VN: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời

Ông Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước Việt Nam từ 9/1992 đến 9/1997

Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi, theo truyền thông chính thống Việt Nam.

Hãng tin của nhà nước, Thông Tấn xã Việt Nam, hôm 22/4 ra thông báo:

"Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương: đồng chí Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội."

"Đại tướng Lê Đức Anh là nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó bí thư Quân ủy trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng," báo Tuổi trẻ hôm thứ Hai giới thiệu tiểu sử chính trị gia vừa qua đời.

"Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9-1997, có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ," tờ này cho biết thêm.

Báo mạng VnExpress hôm 22/4 cũng lược lại tiểu sử của nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh, cho hay:

"Ông tham gia cách mạng từ năm 1937, trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1944, ông tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

"Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn, Trung đoàn. Từ tháng 10/1948 , ông là Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1951, ông là Tham mưu phó, quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, rồi Cục phó Cục Tác chiến; Cục Trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam.

"Từ tháng 8/1963, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1964 đến 1974, ông là Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam; Tư lệnh Quân khu 9."

'Thăng hàm vượt cấp'

Ông Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Lê Đức Anh trong một lần tiếp Thượng nghị sỹ John Kerry, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Vẫn theo VnExpress, ông Lê Đức Anh từng đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam từ 1974:

"Tháng 6/1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

"Khi đất nước thống nhất, ông làm Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980.

"Năm 1981-1986, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Camphuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

"Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/1987. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001."

Ông Lê Đức Anh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam từ 2/1987-8/1991

Tờ Tuổi trẻ nêu một số chi tiết liên quan cựu Chủ tịch nước sau khi hưu trí, cho biết thêm:

"Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4-2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân.

"Khi xảy ra sự việc xô xát do cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng một số vị lão thành lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu làm rõ đúng sai cả về phía người dân và phía chính quyền các cấp trong vụ việc này, cũng như phản đối việc quân đội tham gia cưỡng chế đất đai.

"Phát biểu với báo chí khi đó, ông nói: "Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức có hành động không lành mạnh điều đó đã làm giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, bản thân tôi thấy đó cũng là điều lo lắng.

"Tôi cho rằng trong đội ngũ của Đảng, cán bộ đảng viên mà suy thoái, làm trái nguyên tắc cơ bản của Đảng, làm sai hiến pháp và pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm".

Cùng ngày thứ Hai, dẫn nguồn tin trên Việt Nam Thông Tấn xã về việc ông Lê Đức Anh qua đời, báo Quân Đội Nhân Dân phiên bản điện tử cho biết thêm chi tiết:

"Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng đồng chí Lê Đức Anh sẽ được thông báo sau."