Mỹ—Triều với vị thế “quốc gia tầm trung” của Việt Nam

Chiến Thành
2019.02.19
000_1D3354 Lãnh tụ Bắc Hàn KIm Jong Un (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Singapore 6/2018.
AFP

Có rất nhiều lý do để Việt Nam được Mỹ và Triều Tiên lựa chọn làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Trump và Kim. Một trong những lý do quan trọng được giới quan sát nhấn mạnh, đó là vai trò đặc biệt của Hà Nội trong “chiến lược Ấn Độ—Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Chiến lược này, một cách chính thức và lần đầu tiên được đích thân Tổng thống  Trump công bố ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25.

Thành viên theo sát FOIP

Sau tuyên bố nói trên, Việt Nam và Hoa Kỳ lập tức bắt tay vào thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố và mở rộng “quan hệ đối tác toàn diện” trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và mong muốn chung thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh tại Ấn Độ—Thái Bình Dương (Indo—Pacific) [1]. Ngày 12/2/2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương—Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson tuyên bố trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, Việt Nam đang nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở Thái Bình Dương—Ấn Độ Dương [2]. Tổng thống Trump từng khẳng định, Mỹ không quên đóng góp của Việt Nam đối với an ninh Indo—Pacific [3]. Những người đứng đầu chính phủ của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc (thành viên Bộ tứ) cũng luôn luôn đánh giá vai trò Việt Nam trong nỗ lực kiến tạo FOIP [4].

Với thể chế và tình hình nội trị hiện nay ở Việt Nam thì một thượng đỉnh như sắp diễn ra chắc chắn vẫn chưa đủ “đô” để có thể dựng lên một cột mốc trên hành trình trở thành “cường quốc hạng trung”.

Đối với Việt Nam, việc tạo điều kiện thuận lợi để lần này Trump và Kim gặp nhau tại Hà Nội đã giúp nền ngoại giao Đổi mới “ghi điểm” với Washington. Đây là cơ hội giúp Việt Nam thắt chặt thêm các mối bang giao với Hoa Kỳ, nhất là trong hoàn cảnh hai quốc gia đều đang cần đến nhau, cả về mặt kinh tế lẫn địa-chiến lược, khi mà cục diện quốc tế đứng trước những đảo lộn trăm năm mới diễn ra một lần. Trong bối cảnh Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc, thì việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ—Triều còn tạo điều kiện cho Hà Nội tăng cường vị thế của mình, tạo thêm những điểm tựa mới để cân bằng và đối trọng với Bắc Kinh [5].

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un bắt tay sau lễ ký trong cuộc gặp lịch sử ở khách sạn Capella, Singapore hôm 12/6/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un bắt tay sau lễ ký trong cuộc gặp lịch sử ở khách sạn Capella, Singapore hôm 12/6/2018
AFP

Còn đối với Triều Tiên, theo tin tức mới nhất, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến Việt Nam trước cả thời điểm thượng đỉnh để tiến hành thăm chính thức cấp nhà nước. Sáng 16/2/2019, một phái đoàn Bắc Triều Tiên đã tới Hà Nội để chuẩn bị cho thượng đỉnh Triều—Mỹ và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim. Trước đó, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã lên đường sang Bình Nhưỡng từ 12—14/2 để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử 60 năm quan hệ Việt—Triều. Truyền thông trong nước trích lời ông Minh cho hay “Việt Nam sẵn sàng cùng Triều Tiên hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích mỗi nước và luật pháp quốc tế, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế—xã hội phù hợp với nhu cầu của Triều Tiên” [6].

Là thành viên theo sát FOIP (shadow member), Việt Nam luôn có quan điểm độc lập và linh hoạt trong các mối liên hệ song phương và đa phương ngày càng bất toàn trong khu vực. Vì vậy, việc cả Mỹ lẫn Triều Tiên chọn Hà Nội làm địa điểm cuộc gặp cấp cao đều làm hài lòng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ở mức độ nhất định). Điều này là một “điểm cộng” nữa cho Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia tin cậy đối với bên ngoài. Trước đây, khi có chuyên gia bàn về địa vị “cường quốc hạng trung” của Việt Nam sau năm 2030, nhiều ý kiến lúc ấy cho là chuyện bao đồng [7]. Nhưng rồi quá trình Việt Nam tham gia dàn xếp cuộc thượng đỉnh đang khiến giới phân tích suy đoán, liệu guồng máy hành khiển chính trường nước Việt, sau vai trò “trung gian lịch sử” này, sẽ đi những bước tiếp nào để nhắm tới địa vị “quốc gia tầm trung”?

Tình huống cản trở Việt Nam

Thật ra thì câu hỏi trên có phần dễ trả lời hơn, nếu như vừa qua, không có tình huống bà Thủ tướng Đức Angela Markel vào ngày 7/2/2019 lại chủ động nêu vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh (từ năm 2017) như một nội dung đáng lưu tâm trong hội đàm song phương giữa Đức và Slovakia. Mạng “Slovak Spectator” loan tin, Thủ tướng Markel được dẫn lời nói rằng bà không nghi ngờ gì về việc Slovakia đang thực hiện mọi nỗ lực để tiếp tục điều tra vụ bắt cóc. Trong khi chưa khắc phục xong vụ “vỏ dưa” ấy, thì giáp tết, Việt Nam lại vấp phải một “vỏ dừa” khác, còn bất lợi nhiều hơn so với “vỏ dưa” cũ từ hai năm trước. Giới quan sát lập tức ngửi ngay ra “mùi khét” của việc nhà báo Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok. Nội vụ xảy ra cuối năm ngoái hứa hẹn một “ca đặc biệt” (case-study) Trịnh Xuân Thanh thứ hai.

Hãy loại trừ “thuyết âm mưu” có tình báo Hoa Nam “nhúng” tay vào vụ việc, nhiều chuyên gia buộc phải bày tỏ “sự bái phục” đối với những đạo diễn dựng lên “kịch bản” Trương Duy Nhất, phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các phe nhóm trong chóp bu quyền lực. Chưa kịp cản phá quả “penalty” EVFTA của EU, giờ đây chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ lại nhức đầu về vụ Trương Duy Nhất. Nếu câu chuyện của Nhất diễn ra như một vụ Trịnh Xuân Thanh mới, Việt Nam rồi sẽ “rông” suốt cả năm, mà không chỉ giới hạn trong phạm vi EU. Điều này, đến lượt nó, có nguy cơ làm xói mòn những nỗ lực của Hà Nội trong việc phấn đấu để trở thành một nước có vai trò dẫn dắt, bước lên nấc thang cao hơn trong bang giao quốc tế để giải quyết các vấn đề thế giới.

Blogger Trương Duy Nhất tại Tòa án Đà Nẵng vào ngày 4 tháng 3 năm 2014.
Blogger Trương Duy Nhất tại Tòa án Đà Nẵng vào ngày 4 tháng 3 năm 2014.
AFP

Trong họp báo thường kỳ, khi được hỏi về thượng đỉnh Mỹ—Triều cuối tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng “Trung Quốc liên tục hậu thuẫn Triều Tiên và Mỹ đối thoại và tham vấn tìm các giải pháp”. Bà Oánh làm như không để ý đến câu chuyện thượng đỉnh diễn ra ở đâu. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi Việt Nam là “người bạn thân thiết của Hoa Kỳ”, cám ơn Hà Nội về “sự hào phóng” khi đăng cai hội nghị giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim, thì việc Trung Quốc không màng tới (ignore) vai trò trung gian của Việt Nam là một sự tảng lờ cố ý. Tại sao Trung Quốc lại hồ hởi, khi mà Việt Nam có cơ trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực? Trước mắt được Hoa kỳ lựa chọn như một “tác nhân” trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng về tương lai của nước này sau tiến trình phi hạt nhân hoá? [8]

Trở lại cuộc gặp Trump—Kim lần thứ nhất trên đảo Sentosa, truyền thông còn nhắc lại tuyên bố “xanh rờn” của ông Lý Hiển Long liên quan đến thượng đỉnh: “Chúng tôi không yêu cầu để thượng đỉnh diễn ra ở Singapore”. Nhưng đất nước được vinh danh là “Thuỵ Sỹ của châu Á” đã sẵn lòng cung cấp địa điểm cho cuộc gặp cấp cao. Việt Nam, ngược lại, ngay từ đầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua Seoul, đã chủ động lobby để cuộc gặp được diễn ra ở Việt Nam. Kể cả khi chưa có thông tin cuối cùng về quyết định từ cả Mỹ lẫn Triều Tiên, nhưng trên kênh truyền hình quốc tế, ông Phúc đã ngỏ ý “sẽ làm hết sức để đăng cai cuộc họp này”. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Bích Hằng, tuy đã kìm nén, những cũng không dấu niểm hoan hỷ.

Cần các giải pháp cấp bách hơn

Tuy nhiên, với thể chế và tình hình nội trị hiện nay ở Việt Nam thì một thượng đỉnh như sắp diễn ra chắc chắn vẫn chưa đủ “đô” để có thể dựng lên một cột mốc trên hành trình trở thành “cường quốc hạng trung”. Nếu thực sự để đạt được quy chế ấy, Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa mới vượt lên trên hình ảnh “một kẻ mối lái” đơn thuần. Cứ xem cách “tay ga”, “tay thắng” như các đồng chí đang triệt tiêu thành tựu của nhau qua vụ Trịnh Xuân Thanh và Trương Duy Nhất thì đủ thấy, nội trị và ngoại giao từ nay phải là hai mặt của một đồng tiền. Hai tiến trình này nếu chuyển động ngược chiều nhau như hiện nay, thì khả năng Việt Nam “đứt gánh giữa đường” là nguy cơ hiển hiện.

Đất nước thiếu hẳn những nhân vật chính trị và lực lượng chính trị có tầm vóc — hậu quả của bảy thập kỷ sống trong đêm trường của chủ nghĩa toàn trị và độc tài.

Việt Nam đã tận dụng được “thiên thời, địa lợi” góp phần thúc đẩy thượng đỉnh Trump—Kim. Tuy nhiên, yếu tố “nhân hoà” bên trong quốc nội xem ra vẫn là bất ổn lớn. Nhiều vấn đề hệ trọng của nước Việt hiện tại còn nhức nhối, đòi hỏi phải có các giải pháp cấp bách. Đó là ý thức quốc gia—dân tộc bị suy giảm, không gian sinh tồn và không gian văn hoá của người Việt bị tàn phá một cách nặng nề, đạo đức xã hội và thang giá trị trong cộng đồng bị tụt dốc thê thảm. Sau hơn nửa thế kỷ bị đàn áp và chia rẽ, ý thức phản kháng của tuyệt đại đa số bộ phận có học nhất của người Việt hầu như bị triệt tiêu. Đất nước thiếu hẳn những nhân vật chính trị và lực lượng chính trị có tầm vóc — hậu quả của bảy thập kỷ sống trong đêm trường của chủ nghĩa toàn trị và độc tài [9].

Thể hiện bề nổi của những vấn nạn nói trên chính là sự lan tràn các thói hư tật xấu của người Việt, nhất là “người Việt công quyền”. Cuộc tâm giao giữa GS. Nguyễn Đình Cống với tác giả cuốn sách “Người xưa cảnh tỉnh" [10] thực sự đã tạo nên chuỗi giá trị đáng để suy ngẫm (food for thought) đối với các thế hệ người Việt. Vấn đề chưa phải là để khắc phục ngay lập tức 259 thói tật cụ thể về các lĩnh vực. Ưu tiên trước mắt là suy tư và hành động như trong phần “Tạm kết” của cuốn sách, phải kiến tạo được một thể chế chính trị mới trong sạch và vững mạnh. Mặc dầu con đường phía trước còn dài, khó khăn và thách thức là hiển nhiên. Nhưng nếu không vượt qua được, giấc mộng trở thành “cường quốc hạng trung” của Việt Nam mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ.

Bời vì nguồn gốc sâu xa của mọi thảm trạng nói trên chính là do cái “bóng ma” ý thức hệ sai lầm đang ám ảnh Việt Nam [11]. Ý thức hệ ấy vốn đã bị loại bỏ ngay trên những mảnh đất sinh ra nó và cho đến hôm nay, chưa có một mô hình kinh tế—xã hội nào nhân danh nó mà có thể mang lại “cơm no áo ấm” cho nhân quần. Venezuela những ngày này đang là bài học cho những ai chưa ra khỏi sự u mê thế kỷ. Riêng đối với Việt Nam, thể chế hiện thời thật ra không hề giúp bảo vệ sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, vì hầu hết người dân không còn tin tưởng vào nó nữa. Tất cả hiện nay chỉ là các màn độc diễn “lộng giả thành chân”. Việc loại bỏ ý thức hệ ấy như một thứ gông cùm buộc chặt Việt Nam với Trung Quốc sẽ giúp đất nước thực sự hòa nhập vào văn minh khu vực và thế giới. Đó cũng chính là cứu cánh để Việt Nam thoát khỏi thân phận lệ thuộc Tàu, vững bước trên con đường trở thành một “quốc gia tầm trung”.

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/apec-2017/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-hoa-ky-410505.html

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vn-be-on-the-list-of-us-military-bases-in-the-asia-region.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-thong-trump-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-la-nguoi-ban-tuyet-voi-cua-my-479240.html

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-official-view-indo-pacific-06062018131955.html;

http://cis.org.vn/article/2640/toan-van-tuyen-bo-chung-giua-viet-nam-va-an-do-phan-2.html

[5] http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190206-viet-nam-to-chuc-thuong-dinh-my-bac-trieu-tien-ca-ba-ben-cung-co-loi

[6] https://news.zing.vn/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-tham-chinh-thuc-trieu-tien-post915651.html

[7] http://nghiencuubiendong.vn/ngoai-giao-vn/7071-muc-tieu-cuong-quoc-tam-trung-va-vien-canh-ngoai-giao-viet-nam-sau-nam-2030

[8] https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-n%C3%B3i-g%C3%AC-v%E1%BB%81-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-m%E1%BB%B9---tri%E1%BB%81u-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-/4782809.html

[9] http://www.talawas.org/?p=26870

[10] http://bon-phuong.blogspot.com/2019/02/nguoi-xua-canh-tinh-con-nguoi-nay.html

[11] https://baotiengdan.com/2018/12/28/vi-sao-viet-nam-nen-tu-bo-chu-nghia-mac-lenin-cnml/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.