Công nhân may mặc Campuchia lo lắng vì nhà máy có thể đóng cửa

  • Kayleigh Long và Meta Kong
  • Phóng viên Kinh doanh
Quần áo của Campuchia vào EU chiếm 45% tổng sản lượng xuất khẩu năm ngoái của nước này

Nguồn hình ảnh, NICOLAS AXELROD

Chụp lại hình ảnh, Quần áo của Campuchia vào EU chiếm 45% tổng sản lượng xuất khẩu năm ngoái của nước này

Sao Run lo lắng rằng nếu nhà máy quần áo nơi cô làm việc đóng cửa cô sẽ không thể tự nuôi nổi bản thân và con trai.

Là một góa phụ 34 tuổi, cô đã làm việc trong lĩnh vực may mặc áo khoác được gần 13 năm tại một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Cộng với thời gian làm thêm cô có thể kiếm được tới 250 USD mỗi tháng, nhưng tương lai của nhà máy nơi cô làm cũng như các nhà máy khác trên đất nước này hiện không chắc chắn do tranh chấp chính trị liên miên giữa EU và Campuchia.

Ngành sản xuất dệt may của Campuchia bùng nổ trong những năm gần đây, một phần không nhỏ do EU đồng ý miễn thuế xuất khẩu cho nước này vào EU, bắt đầu từ năm 2012.

Điều này dẫn đến khoảng 200 thương hiệu thời trang quốc tế đang sử dụng hơn 600 nhà máy ở Campuchia, bị thu hút bởi cả mức lương thấp của nước này và thực tế là họ không phải trả bất kỳ thuế gì khi xuất sang EU.

Tuy nhiên, trở lại hồi đầu tháng Mười, EU cảnh bảo rằng việc miễn thuế cho Campuchia vào thị trường EU có thể bị chấm dứt nếu chính phủ nước này không cải thiện tự do chính trị và nhân quyền ở trong nước.

Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom nói rằng EU đã tiến hành đánh giá sáu tháng về tình hình ở Campuchia, và trừ khi Phnom Penh cho thấy "những cải thiện rõ ràng và trông thấy, điều này sẽ dẫn đến đình chỉ thương mại" trong vòng 12 tháng.

Cecilia Malmstrom muốn thấy dân chủ hơn ở Campuchia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cecilia Malmstrom muốn thấy dân chủ hơn ở Campuchia

Bình luận của bà là phản ứng với những gì mà cả EU và Hoa Kỳ coi là hành vi ngày càng chuyên quyền của chính phủ Campuchia của Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền từ năm 1985 đến nay.

Hồi tháng Bảy, Đảng Nhân dân Campuchia của ông giành được tất cả 125 ghế trong quốc hội, được trợ giúp bởi thực tế là đảng đối lập chính - Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNPR) chính thức bị Tòa án Tối cao nước này giải thể vào tháng 11/2017.

Phán quyết của tòa án dựa trên khiếu nại của chính phủ Hun Sen rằng CNRP đang âm mưu với Hoa Kỳ nhằm lật đổ chính phủ. CNRP phủ nhận cáo buộc này.

Ken Loo, tổng thư ký Hiệp hội May mặc Campuchia, nói rằng sự đe dọa của EU "làm tăng thêm mối lo" rằng các công ty thời trang quốc tế có thể chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các nước khác.

Đây sẽ là điều đáng lo ngại với Campuchia khi bạn xem xét các con số liên quan. Ông Loo cho biết ngành công nghiệp nước này hiện có hơn 700.000 nhân công, trong đó 85% là nữ.

Trong khi đó, số liệu chính thức của EU cho thấy xuất khẩu quần áo của Campuchia sang châu Âu đạt 3,8 tỷ euro (4,3 tỷ USD) trong năm 2017, chiếm 44% tổng xuất khẩu trị giá 9,6 tỷ USD trong năm này.

Không ngạc nhiên khi có những lo ngại về khả năng đóng cửa các nhà máy và nạn thất nghiệp, không chỉ nếu EU bãi bỏ miễn thuế cho Campuchia mà còn đơn giản là hệ quả của mối đe dọa.

Công nhân dệt may thường được chở từ Phnom Penh đến các nhà máy ở ngoại ô thủ đô

Nguồn hình ảnh, THOMAS CRISTOFOLETTI

Chụp lại hình ảnh, Công nhân dệt may thường được chở từ Phnom Penh đến các nhà máy ở ngoại ô thủ đô

George McLeod, nhà phân tích rủi ro chính trị và kinh tế có trụ sở ở Bangkok, nói rằng các công ty quần áo có thể dễ dàng chuyển sản xuất sang Bangladesh, Việt Nam hoặc Indonesia.

Với Sao Run, người phải nuôi một con trai ba tuổi, đây là mối lo thực sự. "Công đoàn nhà máy nói với chúng tôi rằng nhà máy có thể đóng cửa nếu thuế [EU] tăng cao," cô nói.

"Với tôi, nếu nhà máy đóng cửa, tôi lấy gì để ăn?"

Một công nhân nhà máy quần áo khác, Yon Chansy, 24 tuổi, nói rằng cô biết về mối đe dọa từ EU qua Facebook, và cô cũng đang lo lắng về việc có thể bị thất nghiệp.

"Tôi có thể cân nhắc việc di cư sang Thái Lan nếu tình hình ở nước tôi quá tồi tệ," cô nói.

Về phần mình, chính phủ Campuchia có thể đang chuẩn bị thỏa hiệp, nhưng liệu có đủ để thấy hay không.

Tuần trước, quốc hội Campuchia (do chính phủ nắm giữ tất cả các ghế) nói rằng họ sẽ xem xét lệnh cấm đối với hơn 100 thành viên của đảng đối lập CNRP, nhưng không đưa ra thời gian biểu cụ thể. Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy liệu bầu cử mới sẽ được tổ chức, hay liệu lãnh đạo của CNRP sẽ thôi bị quản thúc tại gia.

Trong khi đó chính phủ đang hạ thấp tầm quan trọng của thị trường EU. Phát ngôn viên Bộ Công nghiệp và Thủ công Mỹ nghệ Oum Sotha nói với BBC rằng "thị trường của Campuchia không chỉ phụ thuộc vào châu Âu, chúng tôi có rất nhiều thị trường."

Hun Sen nắm quyền thủ tướng Campuchia từ năm 1985

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hun Sen nắm quyền thủ tướng Campuchia từ năm 1985

Sebastian Strangio, nhà báo và là tác giả cuốn sách "Hun Sen's Cambodia" (Campuchia của Hun Sen), nói rằng chính phủ Campuchia đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan thực sự về vấn đề EU.

"Vấn đề là 'những cải tiến rõ ràng và trông thấy' mà EU đòi hỏi, theo định nghĩa, sẽ làm suy yếu quyền lực của Hun Sen," ông nói.

"Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Do đó, rất khó để thấy hai bên sẽ tìm ra điểm chung như thế nào. Bất kỳ nhượng bộ nào mà chính quyền Campuchia đưa ra sẽ không đạt được những cải cách dân chủ có ý nghĩa.

"Liệu EU sẽ chấp nhận những cải cách mang tính hình thức hay không."

Nguồn tin từ Ủy ban châu Âu cho rằng khả năng lệnh cấm đảng đối lập Campuchia có thể được dỡ bỏ là "bước tiến tích cực ban đầu".

"Tuy vậy, điều này cần tạo ra kết quả cụ thể và đáng kể để giảm bớt những lo ngại nghiêm trọng của EU... việc thực hiện tuyên bố này và những thay đổi cụ thể sẽ là một trong số những yếu tố quyết định," bà bổ sung.

Tieng Ratana, người mẹ với ba con, đang làm việc tại nhà máy quần áo ở phía tây Phnom Penh, nói rằng bà hy vọng chính phủ Campuchia sẽ nghĩ về những người như bà.

"Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, nên tôi thực sự muốn các nhà lãnh đạo của chính tôi nghĩ về những người công nhân trước hết," bà nói.