Macron hứa tăng lương, hy vọng ngừng bạo động

Những người biểu tình áo vàng theo dõi diễn văn của Tổng thống Emmanuel Macron qua tivi

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Những người biểu tình áo vàng theo dõi diễn văn của Tổng thống Emmanuel Macron qua tivi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai loan báo tăng 100 euro/tháng cho lương tối thiểu trong động thái nhượng bộ phong trào "áo vàng".

Ông Macron xuất hiện trước quốc dân vào tối thứ Hai trong diễn văn 13 phút thu sẵn trước đó trong ngày.

Ông xin lỗi: "Có thể tôi đã cho ấn tượng rằng đó không phải vấn đề của tôi, không phải ưu tiên của tôi. Có thể tôi đã làm một số quý vị phật lòng vì ngôn ngữ của tôi."

Bốn thay đổi chính được loan báo trong diễn văn của ông Macron. Đó là tăng lương tối thiểu; bỏ đánh thuế lên tiền làm thêm ngoài giờ; khuyến khích chủ lao động cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế; và bỏ đánh thuế bổ sung lên phần lớn các loại tiền hưu trí.

Tổng thống Pháp loan báo sẽ tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng từ tháng Giêng 2019.

Hiện nay tiền lương tối thiểu ở Pháp năm 2018 là 1.498 euro/tháng trước thuế, và sau khi đã nộp thuế thì còn 1.185 euro.

Ông cũng bãi bỏ đề xuất đánh thuế lên lương hưu dưới 2.000 euro/tháng.

Những chủ lao động "có khả năng" được ông đề nghị hãy cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế vào cuối năm.

Ông Macron nói: "Chúng ta đang ở khoảnh khắc lịch sử trong đất nước. Với đối thoại, tôn trọng, đến với nhau, chúng ta sẽ thành công."

"Lo lắng duy nhất của tôi là quý vị, cuộc chiến duy nhất của tôi là quý vị - trận đánh duy nhất của chúng ta là vì nước Pháp."

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu 13 phút trước quốc dân

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu 13 phút trước quốc dân

Tuy nhiên ông Macron không chịu phục hồi thuế tài sản đánh vào những người giàu nhất nước, vốn là đối tượng của sự phẫn uất vừa qua.

Ông Macron trước đó bãi bỏ thuế nếu tổng tài sản, tiết kiệm và nhà cửa vượt trên 1,3 triệu euro, thay bằng một loại thuế chỉ đánh vào nhà cửa.

Nguyên do là vì ông hy vọng việc này sẽ tăng tiền cho giới nhà giàu để họ đầu tư và tạo thêm việc làm.

Nhiều người "áo vàng" đã đòi phục hồi thuế này.

Chụp lại video, Cuối tuần thứ tư bạo động ở Paris

Nhưng ông Macron nói: "Thuế này tồn tại gần 40 năm. Chúng ta có sống tốt hơn trong giai đoạn này không? Người giàu đã bỏ đi và tiêu chuẩn đời sống giảm."

Diễn văn của tổng thống Pháp diễn ra 48 giờ sau khi lại xảy ra đụng độ trên đường phố tại Paris.

Tổng thống Macron đứng trước khó khăn: ông phải thuyết phục giới trung lưu và người lao động rằng ông đang lắng nghe giận dữ của họ, nhưng lại không thể có ấn tượng rằng ông chịu thua trước sức ép đường phố.

Phong trào "áo vàng" bắt đầu chỉ với mục đích phản đối thuế môi trường xăng dầu, nhưng nhanh chóng mở rộng sang các đòi hỏi lớn hơn.

Bốn cuối tuần vừa qua đã chứng kiến bạo lực ở Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris, nơi xảy ra đốt xe, cướp phá.

Bắt đầu từ việc phản đối thuế xăng dầu, các cuộc biểu tình bạo động có dáng dấp đấu tranh giữa người lao động, nghỉ hưu và thất nghiệp chống lại giới "tinh hoa" bị xem là kiêu ngạo và không hiểu thực tế đời sống vất vả của người dân.

Phong trào "áo vàng" đã khiến nhiều địa điểm du lịch như bảo tàng Louvre và tháp Eiffel phải đóng cửa.