Trung Quốc: Gia tăng đột kích nhắm vào người đào tẩu Bắc Hàn

Bắc Hàn

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Ảnh những người đào tẩu Bắc Hàn được Hiệp hội Nhân quyền Người tỵ nạn Bắc Hàn giúp đỡ

Ít nhất 30 người trốn thoát khỏi Bắc Hàn đã bị vây bắt trong một loạt các cuộc đột kích khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 4/2019, thân nhân của họ và các nhóm hoạt động cho biết.

Một thập kỷ sau khi bỏ lại gia đình để chạy trốn khỏi Bắc Hàn, một người đào thoát xúc động khi bà gọi điện cho con trai 22 tuổi lần đầu vào tháng 5/2019 sau khi anh này cũng trốn sang Trung Quốc.

Theo Reuters, trong khi nói chuyện với con trai qua điện thoại những ngày sau đó, bà hoảng hốt khi biết căn "nhà an toàn" nơi con trai bà và bốn người đào thoát khác đang ẩn náo bị chính quyền Trung Quốc đột kích.

"Tôi nghe thấy những tiếng nói, có người nói "im mồm" bằng tiếng Trung," người phụ nữ này nói với điều kiện ẩn danh để bảo vệ sự an toàn của con trai. "Sau đó, đường dây bị cắt đứt, và tôi nghe nói sau đó con tôi đã bị bắt."

Người phụ nữ, hiện đang sống ở Nam Hàn, cho biết bà nghe đồn rằng con trai mình đang bị giam tại một nhà tù Trung Quốc gần biên giới Bắc Hàn, nhưng không có tin chính thức.

Ít nhất 30 người trốn thoát khỏi Bắc Hàn đã bị vây bắt trong một loạt các cuộc đột kích khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 4/2019, thân nhân của họ và các nhóm hoạt động cho biết.

Không rõ liệu đây có phải là một phần trong cuộc đàn áp lớn hơn của Trung Quốc hay không, nhưng giới hoạt động nói rằng các cuộc đột kích đã phá vỡ mạng lưới môi giới không chính thức, các tổ chức từ thiện và người trung gian được gọi là "Đường sắt ngầm".

Y.H.Kim, chủ tịch của Hiệp hội Nhân quyền Người tỵ nạn Bắc Hàn, nói: "Việc trấn áp này khá nghiêm trọng."

Điều đáng lo ngại nhất đối với giới hoạt động là các vụ bắt giữ xảy ra cách xa biên giới Bắc Hàn và gồm các cuộc đột kích nhắm vào ít nhất hai ngôi "nhà an toàn".

"Đột kích "nhà an toàn"? Tôi chỉ thấy hai hoặc ba lần," Kim nói. Người này rời Bắc Hàn năm 1988 và đóng vai trò người trung gian trong 15 năm qua, kết nối các nhà tài trợ với các nhà môi giới giúp đỡ người đào thoát.

"Bạn bị có thể bị bắt trên đường, trong lúc di chuyển. Nhưng bị bắt tại "nhà an toàn" thì rất hiếm."

"Các vụ bắt giữ gia tăng có thể do nhiều yếu tố, gồm tình trạng kinh tế xấu đi ở Bắc Hàn khiếnTrung Quốc lo ngại về làn sóng người tỵ nạn," Kim Seung-eun, mục sư tại Nhà thờ truyền giáo Seoul, nói.

"Hồi thập niên 1990, khi nạn đói diễn ra ở Bắc Hàn, có tới nửa triệu người đào thoát đã đến Trung Quốc," ông Kim nói. "Những vụ bắt giữ mới đây cho thấy Trung Quốc muốn ngăn chặn điều này xảy ra một lần nữa."