nhất bọn tôi đều có thể làm phim vì không phải chịu trách nhiệm hay phải lo cho gia đình, cho bố mẹ.

Tôi có một số người bạn rất muốn làm phim nhưng lương không thể đủ vì còn phải nuôi bố mẹ, nuôi em. Các bạn ấy tất nhiên sẽ phải tìm những công việc có lương hàng tháng ổn định. Còn làm phim bao giờ mới có thể mang lại cái gì cho bố mẹ? Trường hợp của tôi, ít ra bố mẹ tôi vẫn tự lo được cho mình. Tôi khong phải lo nuôi bố mẹ hay lo vấn đề nhà cửa. Nên nếu tôi nghèo thì chỉ mình tôi chịu, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Ngoài ra còn trách nhiệm tài chính với dự án của mình nữa. Rất nhiều bạn không chịu được áp lực đã phải bỏ việc giữa chừng. Trước khi làm phim tôi đã có thời gian làm sản xuất. Tôi biết đã có rất nhiều dự án các bạn đạo diễn có vấn đề tâm lý không chịu được đã phải nghỉ.

BBC: Đối tượng nào sẽ được lựa chọn để thành phim của Trang?

Đến hiện tại thì tôi vẫn muốn làm phim về đề tài phụ nữ. Phim fiction sắp tới mà tôi đang có trong đầu cũng dựa trên tuổi thơ của tôi. Tức là những cái mà tôi chưa hiểu thì tôi không thể và không muốn làm. Ví dụ hiện tại tôi không thể làm phim về tình yêu quá sâu sắc vì tôi chưa trải qua. Hoặc tôi không thích làm phim về bọn con trai chẳng hạn vì tôi không hiểu họ.

Trong tương lai, dù có làm phim về cái gì thì cũng phải từ tôi mà ra, sau đó tôi sẽ xây dựng nó lên một tầm ý nghĩa nào đấy hoặc phát triển nó lên tầm vĩ mô hơn. Đấy chỉ là sở thích cá nhân thôi chứ không liên quan đến cái gì hay hơn hay cái gì là đúng là sai. Nhưng dù sao vẫn luôn có bức tranh toàn cảnh. Ví dụ như làm về bạn tôi thì đại diện cho một lớp phụ nữ như thế. Nhưng cách mà tôi tiếp cận thì ở mức độ rất cá nhân và gần gũi chứ tôi không thích chỉ đứng quan sát. Mối liên hệ giữa tôi và đối tượng phải rất gần. Phim của tôi sẽ phải có thay đổi của nhân vật từ đầu đến cuối phim. Phải là một hành trình và có thay đổi, có gì đó để khán giả yêu thương hoặc thậm chí ghét nhân vật của mình.